Phải Gắn Sản Xuất Với Bao Tiêu Sản Phẩm
Sáng 28.4, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi tiếp xúc cử tri tại huyện nghèo ven biển Lộc Hà.
Tại đây, cử tri đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh trong việc xây dựng luật và chính sách, đặc biệt là chính sách đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Cử tri Trần Văn Trúc ở xã Thạch Bằng kiến nghị: Chính phủ, Quốc hội cần có chính sách hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển. Riêng xã Thạch Bằng hiện có 83 tàu thuyền, trong đó có 20 chiếc công suất trên 30CV. Cuộc sống người dân chủ yếu trông chờ vào đi biển, nhưng những năm qua ngư trường cạn kiệt nên ngư dân làm ăn rất khó khăn, thua lỗ nặng.
Trung bình mỗi thuyền đi đánh cá ở vùng lộng, riêng chi phí dầu máy cũng tốn hơn 30 triệu đồng/ tháng. Nếu không có sự hỗ trợ, ngư dân không thể bám biển vươn khơi. Đặc biệt, rủi ro và tai nạn rình rập ngư dân, nên rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ chi phí đóng bảo hiểm tàu thuyền.
Nhiều cử tri phản ánh, hiện nay tại Lộc Hà sản xuất nông nghiệp chủ yếu trông vào... ông trời. Cử tri Nguyễn Yên (xã Hồng Lộc) mong muốn Nhà nước ưu tiên chính sách đầu tư công trình thủy lợi. Theo ông Yên, tại huyện Lộc Hà, công trình thủy lợi ngọt hóa sông Nghèn hoàn thành và đưa vào sử dụng vào năm 2008.
Mặc dù dòng nước ngọt chảy vòng qua nhiều xã của huyện Lộc Hà nhưng không có kênh trục sông Nghèn nên nhiều năm qua người dân ở đây vẫn phải chịu khát, mà đặc biệt là sản xuất nông nghiệp luôn nằm trong tình trạng thiếu nước...
Các vấn đề phòng chống tiêu cực, tham nhũng, chính sách bảo hiểm xã hội, việc làm cho lao động nông thôn, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp… cũng được cử tri kiến nghị, đề xuất. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã ghi nhận và tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của cử tri.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà chú trọng phát triển xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên chất lượng con giống, cây trồng và tăng cường chuyển giao kỹ thuật cho người dân, gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm.
Ngày 28.4, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê, quận Ngũ Hành Sơn. Nhiều cử tri quan tâm đến việc cải cách sách giáo khoa. Các ý kiến đều cho rằng, nên cải cách chương trình giáo dục phổ thông trước khi cải cách sách giáo khoa để chống lãng phí.
Phải phân định rõ ràng, ở mỗi cấp học, cần dạy, đào tạo kiến thức chương trình gì. Tránh tình trạng học sinh phải học nhồi nhét như hiện nay mà kiến thức trọng tâm lại chẳng rõ ràng. Nhiều cử tri còn bức xúc chuyện đùn đẩy trách nhiệm ở những người đứng đầu các cơ quan, sở ban ngành khi có “chuyện” xảy ra...
Ông Nguyễn Bá Thanh - Trưởng ban Nội chính T.Ư cho rằng cải cách giáo dục, cải cách sách giáo khoa không phải là vấn đề đơn giản, dễ làm. Chỉ riêng việc nên chọn đưa kiến thức, thông tin lịch sử gì vào chương trình giảng dạy ở các cấp học cũng đã là vấn đề đau đầu.
Cũng theo ông Thanh, tình trạng không ai chịu trách nhiệm khi xảy ra các vụ việc tiêu cực là tình trạng chung nhưng dần dần T.Ư sẽ tiến đến quy trách nhiệm cụ thể hơn.
Có thể bạn quan tâm
Mô hình kết hợp lúa - cá là giải pháp bền vững nhằm giảm ô nhiễm môi trường, duy trì môi trường sinh thái tự nhiên, tạo ra sản phẩm cá và lúa sạch cung cấp cho thị trường. Đặc biệt, mô hình đã giúp bà con nông dân vùng trũng, vùng lũ chuyển dịch sản xuất, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, hiện nay mô hình này đa phần được bà con nuôi dưới hình thức quảng canh, cơ sở hạ tầng vùng sản xuất yếu và thiếu, con giống, đầu ra sản phẩm còn nhiều bất cập…
Theo báo cáo của các địa phương, trong 7 tháng đầu năm 2015, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là trên 21.000ha, gây tổn thất lớn về kinh tế của người nuôi và ngân sách nhà nước; người nuôi còn lạm dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong phòng, chống, trị bệnh cho tôm dẫn đến một số nước đã ngừng hoặc cảnh báo tôm Việt Nam có dư lượng kháng sinh vượt giới hạn cho phép.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết sơ bộ mức thuế chống bán phá giá lần thứ 11 (POR11) đối với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này trong giai đoạn 1/8/2013 đến 31/7/2014.
Ngày 3-9, Đoàn kiểm tra của Chi cục Thú y Đồng Nai đã kiểm tra đột xuất trang trại nuôi heo Tuyết An tại xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu).
Anh Dư Văn Hai – chủ trang trại chăn nuôi dúi, xã Minh Quang (Tam Đảo - Vĩnh Phúc) không chỉ được người dân địa phương biết đến mà nhiều nhà hàng lớn ở Vĩnh Phúc và các tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Tuyên Quang, Phú Thọ... biết tiếng. Với quy mô chăn nuôi lên đến hàng nghìn con, trang trại của anh Hai được Hội Các ngành sinh học Việt Nam (Bộ Công thương) và Bộ NN&PTNT nhiều lần tới tham quan.