Đẩy Mạnh Phát Triển Thủy Sản Năm 2012
Diện tích nuôi thủy sản toàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) năm 2011 là 1540 ha, đạt 100% so với kế hoạch, tăng 40 ha so với năm 2010 dẫn đến sản lượng thủy sản cả năm tăng ước đạt 48.950 tấn, đạt 100,51% kế hoạch, tăng gần 2.000 tấn. Để tạo điều kiện cho ngành thủy sản đạt được những kết quả phấn khởi, huyện Cao Lãnh tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống và nhiều giống thủy sản để đảm bảo nuôi trồng thuận lợi. Tuy nhiên, trong năm 2011, tình hình dịch bệnh xuất hiện ở một số đối tượng được nuôi trồng như: cá tra, cá lóc, điêu hồng, ếch, tôm càng xanh, tổng số mẫu các hộ nuôi đã gửi về trạm để xác định tình trạng bệnh chủ yếu là do bị nhiễm khuẩn, ký sinh trùng và nguyên sinh động vật. Ngay sau khi có kết quả, trạm thủy sản huyện thông báo đến các hộ nuôi đồng thời hướng dẫn biện pháp phòng trị kịp thời hạn chế thiệt hại.
Để việc nuôi trồng được thuận lợi, ngoài chú ý đến chất lượng con giống, yếu tố môi trường, huyện còn quan tâm nâng cao trình độ kỹ thuật cho bà con. Huyện đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền các văn bản bảo vệ nguồn lợi thủy sản được 10 lớp, phối hợp với trường Đại học Cần Thơ tổ chức 1 lớp tập huấn về biến đổi khí hậu và các tác động đến mô hình nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Ngoài ra, phối hợp với các ngành hữu quan kiểm tra tình hình khai thác nguồn lợi thủy sản trong mùa lũ.
Mục tiêu phát triển thủy sản năm 2012 của huyện gắn liền với phát triển bền vững kết hợp bảo vệ môi trường, tập trung khai thác có hiệu quả các vùng nuôi trọng điểm của huyện trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, đa dạng hóa các hình thức nuôi, xác định đối tượng nuôi có giá trị kinh tế với diện tích phấn đấu năm 2012 là 2.615 ha, ước sản lượng đạt được là 58.150 tấn. Trên cơ sở đó, khuyến khích vận động người nuôi cá tra áp dụng các quy trình thực hành nuôi tốt BMP, CoC...
Bên cạnh khai thác vùng nuôi trọng điểm, huyện phát triển các vùng ngập sâu nuôi cá lồng mùng trên ruộng trong mùa nước, kết hợp trồng các loại thủy sinh góp phần tăng thu nhập cho các hộ dân. Khuyến khích, vận động nhân rộng các mô hình nuôi có hiệu quả kinh tế cao, phát huy mô hình luân canh một lúa một tôm. Bên cạnh đó, tập huấn về quy trình kỹ thuật nuôi và phương pháp phòng, chống dịch bệnh cho các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tuyên truyền vệ sinh thú y thủy sản... Khuyến khích các cơ sở tăng quy mô sản xuất và phát triển nhiều cơ sở mới để đáp ứng nhu cầu về con giống có chất lượng cao cho địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Thiên nhiên vốn ưu đãi cho TP Hải Phòng là tổ hợp tài nguyên, môi trường phong phú, rất thuận lợi cho việc nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Song khu vực này đang chịu tác động từ nhiều phía, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường biển, làm hạn chế sự phát triển của ngành thủy sản thành phố cảng.
Năng suất lúa của Cà Mau trong những năm gần đây đã được nâng lên, đó là nhờ vào sự thay đổi giống lúa có chất lượng, cho năng suất cao. Tuy nhiên, không ít hộ dân còn chạy theo tiêu chí “hàng ngoại tốt hơn hàng nội”, từ đó họ phải trả thêm một phần “chi phí ảo” cho loại giống này.
Sau hai thương hiệu sản xuất, chế biến cà phê sạch khá thành công trên thị trường, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum vừa có thêm thương hiệu cà phê sạch thứ ba hoạt động trên cơ sở tự nguyện góp vốn, vườn cây của nông dân và sản xuất kinh doanh thông qua mô hình hợp tác xã.
Hiện cá mú nghệ thương phẩm tại Khánh Hòa được thương lái thu mua ở mức 140-150 ngàn đ/kg, giảm 100 ngàn đ/kg so với những năm trước. Mặc dù giá thấp nhưng vẫn khó tiêu thụ.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Kim Bình (Chiêm Hóa - Tuyên Quang) có phong trào trồng chuối tây tại các thửa đất đồi bạc màu cho thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo.