Mùa Cá Chạy
Sáng sớm, cơn gió bấc vi vu len lỏi qua vùng quê nghèo. Ở các xóm nhỏ ven sông, người dân ngồi xúm xít bên ngọn đèn để cắt đầu cá làm mắm. Mùa cá chạy đã bắt đầu!
Rôm rả trong đêm
Màn đêm còn tối mịt. Vậy mà, những cái “chợ ma” vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng kỳ kèo trả giá giữa những bạn hàng xa và “ngư phủ” trong đêm trở nên ấm áp. Tám Tăng (62 tuổi) lái chiếc ghe đục chạy từ hướng Tri Tôn qua Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang) nhá chiếc đèn pha lia lịa về cái “chợ ma” để báo hiệu ghe cá sắp cặp bến.
Chiếc ghe đậu lại bên dòng kênh Mặc Cần Dưng, những chị bạn hàng tranh thủ nhảy xuống lựa cá. Nhìn các chị, tám Tăng cười khoái chí, vì hôm nay ghe cá bán hết. Bắt chuyện mới biết, tám Tăng là một trong số ít những thương hồ còn sót lại với cái nghề buôn cá, mắm bằng ghe đục.
Nhớ thời lũ lớn, tôm và cá đầy đồng, tám Tăng thở dài: “Từ năm 2000 trở về trước, mỗi lần đến mùa cá chạy, nhiều đến mức người ta tính bằng giạ. Ghe đục của tôi chở bán không kịp. Có khi, mỗi ngày phải tranh thủ chở hai, ba bận mới kịp giao. Nếu để qua ngày cá bị dội thì có nước đem ủ mắm. Thậm chí, những luồng đáy chạy cá linh nhiều vô kể, kêu không ai mua, họ phải xả bỏ. Còn nay, hai, ba ngày dồn lại mới đủ cá đi chợ xa”.
Lũ năm nay nhỏ nên cá mắm lèo tèo, chủ yếu là cá chốt hoặc cá linh chứ chưa thực sự mãn nhãn đối với cư dân vùng lũ. “Hồi trước, cá chợ bán mỗi đêm vài tấn là chuyện thường. Bây giờ, toàn cá chốt, cá rô (cỡ 2 ngón tay), cá dảnh. Cá trèn, cá kết, cá lóc đồng cũng ít dần” - tám Tăng than thở.
Bưng thau cá chạch, cá chốt, cá linh lộn xộn từ dưới xuồng lên, bàn tay hai Lượng móp méo và run bần bật vì lạnh. Nhưng hai Lượng vẫn hồ hởi: “Do mấy bữa rày giăng lưới theo con nước cá ra nên mới dính được kha khá vầy nè anh ơi. Còn ngày thường chỉ dính vài ký thôi”.
Năm nay, cá chạch đồng cũng ít hơn so với mọi năm. Những năm trước khi cơn gió bấc vừa chuyển mình, mây đen kéo kín cánh đồng lũ, cá chạch từ dưới lớp bùn non ngoi lên tìm đường ra sông. Thời điểm này, bà con giăng dính cá nhiều nhất. Ăn không hết, bán không ai mua phải làm khô ăn đến tận Tết Nguyên đán.
Cá, tôm khan hiếm
Chợ “âm phủ” tại đầu cầu Tha La (Tịnh Biên- Châu Đốc) nhóm họp chỉ vài tiếng đồng hồ trong đêm là tan. Từ lâu, nơi đây cũng là điểm tập kết tôm, cá của dân nghèo chuyên khai thác thủy sản trong mùa lũ. Còn nay, cái chợ này hoạt động không rôm rả như trước. Nguồn cá đồng, tôm, tép khan hiếm dần. Nhiều người khai thác cá đêm đã bỏ nghề bớt.
Anh Nguyễn Văn Tỵ ở ven kênh Vĩnh Tế nói rằng, bao mùa trước, tại đầu cầu Tha La có khoảng 20 đầu xuồng ở nơi khác đến dựng lều, che bạt trên đê để khai thác cá, tôm. Thế nhưng, hiện nay chỉ còn vài hộ đến bám nghề.
“Mỗi đêm, người ta chở cá về từ miệt núi Voi, Tân Lập, cánh đồng gần rừng tràm Trà Sư hoặc cánh đồng biên giới Tịnh Biên. Bây giờ, còn khoảng 15 xuồng, ghe, lưới đánh bắt cá tôm mang về mà thôi. Hàng đêm, bạn hàng ngoài chợ Châu Đốc vô đây thu mua cá chốt, cá linh về làm mắm chuẩn bị đón Tết nên giá cả cũng cao hơn. Cá linh từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cá chốt cũng vậy, còn cá mè vinh và cá dảnh 20.000-30.000 đồng/kg (tùy lớn nhỏ)” - hai Lượng trần tình.
Trưa. Cơn gió bấc ràn rạt. Mặc cho cái lạnh cắt da, sáu Xiếu (45 tuổi ở Mỹ Đức) trầm mình xuống dòng kênh Trà Sư gỡ chiếc chài bị kẹt dưới rọ đá. Cố phân dây chài vượt khỏi dòng nước chảy xiết, sáu Xiếu nói run run: “Hôm nay, giống như ngày hội chài cá vậy. Chỉ thời điểm này mới vui, mỗi ngày có người chài dính 10-20kg cá dảnh, cá mè vinh. Có người còn đem cả mùng mền theo ngủ canh con nước chài cá. Có đêm lạnh quá, họ bắt những con cá linh già chài được đem nướng, rồi rủ nhau nhấp chén đắng cho ấm lòng”.
Tại cống Trà Sư, năm nào cũng vậy, hễ đến mùa cá chạy thì có đến cả trăm người “trên bến dưới thuyền” thi nhau chài cá. Ngày trước, khi chưa bao đê, đi qua các con kênh vào mùa cá chạy thường thấy người chài đông nghẹt. Ngày nay, chắc chỉ còn con kênh Trà Sư là thu hút nhiều người đến chài đông như vậy.
Từ bao đời nay, với nghề cha truyền con nối, ông Nguyễn Văn Cường (65 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hội Đông, An Phú) đã nắm bắt được quy luật tự nhiên trong mùa nước rút nên tranh thủ cùng gia đình đánh lưới đồng xa. Trên chiếc xuồng cui bồng bềnh, tay cầm mái dầm đẩy nước chanh chách, ông Cường nhanh nhẹn bủa lưới. Mặc dù lạnh, nhưng ông cùng các con của hì hục dưới nước để kéo cá. Những con cá mè vinh, cá linh nhảy lách chách báo hiệu trúng mánh, vợ chồng ông Cường mừng rơn.
“Lựa những nơi êm sóng, cá trú ẩn nhiều kéo dính mới thấy mê. Thông thường, bắt đầu 2 giờ là thức giấc đánh lưới đêm. Cứ thế, mỗi đêm bỏ sở hụi, tôi kiếm cũng được hơn trăm ngàn”- ông Cường cười khà.
Cuối mùa cá chạy, ai nấy cũng tranh thủ khai thác sản vật mùa lũ mà thiên nhiên ban tặng. Tuy nhiên, trăn trở lớn nhất của mọi người là làm sao không còn nạn đánh bắt thủy sản bằng xung điện theo kiểu tận diệt để nguồn lợi cá, tôm được tồn tại theo thời gian.
Theo ngành chức năng, do nguồn lợi thủy sản tự nhiên ngày càng giảm nên sản lượng khai thác thấp so cùng kỳ, ước khoảng 23.478 tấn (giảm 791 tấn so năm 2013). Trong đó, lượng cá đạt 16.000 tấn (chiếm 72% sản lượng), các loại thủy sản khác 7.478 tấn (28% sản lượng).
Nguồn bài viết: http://nld.com.vn/dia-phuong/mua-ca-chay-20141118094403868.htm
Có thể bạn quan tâm
Ngày 1-12, tại huyện Yên Thế (Bắc Giang), Sở Công thương Bắc Giang phối hợp với UBND huyện Yên Thế tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế. Tham dự hội nghị có đại diện một số sở Công thương, đơn vị tiêu thụ, kinh doanh gà đồi tại Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh... và hộ chăn nuôi trên địa bàn.
Đến năm 2020, bên cạnh chăn nuôi trang trại được đẩy mạnh phát triển thì chăn nuôi quy mô nhỏ vẫn tồn tại và chiếm ưu thế. Theo đó, nhiều giải pháp được đặt ra để nâng cao sức cạnh tranh như hình thành liên kết; chính sách khuyến khích phát triển trong đó có vốn, đào tạo kỹ thuật.
Gà đồi Yên Thế đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trong cả nước. Nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân, góp phần tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Để từng bước nâng cao công tác quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm. UBND huyện Yên Thế đã thực hiện nhiều giải pháp cam kết đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đảm bảo chất lượng.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, nhiều địa phương trong tỉnh Tiền Giang do điều kiện canh tác lúa khó khăn, nông dân đã mạnh dạn chuyển sang trồng sen, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tập trung nhiều nhất tại huyện Tân Phước (Tiền Giang) đã chuyển đổi gần 50 ha lúa năng suất thấp sang trồng sen.
Vào những ngày này, du khách có dịp ghé qua “vương quốc” trái cây Chợ Lách, tỉnh Bến Tre hoặc Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; Phong Điền, TP Cần Thơ; Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long… sẽ không khỏi choáng ngộp trước những vườn cây trái sum suê, ngọt lành.