Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Cá Truyền Thống

Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Cá Truyền Thống
Ngày đăng: 01/07/2014

Những năm qua, cùng với nhiều địa phương khác trong tỉnh Thái Bình, hơn 30 hộ nông dân xã Độc Lập (Hưng Hà) đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất chua trũng, hoang hóa, cấy lúa kém hiệu quả sang xây dựng mô hình chăn nuôi cá truyền thống kết hợp với nuôi gia súc, gia cầm cho hiệu quả kinh tế cao. Phát huy những lợi thế đó, nhiều hộ nông dân trong xã đã từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Nhờ dám nghĩ, dám làm mà đến nay gia đình anh Trần Văn Mạnh (thôn Đồng Phú, xã Độc Lập) đã thoát nghèo và trở thành gia đình có điều kiện kinh tế khá giả trong xã. Hiện nay, mô hình nuôi cá truyền thống kết hợp với nuôi vịt đẻ của gia đình anh cho thu lãi bình quân mỗi năm khoảng 100 triệu đồng.

Những ngày cuối tháng 6, trong một dịp trở lại xã Độc Lập, chúng tôi được ông Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã giới thiệu về thăm gia đình anh Trần Văn Mạnh. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà khang trang vừa mới được vợ chồng anh chị xây dựng, anh Mạnh phấn khởi cho biết: Trước kia, cả khu vực này vốn là diện tích đất chua trũng bị bỏ hoang hóa lâu năm, một phần khác là diện tích cấy lúa một vụ, cho năng suất không cao. Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình anh đã mạnh dạn đăng ký với UBND xã Độc Lập đấu thầu gần 3 mẫu đất chua trũng đào ao thả cá, kết hợp với chăn nuôi gia cầm.

Thời gian đầu khi mới bắt tay vào chăn nuôi, gia đình anh chị đã gặp phải không ít khó khăn, vất vả. Nhìn cả một vùng đất rộng lớn chỉ toàn cỏ dại nhiều người dân trong xã đã lắc đầu ngao ngán. Nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, anh chị đã chung lưng đấu cật, không quản ngại đêm ngày dành gần 1 năm để nạo vét đáy ao, đắp bờ, khử chua.... và thả những lứa cá đầu tiên.

Những năm đầu bắt tay vào làm kinh tế do chưa có kinh nghiệm chăn nuôi nên anh chị gặp không ít khó khăn. Những thất bại đã thôi thúc anh càng phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi cá truyền thống và nuôi gia cầm. Để nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, bên cạnh việc tìm tòi qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, anh đã tham gia nhiều lớp đào tạo nghề do địa phương tổ chức, tham quan, học tập nhiều mô hình chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Trong quá trình chăn nuôi, anh Mạnh thường xuyên kiểm tra nguồn nước trong ao và xử lý chua bằng cách đổ rơm rạ lót dưới đáy ao nhằm giảm độ chua.

Hàng năm sau khi thu hoạch cá gia đình anh thường dành cả tháng trời để phơi ao, rắc vôi khử trùng, khử chua nhằm bảo đảm môi trường nước luôn sạch sẽ cho các loại cá sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ sự cần cù, chịu khó và ham học hỏi mà những năm sau ao cá của gia đình anh luôn cho thu hoạch ổn định gần chục tấn cá mỗi năm.

Ngoài việc đầu tư chính nuôi các loại cá thương phẩm, gia đình anh Mạnh còn thường xuyên duy trì nuôi khoảng 1.000 con vịt đẻ. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của gia đình anh Mạnh luôn cho thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng/năm. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế cho gia đình, anh Mạnh còn thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, giao lưu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các chủ trang trại, gia trại, người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Biên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Độc Lập cho biết, do đây là vùng đất trũng nên đất ở đây rất chua, không thích hợp cho cây lúa, vì vậy mà đa số nông dân đều bỏ ruộng hoang.

Sau nhiều lần thử nghiệm, tìm hướng đi mới, UBND xã đã quyết định tạo điều kiện cho bà con nông dân đấu thầu nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Khi mới thực hiện chỉ có một số gia đình mạnh dạn đăng ký xin đấu thầu đất để xây dựng mô hình kết hợp thả cá với chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Đến nay, qua 10 năm triển khai thực hiện phong trào, toàn xã đã chuyển đổi được hơn 50 ha đất chua trũng cấy lúa kém hiệu quả và hoang hóa sang xây dựng các mô hình chăn nuôi mới, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Hiện nay, vùng chăn nuôi thủy sản của xã đã và đang cho thu nhập rất ổn định, giúp nhiều người nông dân thoát nghèo và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Là người đã gặp không ít khó khăn trong cuộc sống nên anh Mạnh rất trân trọng những kinh nghiệm đã có và tích cực mang những kinh nghiệm của mình chia sẻ cho anh em bạn bè, những người đang bước vào con đường lập thân, lập nghiệp.

Không chỉ riêng gia đình anh Mạnh, hiện nay trên địa bàn xã Độc Lập (Hưng Hà) còn có hàng chục gia đình khác đã thoát nghèo nhờ vào việc tham gia xây dựng vùng chăn nuôi thủy sản kết hợp với nuôi gia súc, gia cầm.

Không dừng lại ở đó, hiện nay, anh Mạnh còn cùng với gia đình tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng gia cầm để có thể chủ động về nguồn giống cũng như chất lượng con giống cho gia đình mình và những hộ chăn nuôi xung quanh nhằm tăng thêm thu nhập cho bản thân, góp phần làm giàu cho mảnh đất quê hương.


Có thể bạn quan tâm

Diện Tích Đất Trồng Lúa Giảm Diện Tích Đất Trồng Lúa Giảm

Diện tích đất trồng lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần, do nông dân chuyển sang trồng các loại cây trồng khác thu được lợi nhuận cao hơn.

29/08/2013
Ương Dưỡng Tôm Giống Nâng Cao Tỷ Lệ Sống, Giảm Chi Phí Nuôi Ương Dưỡng Tôm Giống Nâng Cao Tỷ Lệ Sống, Giảm Chi Phí Nuôi

Để chuẩn bị con giống thả nuôi trên diện tích 1ha, ông Long sử dụng bể xi măng có diện tích khoảng 700m2 để ương dưỡng 900.000 con giống tôm thẻ chân trắng 10 ngày tuổi. Hiện nay mới vào giai đoạn giữa kỳ ương dưỡng nhưng tôm ăn mạnh, lớn nhanh.

31/08/2013
Phát Triển Kinh Tế Biển Phát Triển Kinh Tế Biển

Với 32km bờ biển, 81 nghìn ha bãi bồi ven biển và gần 4.000ha đất ngập triều, những năm qua, huyện Giao Thủy (Nam Định) đã tập trung phát triển kinh tế biển trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn” của huyện, trọng tâm là phát triển lực lượng khai thác xa bờ, xây dựng hạ tầng dịch vụ nghề cá và phát triển nuôi trồng thủy sản, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của huyện.

31/08/2013
Khai Mạc Hội Thi “Người Chăn Nuôi Heo Giỏi Miền Đông Nam Bộ Năm 2013” Khai Mạc Hội Thi “Người Chăn Nuôi Heo Giỏi Miền Đông Nam Bộ Năm 2013”

Sáng ngày 29-8, tại TP. Vũng Tàu, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia khai mạc hội thi “Người chăn nuôi heo giỏi vùng Đông Nam bộ năm 2013”. Tham dự hội thi có gần 300 người chăn nuôi heo tiêu biểu thuộc các tỉnh miền Đông Nam bộ.

31/08/2013
Hiệu Quả Bón Phân Silic Trên Đậu Phộng Hiệu Quả Bón Phân Silic Trên Đậu Phộng

UBND huyện Thoại Sơn (An Giang) vừa họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu ảnh hưởng của silic đến sinh trưởng năng suất và chất lượng giống đậu phộng L14 tại Thoại Sơn, An Giang”, do Thạc sĩ Phạm Thị Kiều Oanh-Trạm Khuyến nông Thoại Sơn làm chủ nhiệm.

31/08/2013