Mua Bán Thanh Long Ở Cửa Khẩu Vẫn Diễn Ra Bình Thường
Đó là khẳng định của ông Ngô Minh Hùng - Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận khi trao đổi với phóng viên về việc có hay không tình trạng ùn tắc giao dịch thanh long tại cửa khẩu trong những ngày qua…
Cách đây vài ngày, bản tin thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam cho biết tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) xảy ra tình trạng ùn tắc giao dịch thanh long Bình Thuận qua Trung Quốc. Thông tin này dấy lên quan ngại cho địa phương, đặc biệt là với các doanh nghiệp và hộ sản xuất thanh long ở vùng chuyên canh thanh long lớn nhất Việt Nam.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, cách đây hơn chục ngày giá bán thanh long (chủ yếu của Bình Thuận) tại Lạng Sơn qua cửa khẩu Pò Chài- Trung Quốc dao động ở mức 17.000 - 18.000 đồng/kg tùy loại. Thời điểm đó, tại đây có từ 70 - 100 xe vận chuyển thanh long chờ giao dịch với bình quân khoảng 20 tấn hàng/xe. Tuy nhiên vài ba ngày trở lại đây, giá thanh long mua bán tại cửa khẩu đã giảm xuống còn 12.000 - 13.000 đồng/kg tùy loại, nhưng lượng hàng không nhiều do nguồn cung bị “đứt lứa”.
Thông tin mới nhất vào ngày 15/10 từ Sở Công Thương Lạng Sơn báo về: Hiện bên phía Trung Quốc tại cửa khẩu Pò Chài đã hết hàng thanh long, còn bên phía cửa khẩu Tân Thanh của Việt Nam thì lượng hàng rất ít. Riêng giá giao dịch thanh long tại hai cửa khẩu này vẫn duy trì ở mức khoảng 14.000 đồng/kg, điều này cũng không có gì bất thường vì giá cả là do quan hệ cung cầu quyết định…
Như vậy, thực tế cho thấy việc mua bán thanh long Bình Thuận ở cửa khẩu phía Bắc nước ta vẫn đang diễn ra bình thường. Đồng thời vấn đề thông quan, làm thủ tục, bến bãi ở cửa khẩu Tân Thanh cũng như thường ngày, còn phía cửa khẩu Pò Chài việc nhận hàng vẫn tiếp diễn và không có gì cản trở.
Ngay thời điểm này, thanh long Bình Thuận bắt đầu vào lứa hàng mới và các doanh nghiệp tiến hành thu mua bình thường, chỉ có điều giá cả giảm hơn so với trước do tình hình chung. Hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh sản phẩm lợi thế của địa phương vẫn chưa phát hiện vấn đề gì khác thường, hoặc khó khăn trong tiêu thụ thanh long.
Hơn nữa trước thông tin ùn tắc mua bán thanh long qua cửa khẩu, Sở Công Thương Bình Thuận cũng chưa ghi nhận bức xúc bi quan nào từ các doanh nghiệp. Song với mức giá thu mua cách đây hơn chục ngày so giá giao dịch tại cặp cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài vài ngày qua, một số doanh nghiệp đã phải chịu lỗ…
Với thực trạng hiện nay, đại diện lãnh đạo Sở Công Thương Bình Thuận cho rằng các doanh nghiệp địa phương cần hết sức chú ý trong việc mua bán thanh long. Ngoài tìm kiếm khách hàng tin cậy, doanh nghiệp cũng phải thường xuyên theo dõi dự báo tình hình cung - cầu tại các cửa khẩu để có kế hoạch xuất hàng phù hợp.
Thêm nữa khi mua bán qua biên giới, doanh nghiệp địa phương nên chú ý đến tình hình thời tiết, sự kiện sắp diễn ra bên Trung Quốc (lễ tết, quốc khánh…) vì qua đó có thể làm tăng cầu hay giảm cầu. Dù vậy các doanh nghiệp trên địa bàn Bình Thuận cũng phải liên kết và hỗ trợ nhau, tránh trường hợp tranh mua - tranh bán dễ dẫn đến rủi ro, thua lỗ về phần mình.
Được biết trong 9 tháng năm 2013, lượng thanh long xuất khẩu của Bình Thuận đạt khoảng 23.000 tấn và đem lại kim ngạch ước 18,5 triệu USD, tăng 6,5% so cùng kỳ năm ngoái. Dự báo với tình hình hiện nay, trong 3 tháng cuối năm 2013 địa phương có thể xuất khẩu thêm được 12.000 tấn thanh long và thu về kim ngạch khoảng 10 triệu USD…
VOV đưa tin: “Không có ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu Tân Thanh”
Ngày 14/10/2013, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã đưa tin “Không có ách tắc hàng hóa ở cửa khẩu Tân Thanh” và cho biết hoạt động xuất nhập khẩu ở đây vẫn diễn ra bình thường… Về tình trạng một số xe tải chở thanh long xuất khẩu ở miền Nam ra nằm lại khu vực cửa khẩu mà không xuất sang Trung Quốc, lãnh đạo Chi cục Hải quan Tân Thanh lý giải, ngoài nguyên nhân nghỉ lễ Quốc khánh phía Trung Quốc còn lý do khác là thương nhân trong nước chờ được giá mới làm thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng. Vì vậy, khi đưa hàng lên Tân Thanh họ không làm thủ tục ngay mà nằm chờ ở cửa khẩu. Điều này là do sự chủ động của doanh nghiệp để hàng ở cửa khẩu, chứ không phải hàng hóa muốn xuất khẩu mà không xuất được do ách tắc ở cửa khẩu…
Có thể bạn quan tâm
Có những thời điểm, ông Hoàng Văn Thân ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La (Pác Nặm - Bắc Kạn) nuôi tới gần 100 con bò sinh sản. Bà con trong vùng khâm phục tài nuôi bò, phát triển kinh tế gia đình nên đã trìu mến đặt cho ông Thân biệt danh là “vua bò”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Kiên Giang, năm 2013, tỉnh phấn đấu đưa tổng diện tích sản xuất vụ lúa mùa, hè thu, đông xuân và thu đông lên hơn 733.850 ha; dự kiến năng suất bình quân 6 tấn/ha và phấn đấu đưa sản lượng lên 4,4 triệu tấn.
Hiện nông dân ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu thu hoạch rộ dưa hấu. Theo nhiều người trồng dưa, chưa có năm nào dưa hấu giữ giá ổn định lâu như năm nay. Được mùa, được giá người trồng dưa ai nấy đều có chung tâm trạng phấn khởi.
Người trồng rau sử dụng thuốc kích thích quá độc, liều lượng cao, gần ngày thu hoạch thì dư lượng thuốc còn lại trong rau sẽ vượt mức cho phép, gây ngộ độc...
Ngày 29-3, tại khu vực biển Ninh Chử - Bình Sơn, Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức thả tôm sú giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, với số lượng 76 vạn con (post 25). Ngoài ra, Trung tâm giống hải sản cấp 1 cũng hỗ trợ thêm 8 vạn con giống tham gia chương trình.