Một ND 7 năm liền đạt danh hiệu ND SXKDG
Từ việc phát triển trại nuôi cút, nuôi nhông, nuôi heo, bò, bình quân hàng năm ông thu về gần 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo khó, ông Lê Văn Nhang, thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà đã thấm nhuần nỗi vất vả nhọc nhằn của cha mẹ một nắng hai sương, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để nuôi các con trưởng thành.
Từ lâu, ông Nhang luôn khao khát ước mơ làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương mình.
Bản thân ông đã tự tìm tòi, học hỏi các kinh nghiệm hay, những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào mảnh đất của chính gia đình mình.
Năm 2002, ông Nhang đã mạnh dạn đầu tư 90 triệu đồng để xây dựng trại nuôi chim cút khoảng 100 mét vuông, thả nuôi 1.500 con giống và đến nay số lượng cút đã tăng lên 4.000 con.
Theo ông Nhang, việc nuôi chim cút lấy trứng khá đơn giản, ít tốn công.
Chim cút thường thích sống nơi cao ráo và thoáng mát, do đó chuồng nuôi chim cút được ông làm bằng lưới để tạo độ thông thoáng, lồng nuôi được chia làm nhiều tầng và ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ để tránh xảy ra dịch bệnh.
Để cút phát triển tốt, ông Nhang luôn nghiên cứu tài liệu về kỹ thuật chăn nuôi cút đẻ, từ đó áp dụng làm theo.
Với kỹ thuật chăm sóc cút khá khoa học và bài bản, nên hàng ngày có đến 90% cút đẻ trứng, thu được 7 thùng trứng cút, mỗi thùng 500 trứng, với giá bán 3.500 đồng/1 chục trứng sau khi trừ chi phí mỗi ngày ông thu về 200 ngàn đồng.
Ngoài việc bán trứng cút, bình quân mỗi tháng ông còn bán được 30 bao phân cút, mỗi bao có giá 50.000 đồng.
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng ông Nhang vẫn còn ham công tiếc việc, sau khi tham quan mô hình nuôi nhông ở Phú Yên, ông bắt tay ngay vào việc xây hồ đầu tư nuôi 100 con nhông trên diện tích 10 mét vuông.
Cứ 6 tháng, ông suất bán 1 lứa nhông, số lượng 10 con, tổng trọng lượng 6 kg.
Với giá thị trường hiện nay là 320.000 đồng/kg nhông.
Sau khi trừ chi phí ông thu về 2 triệu đồng.
Ngoài ra, trên diện tích đất của gia đình ông Nhang còn mở rộng nuôi được 2 con bò cái sinh sản, 2 con bò đực, 2 con heo nái ngoại.
Để việc chăn nuôi bò, heo đạt hiệu quả cao, ông luôn chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại thoáng mát, thực hiện đúng qui trình kỹ thuật, tiêm phòng vắc xin đầy đủ và cho ăn đúng cách.
Nhờ đó, đến nay, đàn bò, heo của gia đình ông phát triển tốt.
Bình quân một năm sau khi trừ chi phí từ chăn nuôi bò, heo, gia đình ông còn lãi 40 triệu đồng.
Với phương thức “lấy ngắn nuôi dài” , ông Nhang còn đầu tư trồng 2 sào cỏ voi, 2 sào bắp, trồng 1,5 sào chuối lùn.
Riêng cây chuối lùn trồng 9 tháng cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí lãi còn 8 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Chánh – Chủ tịch Hội ND xã Tịnh Hà cho biết: “Từ khi thấy được hiệu quả kinh tế từ mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt của ông Nhang, nhiều hội viên nông dân xã Tịnh Hà đã đến tham quan, học hỏi và có một số hội viên đã áp dụng làm theo.
Ông Nhang rất nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm về mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt của gia đình mình cho nông dân học tập, nhất là mô hình nuôi cút”.
Dù làm kinh tế giỏi, am hiểu về khoa học kỹ thuật nhưng ông Lê Văn Nhang, thôn Hà Trung, xã Tịnh Hà không bao giờ tự mãn với những kết quả đã đạt được, mà ông luôn phấn đấu tự học hỏi, tìm tòi, tham quan những mô hình hay, đem lại hiệu quả kinh tế cao để ứng dụng vào việc sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, đồng thời giúp đỡ những hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện áp dụng làm theo phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Thông qua hiệu quả mô hình phát triển kinh tế chăn nuôi, trồng trọt của gia đình, từ năm 2006 đến năm 2012 ông Lê Văn Nhang đều đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.
Có thể bạn quan tâm
Sau khi thí điểm sử dụng 2 máy nâng xếp mía, năm 2013, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã đưa vào vận hành máy làm đất mía. Cùng với vụ thu hoạch mía 2013 - 2014, Dự án Cơ giới hóa trong sản xuất mía ở huyện đã cho thấy hiệu quả bước đầu.
Theo một thống kê của JICA, có tới 90% nông dân Việt Nam đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và có thu nhập thấp. Hầu hết những sản phẩm nông sản của họ được tiêu thụ bởi thị trường nội địa. Và trên thực tế, những nông dân này rất khó có thể áp dụng VietGAP hoặc những tiêu chuẩn GAP khác có yêu cầu cao hơn.
Trong điều kiện quỹ đất cho SX mía không mở rộng, NM Đường An Khê xác định đầu tư chiều sâu để nâng cao năng suất, sản lượng đường...