Mong Chính Sách Sống Cùng Ngư Dân
Chính sách phát triển thủy sản không chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền của ngư dân, mà còn tiếp sức cho họ vững tin khi là những cột mốc chủ quyền trên các vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng để những chính sách ấy có sức sống và là “bà đỡ” của ngư dân thì tiền thôi, chưa đủ.
17 năm trước – tức năm 1997, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 393/QĐ-TTg về cho vay hỗ trợ đánh bắt xa bờ (Chương trình 393) nhưng kết quả thu được không như mong muốn.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản KT&BVNLTS) tỉnh Phùng Đình Toàn, với Chương trình 393 ngư dân được vay cả tỷ đồng để đóng tàu, mua ngư lưới cụ bằng tài sản đảm bảo là ghe, tàu hình thành từ vốn vay. Kết quả, tỷ lệ thu hồi vốn chỉ đạt khoảng 30%. Toàn tỉnh có duy nhất một ngư dân là ông Phạm Trí Thức, ngụ thôn Ân Kỳ, xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) trả nợ đúng hạn, số còn lại bị ngân hàng thu hồi và thanh lý tàu.
Ngoài Chương trình 393, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ cũng ký ban hành Quyết định 1787/QĐ-TTg về triển khai thí điểm chính sách hỗ trợ ngư dân đóng tàu vỏ thép, có công suất lớn để đánh bắt xa bờ tại Quảng Ngãi. Theo đó, Nhà nước cho vay 80% kinh phí đóng tàu với lãi suất cố định 3%/năm, thời hạn tối đa 10 năm. Nhưng vì vướng cơ chế tín dụng nên chương trình này cũng bị bế tắc.
Dùng tàu... trừ nợ!
Lão ngư Phan Hiển ở Sa Huỳnh, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) vẫn nhớ như in chuyện vay vốn đóng tàu lớn 14 năm trước. Đó là năm 2000 – tức 3 năm sau khi Chương trình 393 ra đời, ông được các cấp xét duyệt cho vay 1 tỷ đồng để đóng và trang bị máy mới cho con tàu có công suất trên 100CV.
Sau khi hạ thủy, con tàu mới này cùng với chiếc cũ của gia đình đã tung hoành trên các vùng biển xa, liên tiếp mang về những khoang đầy cá, mực để giúp ông trả được 800 triệu đồng vốn vay. Ngỡ sẽ thoát nợ, nhưng năm 2008, một chiếc tàu bị áp thấp nhiệt đới đánh chìm, kéo theo việc làm ăn thua lỗ. Và để trả nốt số tiền vay, ông Hiển đành giao con tàu còn lại cho ngân hàng…
Còn ông Nguyễn Tấn Phước – một trong hai ngư dân ở xã Bình Châu (Bình Sơn) tham gia Chương trình 393 cũng không khỏi bồi hồi mỗi khi nhớ lại chuyện cũ. Số là lúc ấy vì muốn ra biển lớn, cộng với Chương trình 393 quá hấp dẫn nên ông Phước đăng ký vay vốn để nâng con tàu có công suất từ hàng chục lên hàng trăm CV.
Tuy nhiên, “tàu to nhưng chúng tôi không biết ngư trường nào nhiều cá; rồi những khi trúng mẻ cá lớn cũng chẳng biết bán ở đâu”, ông Phước nhớ lại. Thế nên sau một thời gian vươn khơi, con tàu công suất lớn ấy lại... nằm bờ, còn ông Phước thì ôm nợ!
Không riêng gì ông Hiển, ông Phước mà theo Phó Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS Phùng Đình Toàn, hầu hết ngư dân trong tỉnh vay vốn theo Chương trình 393 đều làm ăn thất bại, không trả được nợ. Nguyên nhân: Vốn vay được bảo đảm bằng tàu, ghe – loại tài sản di động, lại dễ hư hỏng xuống cấp mà không có gì ràng buộc trách nhiệm khách hàng trả nợ; các ngành chức năng không quản lý được việc sản xuất, mua bán của ngư dân; một số ngư dân thiếu trách nhiệm, chầy ì trả nợ…
Đặc biệt là việc xét chọn đối tượng thiếu chặt chẽ, cộng với áp lực chỉ tiêu được phân bổ nên chính quyền cơ sở cứ thấy ai có tàu đánh bắt xa bờ hoặc nộp hồ sơ đăng ký là chốt danh sách mà “quên” tiến hành xét duyệt, kiểm tra.
Đi lên từ thất bại
Dù không hiệu quả, nhưng Chương trình 393 cũng có công tác động tích cực đến thói quen và phương thức đánh bắt xa bờ của ngư dân sau này. Đơn cử như ngư dân Phan Văn Thái – con trai lão ngư Phan Hiển. Sau khi cha trắng tay, phải bỏ biển, anh Thái đi bạn cho khắp các chủ tàu để “kiếm tiền đong gạo cho cả nhà”.
Một năm sau – tức năm 2009, anh Thái gom góp, vay mượn để đóng mới một, rồi hai chiếc tàu có công suất 150 CV/chiếc, nối gót cha ra Hoàng Sa. Và mới đây, khi tỉnh triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, anh Thái mạnh dạn đăng ký vay vốn để “nâng cấp tàu cũ, đóng thêm tàu mới”. Rút kinh nghiệm từ thất bại của cha, anh Thái tiết lộ việc ra khơi sẽ không “mạnh ai nấy đi, đụng đâu đánh đó” mà phải “chọn ngư trường, đi theo nhóm kèm tàu hậu cần hỗ trợ”.
Còn ngư dân Phạm Trí Thức, ngụ thôn Ân Kỳ, xã Tịnh Kỳ – người duy nhất trong tỉnh hoàn tất nợ vay Chương trình 393 cũng đang sở hữu 3 chiếc tàu có công suất 60, 275 và 420 CV. Trong “bộ ba tác chiến” ấy thì, con tàu 420 CV đảm nhận việc đánh bắt, hai chiếc còn lại làm nhiệm vụ hậu cần, chuyên chở nhiên liệu và sản phẩm ra vào biển. Lý giải cách làm ăn trên, ông Thức bộc bạch: “Đi biển mà cứ phải lái tàu ra vào để tiếp thực phẩm, dầu hay bán cá sẽ rất tốn phí, lại nguy hiểm”.
Cùng với anh Thái, ông Thức thì hiện giờ, ngư dân Quảng Ngãi đã và đang nỗ lực, vượt khó vươn lên khẳng định mình với 2.745/5.400 chiếc tàu công suất trên 90 CV để vững vàng vươn khơi.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, ND các địa phương trong tỉnh đã được T.Ư Hội NDVN mở nhiều khóa huấn luyện cải thiện điều kiện làm việc trên đồng ruộng, trong xưởng sản xuất ngành nghề (Chương trình WIND).
Từ hai bàn tay trắng, giờ đây gia đình anh Nguyễn Vũ Ba, xóm 7, xã Hải Tây, huyện Hải Hậu, Nam Định đã có của ăn, của để từ nuôi thỏ.
Hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ vụ quế của nông dân các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi). Người dân nơi đây đang rất phấn khởi do giá quế đầu vụ bất ngờ tăng mạnh. Mỗi ngày nhiều hộ khai thác từ 200-300kg vỏ quế, thu về tiền triệu, đời sống kinh tế cải thiện đáng kể.
Công ty Sino Agro Food của Trung Quốc đã ký hợp đồng xây dựng trại nuôi tôm mà theo họ sẽ là trại nuôi tôm lớn nhất thế giới, dự kiến sản xuất 300.000 tấn tôm/năm sau khi hoàn thành trong thời gian 20 năm.
Trong vài năm qua, các quy trình thực hành quản lý tốt BMP (viết tắt Better Management Practices) đã và đang được đồng nhất hóa và phát triển trên cơ sở khoa học để bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế đối với ngành nuôi tôm.