Mở Rộng Đối Tượng Xét Nghiệm Tôm Giống Miễn Phí
Nhằm nâng cao ý thức cho người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống qua xét nghiệm, góp phần hạn chế dịch bệnh, đề án xét nghiệm bệnh tôm miễn phí cho hộ nghèo và cận nghèo được triển khai hơn 1 năm qua.
Tuy nhiên, qua thời gian thực hiện (từ đầu năm 2012 đến nay) chỉ có 3 hộ mang tôm đến xét nghiệm. Bên cạnh việc người dân chưa ý thức cao đối với việc xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi còn có những nguyên nhân khác. Do ít phòng xét nghiệm, lại nằm tập trung ở TP Cà Mau, người dân các huyện khó khăn trong việc mang con giống đi xét nghiệm. Đề án chỉ hỗ trợ đối tượng hộ nghèo và cận nghèo, các đối tượng này không nhiều diện tích đất để nuôi tôm, nhu cầu con giống thả nuôi phải xét nghiệm không cao. Mặc dù đã được hỗ trợ tiền xét nghiệm nhưng chi phí đi lại gửi, lấy mẫu là một khoảng không nhỏ, điều kiện kinh tế hộ nghèo và cận nghèo khó thực hiện, nhất là những hộ ở vùng nông thôn.
Mặt khác, hiện nay nghề nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến chưa phát triển mạnh, chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống thả con giống xen vụ, thu hoạch liên tục, nếu đợt này xét nghiệm, đợt sau không xét nghiệm thì sẽ có sự lây truyền mầm bệnh từ đợt trước tới đợt sau.
Trong khi đó, đề án quy định mỗi hộ dân được hỗ trợ xét nghiệm miễn phí 1 mẫu/năm, nhưng trong thực tế, người dân thả rất nhiều đợt trong năm. Đây cũng chính là nguyên nhân người dân chưa thật sự quan tâm đến đề án.
Theo ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, để đề án có tính khả thi cao, Sở NN&PTNT vừa trình UBND tỉnh cho điều chỉnh mở rộng đối tượng hỗ trợ cho tất cả các đối tượng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, cho tất cả các loại hình như quảng canh, quảng canh cải tiến, bán thâm canh và thâm canh được hỗ trợ 100% phí xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với bệnh còi, đốm trắng và đầu vàng. Mỗi hộ được hỗ trợ xét nghiệm 1 mẫu/năm, thời gian điều chỉnh đề án kéo dài đến tháng 6/2014.
Theo ngành chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến tôm nuôi ở Cà Mau liên tục bị dịch bệnh chết thời gian qua là chất lượng con giống kém. Phần lớn người dân không xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi. Chính vì vậy, đề án xét nghiệm tôm giống miễn phí góp phần cùng bà con kiểm soát đầu vào, hạn chế dịch bệnh trên tôm.
Anh Dương Minh Chương, ấp Công Nghiệp, xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời, bày tỏ, hiện nay dịch bệnh trên tôm nuôi xảy ra thường xuyên, do nguồn con giống kém chất lượng bày bán tràn lan trên thị trường.
Trước đây, chọn mua tôm giống thả nuôi theo cảm quan, mang tính hên xui, nay đề án xét nghiệm tôm giống miễn phí được mở rộng cho tất cả các hộ nuôi tôm, thật là điều đáng mừng. Đề án làm giảm đáng kể chi phí xét nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng con giống khi người dân thả nuôi.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, người nuôi tôm công nghiệp ở ấp Lung Lá, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, chi phí đi lại, xét nghiệm cho mẫu tôm nuôi là 500.000 đồng. Nay được Nhà nước hỗ trợ xét nghiệm tôm giống miễn phí thật đỡ cho người dân. Để thuận tiện việc đi lại cho bà con, ngành chức năng nên đặt các trạm xét nghiệm gần với khu dân cư, vùng nuôi tôm.
Anh Trần Hoàng Vũ, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, bộc bạch, từ trước tới giờ anh mua tôm giống theo kiểu “chà mù” nên thả nuôi thường gặp rủi ro. Nếu được xét nghiệm miễn phí, nhất định anh sẽ mang con giống đi xét nghiệm.
Mục tiêu của đề án là từng bước nâng cao ý thức của người nuôi tôm trong việc sử dụng tôm giống sạch bệnh, góp phần hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm, nâng cao chất lượng tôm giống và tăng cường công tác quản lý chất lượng con giống.
Đây là đòn bẩy nhằm giúp cho người nuôi tôm Cà Mau xây dựng mô hình nuôi bền vững. Theo đó, khoảng 200.000 hộ nuôi tôm trên địa bàn sẽ được hỗ trợ phí xét nghiệm con giống trước khi thả nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Quốc gia Nam Mỹ này có thể chứng kiến sản lượng cà phê giảm xuống dưới 40 triệu bao trong năm 2015, ông Silas Brasileiro, Chủ tịch Hội đồng Cà phê Quốc gia Brazil (CNC), cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ Brasilia hôm thứ Năm 24/7. Hạn hán đã thúc đẩy giá cà phê kỳ hạn tăng tới 61% trong năm nay ở thị trường New York.
Trong những năm gần đây, việc đưa các tiêu chí sản xuất nông nghiệp an toàn như VietGAP; HACCP... đã được ngành nông nghiệp tuyên truyền, khuyến khích nông dân ứng dụng rộng rãi nhưng trên thực tế kết quả đạt được còn rất khiêm tốn...
Hiện nay, diện tích cà phê già cỗi hơn 20 năm tuổi khoảng 86 nghìn héc-ta, chiến 17,3% tổng diện tích. Ngoài ra còn có khoảng 40 nghìn héc-ta dưới 20 năm, nhưng đã có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất thấp. Tổng diện tích cà phê cần thay thế trong 5 đến 10 năm tới khoảng 140 đến 160 nghìn héc-ta.
Như vậy, chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột là trường hợp duy nhất trên thế giới được bảo hộ trong nước cho sản phẩm nhân cà phê vối (Robusta) và đang tiến hành các thủ tục đăng ký bảo hộ quốc tế tại 15 quốc gia, vùng lãnh thổ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý hoặc tên gọi xuất xứ, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận.
Vụ tiêu năm nay bị ảnh hưởng nắng hạn kéo dài, khiến cây tiêu dễ bị bệnh. Thế nhưng, nhờ áp dụng bón phân qua hệ thống tưới nước nhỏ giọt và phòng chống bệnh kịp thời nên cây tiêu phát triển tốt, sản lượng đạt cao, một số người trồng tiêu ở huyện Tây Hòa thu về tiền tỉ.