Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Thay Đổi Tư Duy Về Cây Lúa

Thay Đổi Tư Duy Về Cây Lúa
Ngày đăng: 24/03/2014

Thay đổi tư duy về cây lúa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng chính là một cách nhìn, hành động có trách nhiệm với cây lúa.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn cho vựa lúa quan trọng bậc nhất cả nước.

Điều này cho thấy cần thiết phải có một sự thay đổi căn bản trong điều hành sản xuất, tiêu thụ lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác. Đây được cho là lúc để ngành nông nghiệp nhìn lại mình, quy hoạch lại cơ cấu vật nuôi, cây trồng một cách hợp lý, nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định cuộc sống cho hàng chục triệu nông dân.

Hơn 20 năm trước, từ một nước thiếu lương thực, nhờ vào sự thay đổi cơ chế mà Đồng bằng sông Cửu Long đã trở thành vựa lúa chính, đảm bảo lương thực cho cả nước. Rồi từ chỗ đủ ăn, chúng ta đã dần vươn lên thành cường quốc xuất khẩu gạo với sản lượng hơn 7 triệu tấn trong năm ngoái. Đó là một thành tích thật đáng tự hào.

Nhưng, ngay khi việc xuất khẩu gạo thuận lợi, nhiều chuyên gia đã có ý kiến lo ngại vì khối lượng xuất khẩu lớn nhưng giá trị kinh tế mang lại không cao. Đó là sự cảnh tỉnh cần thiết. Nay, khi xuất khẩu gạo khó khăn, nông dân không có lãi như kỳ vọng thì điều đó lại càng hiện hữu.

Một lần nữa, Chính phủ quyết định mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo nhằm chặn giá lúa xuống quá thấp. Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng tạm trữ gạo chỉ là giải pháp tình thế, chỉ nên dùng một lần, rồi sau đó phải có chiến lược dài hơi, căn cơ hơn cho việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu gạo.

Thực tế năm nào chúng ta cũng mua tạm trữ, nhưng việc này chỉ có thể ngăn giá lúa không giảm sâu, chứ không làm giá lúa tăng thêm, hạt gạo Việt Nam ngày càng bị cạnh tranh gay gắt bởi gạo các nước trong khu vực. Hay nói cách khác là chúng ta sản xuất mà không dựa vào nhu cầu của thị trường.

Lẽ ra phải tìm hiểu thị trường thế giới cần gì, từ đó giao chỉ tiêu sản xuất ở vùng nào mà hạt gạo đạt chất lượng cao nhất, giá thành sản xuất thấp nhất để tăng tính cạnh tranh cho hạt gạo, thì đằng này, nông dân vẫn cứ sản xuất một số giống lúa phẩm cấp thấp, giá trị xuất khẩu không cao. Chủ trương để người trồng lúa có lãi 30% trong giá thành sản phẩm xem ra còn rất xa vời.

Các chuyên gia nông nghiệp cho rằng cần thay đổi từ gốc vấn đề. Thay vì đưa tiền cho doanh nghiệp, hãy thông qua các hợp tác xã này “đưa tiền” trực tiếp cho nông dân để họ tạm trữ. Nông dân dùng tiền đó trả nợ ngân hàng và tái đầu tư sản xuất vụ mới, chờ giá lúa tăng; tổ chức lại sản xuất theo mô hình hợp tác xã, áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại để có lượng nông sản hàng hóa lớn, đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu. Mà cánh đồng lớn là mô hình cần phải nhân rộng.

Một nghịch lý khác là trong khi mỗi năm cả nước xuất khẩu trên 7 triệu tấn gạo, thu về khoảng 3 tỉ USD, chúng ta cũng phải bỏ ra chừng ấy ngoại tệ để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu.

Nếu tính cả lượng nhập khẩu ngô, đậu tương và lúa mì, con số ấy là trên 4 tỷ USD. Chi phí thức ăn chiếm tới 70% cơ cấu tạo giá thành sản phẩm chăn nuôi. Mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 12,5 triệu tấn thức ăn thì 72% trong số ấy phải nhập ngoại. Nghĩa là người chăn nuôi đang làm gia công cho các công ty nước ngoài là chủ yếu.

Thực tế này đòi hỏi phải thay đổi tư duy về cây lúa. Chúng ta có quyền tự hào về thành tích xuất khẩu gạo cũng hoàn toàn có lý khi quyết tâm giữ 3,8 triệu ha đất lúa để đảm bảo an ninh lương thực.

Nhưng giữ đất lúa không có nghĩa là tất cả đều phải trồng lúa, để rồi lãng phí cơ hội phát triển các loại cây trồng vật nuôi khác có giá trị hơn như ngô, đậu tương, thủy sản, gia súc. Nếu những vùng đất kém hiệu quả được chuyển sang trồng ngô và đậu tương, trồng cỏ thì chúng ta không phải tốn 3-4 tỉ USD mua thức ăn chăn nuôi mỗi năm, hơn 7 triệu con trâu, bò trong nước không phải thiếu thức ăn, thịt bò Việt Nam không bị thịt bò Australia, New Zealand ép giá.

Hãy để nông dân được quyền quyết định trên mảnh đất của mình. Không thể bắt nông dân cứ trồng lúa, nếu việc ấy không đem lại một cuộc sống tốt hơn cho họ. Thay đổi tư duy về cây lúa, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giảm hợp lý diện tích lúa để thay vào đó bằng những loại cây trồng khác chính là một cách nhìn, một lối suy nghĩ, một hành động có trách nhiệm với cây lúa, với hạt gạo Việt Nam.


Có thể bạn quan tâm

Theo Đuổi Giá Trị Của Con Cá Ngừ Theo Đuổi Giá Trị Của Con Cá Ngừ

Khối các quốc gia Bắc Thái Bình Dương có hoạt động khai thác được gọi là PNA, đã đưa ra các biện pháp để duy trì trữ lượng và chia sẻ hạn ngạch khai thác cá ngừ hiện có cho các quốc gia địa phương, chứ không phải là nguồn tài nguyên này được khai thác bởi các quốc gia xa xôi.

08/10/2014
Các Nước Đang Cố Gắng Cắt Giảm Sản Lượng Khai Thác Cá Ngừ Các Nước Đang Cố Gắng Cắt Giảm Sản Lượng Khai Thác Cá Ngừ

Trong việc đấu thầu để giảm sản lượng khai thác các loài cá ngừ quan trọng ở khu vực Trung Tây Thái Bình Dương (cá ngừ vằn, cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to), Tổ chức Diễn đàn Nghề cá Thái Bình Dương (FFA) đang thử nghiệm Đề án Ngày hoạt động của tàu (VDS).

08/10/2014
Bến Tre Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Mương Vườn Dừa Đạt Hiệu Quả Bến Tre Nuôi Tôm Càng Xanh Trong Mương Vườn Dừa Đạt Hiệu Quả

Dự án Phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh trong mương vườn dừa, do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bến Tre thực hiện từ tháng 10 - 2012 đến tháng 4 - 2014, với tổng kinh phí gần 1,8 tỷ đồng, trên diện tích 20 ha ở các xã: Định Thủy, Phước Hiệp (huyện Mỏ Cày Nam); Lương Phú, Thuận Điền (huyện Giồng Trôm).

08/10/2014
Thả Con Giống Tái Tạo Nguồn Lợi Thủy Sản Thả Con Giống Tái Tạo Nguồn Lợi Thủy Sản

Sáng 06/10/2014, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng tổ chức Lễ phát động thả giống thủy sản để tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Vùng đánh cá chung Vịnh Bắc Bộ (thuộc quần đảo Long Châu – Thị trấn Cát Bà).

08/10/2014
Huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) Cải Thiện Cuộc Sống Nhờ Nuôi Ếch Huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ) Cải Thiện Cuộc Sống Nhờ Nuôi Ếch

Trong những năm trở lại đây, những hộ nghèo, cận nghèo của huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ đã ngày càng được nâng cao về nhận thức trong việc làm kinh tế gia đình, chí thú làm ăn, để từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Trong đó nổi bật là thành công của mô hình tận dụng những diện tích đất hẹp xung quanh nhà để nuôi ếch của nhiều gia đình.

08/10/2014