Mở Hướng Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế Trên Đất Cảng
Là thành phố cảng biển, du lịch - một trong những vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thị trường tiêu thụ ở Hải Phòng rộng mở cho nhiều nông sản. Đây là hướng mở cho nhiều sản phẩm của các tỉnh, thành phố về đất Cảng, trong đó có gà đồi Yên Thế (Bắc Giang).
Tìm gà ngon không dễ
Cuối tuần, để chuẩn bị cho buổi họp mặt anh chị em trong gia đình, chị Đỗ Thị Thủy ở phố Hạ Lý, quận Hồng Bàng muốn tìm mấy con gà ngon để tiếp đãi người thân. Dạo qua các chợ, chị không tìm được con gà nào ưng ý. Được mấy người đồng nghiệp giới thiệu, chị Thủy đặt mua gà của một nông dân ở thị trấn An Lão, nuôi thả vườn. Vì vậy, giá gà đắt gấp 1,5 lần so với gà mua tại chợ. Chị Thủy cho biết: "Để tìm được gà ngon đành phải mất công bởi nếu đến các chợ, nhiều loại gà lẫn lộn, khó phân biệt, đánh giá chất lượng”.
Tại các chợ trên địa bàn TP Hải Phòng, nguồn cung gà thịt cho tiêu dùng khá phong phú. Không chỉ có sản phẩm của nông dân thành phố mà còn có gà ở các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, để tìm được gà ngon lại không dễ dàng. Gà tại các chợ có nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 90 - 150 nghìn đồng/kg, có loại lên đến 170 - 180 nghìn đồng/kg thường là gà lai chọi. Theo phản ánh của người tiêu dùng, loại gà phổ biến bán trên thị trường Hải Phòng với mức giá từ 90 - 100 nghìn đồng/kg, chất lượng không được như mong muốn.
Tại Hải Phòng, gần đây, nông dân mở rộng phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi gà. Theo ước tính, toàn thành phố có hơn 300 trang trại gà nuôi với quy mô từ 3000 - 6000 con/trang trại. Bên cạnh đó hàng nghìn hộ nông dân phát triển gia trại với quy mô đàn từ 500 - 1500 con/gia trại. Sản phẩm của nông dân Hải Phòng hầu hết được tiêu thụ nội vùng. Nhiều người tiêu dùng bày tỏ, họ không thích sử dụng gà nuôi nhốt theo trang trại chủ yếu là các giống gà công nghiệp, lai công nghiệp nên chất lượng thịt không ngon. Người dân thành phố Cảng thường chuộng mua gà có địa chỉ tin cậy và bảo đảm chất lượng.
Thị trường rộng mở
Không chỉ có nhu cầu của người tiêu dùng nhỏ, lẻ trên địa bàn thành phố, một vài năm gần đây, lượng tiêu thụ gà ở đất Cảng chiếm số lượng lớn do sức mua của các siêu thị, nhà hàng, trung tâm dịch vụ du lịch... Hiện trên địa bàn có các siêu thị Metro, Intimex, Corpmart, Big C… hàng ngày tiêu thụ lượng gà qua chế biến khá lớn để bán lẻ đến người tiêu dùng.
Dọc khu vực đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Linh... xuất hiện nhiều nhà hàng chuyên chế biến các món ăn từ gà. Anh Nguyễn Văn Đức, chủ nhà hàng trên đường Lê Hồng Phong, quận Ngô Quyền cho biết: "Với các món ăn chế biến từ hải sản vốn được nhiều người ưa thích nhưng giá thường cao nên hiện nay, lượng khách dùng các món gà chiếm số lượng đáng kể bởi chi phí hợp lý, dễ chế biến được nhiều món ngon”. Từ nguyên liệu gà, ngoài những món truyền thống như gà luộc, quay, nướng.... nhiều nhà hàng đã chế biến những món "độc” từ gà như gà nấu hành tăm, gà hầm tiêu gừng, gà hầm thuốc bắc… được khách hàng ưa chuộng vì có hương vị riêng.
Anh Phạm Văn Hiếu, Phó Chi hội đầu bếp thuộc Hiệp hội du lịch Hải Phòng, đồng thời là chủ một nhà hàng chuyên các sản phẩm về hải sản và gia cầm cho biết: Với món chế biến độc quyền của nhà hàng này là gà nấu hành tăm được khách hàng ưa chuộng nên lượng gà anh phải nhập cho nhà hàng mỗi ngày cũng chiếm số lượng đáng kể. Có giai đoạn, anh thường nhập gà đồi Yên Thế từ tư thương đem xuống thành phố, nhưng gần đây anh Hiếu cho rằng, chất lượng gà không bảo đảm do có sự trà trộn gà kém chất lượng, khách hàng không hài lòng nên tạm dừng. Tuy nhiên, anh Hiếu vẫn đánh giá cao gà đồi Yên Thế và khẳng định: "Nếu đúng là gà đồi Yên Thế thì chất lượng hơn hẳn các sản phẩm gà nuôi ở các địa phương khác nuôi nhốt trong trang trại...”
Liên kết phát triển thị trường
Thời gian qua, gà đồi Yên Thế đã phát triển thị trường ở một số tỉnh, thành phố. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Xuân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Thế, ngoài hai thị trường lớn là Hà Nội và Bắc Ninh, tư thương đã chuyển gà đồi Yên Thế buôn bán nhỏ lẻ ở một số tỉnh, thành phố lân cận trong đó có Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định...
Tuy nhiên, việc phát triển thị trường gà đồi Yên Thế thời gian qua chủ yếu tập trung tại Hà Nội, chiếm 56% so với số lượng gà tiêu thụ ở địa bàn các tỉnh, thành phố khác. Hiện tại, các doanh nghiệp kinh doanh gà đồi Yên Thế đã cung cấp thường xuyên cho 20 siêu thị và 50 cửa hàng kinh doanh thực phẩm tại các chợ ở Thu đô.
Ông Phạm Công Vân, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế cho biết, ngoài thị trường Hà Nội, mặc dù một số tỉnh, thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh… là những thị trường tiềm năng để có thể tiêu thụ gà đồi Yên Thế, nhưng địa phương chưa có động thái tích cực phát triển các thị trường này. Hầu hết các thị trường khác ngoài Hà Nội vẫn phát triển tự phát.
Phát triển và mở rộng thị trường gà đồi Yên Thế cũng là mong muốn của nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh sản phẩm này. Tuy nhiên, việc tiếp tục đẩy mạnh mở rộng thị trường về đất Cảng cũng như các tỉnh, thành phố lân cận cần có thời gian và những giải pháp thiết thực trong đó không thể thiếu việc khuyến khích, hỗ trợ nông dân ổn định sản xuất sản phẩm chất lượng; tăng cường thông tin quảng bá thương hiệu gà đồi Yên Thế đến thị trường các tỉnh, thành phố; đẩy mạnh mô hình liên chuỗi liên kết: "Chăn nuôi - tiêu thụ”...
“Bảo đảm địa chỉ nguồn cung gà đồi Yên Thế đạt chất lượng, không chỉ người tiêu dùng ưa chuộng mà các nhà hàng cũng yên tâm, tin cậy, mong muốn hợp tác cung ứng đến khách hàng” - Anh Phạm Văn Hiếu, Phó Chi hội đầu bếp Hải Phòng, chủ nhà hàng Hiếu Béo.
Có thể bạn quan tâm
Việc phát triển chăn nuôi bò sữa phải được các cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát trên cơ sở phát triển có quy hoạch, có kế hoạch gắn với nhu cầu chế biến của các công ty chế biến sữa. Người mới phát triển chăn nuôi bò sữa phải được đào tạo, huấn luyện nhằm sản xuất sản phẩm sữa đáp ứng yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, hiệu quả và bền vững.
Ở thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch - Quảng Bình) cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Bá (SN 1960) được mọi người nhắc đến như một tấm gương điển hình dám nghĩ, dám làm vươn lên làm giàu trên vùng đất khó. Với mô hình lò ấp trứng gà, mỗi năm ông Bá thu về lợi nhuận từ 400 - 500 triệu đồng...
Trước đây, những diện tích ruộng một vụ tại các bản của xã Tân Lập (Mộc Châu - Sơn La) chủ yếu bỏ không hoặc làm bãi chăn thả gia súc sau khi thu hoạch vụ lúa mùa. Hai năm gần đây, người dân đã tận dụng diện tích đất này để trồng ngô vụ đông xuân làm thức ăn ủ ướp cho bò sữa, tăng thu nhập cho gia đình.
Người dân ở tổ dân phố số 6, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng - Nam Định) ai ai cũng biết tinh thần vượt khó vươn lên làm giàu của ông Hoàng Văn Minh. Từ hai bàn tay trắng ông đã xây dựng một trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích trên 3ha, trở thành đầu mối cung cấp con giống cho nông dân trong vùng và các địa phương.
Chiều ngày 4/7, đại diện phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, tại một số vùng nuôi ngao của người dân trên địa bàn đang xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt, nổi trắng trên bờ.