Mô Hình Trồng Xen Canh Tỏi - Ớt Ở Vĩnh Hải Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Xen canh là một trong những phương thức canh tác được nhiều người áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như ở huyện Ninh Sơn, Ninh Phước có những mô hình trồng xen canh như táo-trôm, đu đủ-ớt-dừa xiêm, xoài-mận… thu nhập kinh tế cao thì ở xã Vĩnh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) mô hình trồng xen canh tỏi-ớt cũng mang lại lợi nhuận đáng kể cho người dân.
Xã Vĩnh Hải hiện có 58 ha trồng xen canh tỏi-ớt, tập trung chủ yếu ở các thôn Mỹ Hòa và Thái An. Là mô hình trồng xen canh nên quá trình xuống giống tỏi và ớt không cùng một đợt. Đối với cây tỏi, người dân bắt đầu xuống giống từ tháng 10, sau khi tỏi phát triển được 2 tháng lại tiếp tục trồng xen cây ớt.
Sau 4 tháng, tỏi bắt đầu thu hoạch, đó là lúc cây ớt cũng có những quả bói đầu mùa. Ở hình thức xen canh này, người dân không bỏ hoang đất, tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong quá trình chăm sóc như phân bón, nước tưới...mà không ảnh hưởng đến quá trình phát triển của cây tỏi hay ớt.
Theo tính toán, 1 sào tỏi-ớt trồng xen canh, nông dân thu hoạch bình quân 1,5 tấn tỏi và 3,5 tấn ớt. Với giá bình quân 50.000 đồng/kg tỏi và 8.000 đồng/ kg ớt, sau khi trừ chi phí, mỗi năm bà con thu lãi trên 60 triệu đồng/1 sào. Năng suất ớt trồng ở xã Vĩnh Hải cao là nhờ phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và chủ động được nguồn nước tưới, thời gian cho thu hoạch có thể kéo dài từ 5-6 tháng. Chưa kể những lúc tỏi, ớt được giá, nông dân thường lãi cao.
Là một trong những nông dân đi đầu trong chuyển đổi cây trồng, anh Phạm Thanh Văn, ở thôn Thái An chia sẻ: “Gia đình có 4 sào đất, trước kia đầu tư sản xuất hành-tỏi, năng suất không cao. 3 năm nay, tôi cùng với một số nông dân thôn Thái An mạnh dạn đưa cây ớt vào trồng xen canh với tỏi. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên năng suất tỏi và ớt còn thấp, 2 năm trở lại đây, nhờ vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên năng suất tỏi, ớt ngày càng nâng lên. Hiện nay mỗi năm, 4 sào tỏi - ớt đã mang lại thu nhập cho gia đình không dưới 300 triệu đồng”.
Cùng với việc đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu, chăm sóc, để bảo đảm duy trì nguồn nước trong mùa khô hạn và tiết kiệm chi phí, nhất là công lao động, nhiều hộ dân xã Vĩnh Hải đã đầu tư mô hình tưới nước tiết kiệm bằng hệ thống tưới phun và nhỏ giọt, thay cho chạy nước tràn như trước đây. Với mô hình tưới tiết kiệm này, tỏi – ớt phát triển đều, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Đến nay, có trên 15 ha trồng tỏi-ớt xen canh thực hiện mô hình tưới nước tiết kiệm.
Anh Võ Phước, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hải nhận xét: “Hiện nay, mô hình trồng xen canh tỏi-ớt là một trong những mô hình sản xuất thế mạnh của địa phương, đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với cây lúa”.
Với chủ trương chuyển đổi một số cây trồng năng suất kém sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao, xã đang khuyến khích nông dân thực hiện các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có mô hình trồng xen canh tỏi - ớt.
Bên cạnh đó, cần trồng theo quy hoạch, không chạy theo phong trào, chú trọng thị trường tiêu thụ nhằm tránh tình trạng “ được mùa mất giá, được giá mất mùa”, ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
Có thể bạn quan tâm

Mặc dù đã hạn chế phần nào việc đốn bỏ ca cao để trồng các loại cây khác nhưng hiện nhiều nhà vườn vẫn còn e ngại đối với vườn ca cao. Tuy nhiên, hiện có nhiều mô hình trồng xen mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu được trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật.

Hà Nội có nhiều loại trái cây đặc sản như cam Canh, bưởi Diễn, nhãn muộn Đại Thành, thanh long ruột đỏ... Hiện có nhiều tổ chức, cá nhân từ các tỉnh, thành phố tìm đến Thủ đô mua các loại giống cây ăn quả để phát triển ở địa phương. Thành phố đang đẩy mạnh công tác bình tuyển cây đầu dòng, đáp ứng nhu cầu phát triển vùng cây ăn quả của Thủ đô và cung cấp cho thị trường các tỉnh.

Trên địa bàn Tây Nguyên hiện có 7 doanh nghiệp chuyên trồng và chế biến mủ cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Do thời tiết trong quý III năm nay không thuận, mưa nhiều nên một số diện tích cao su bị rụng lá, ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, sản lượng mủ cao su.

Ba năm qua (2010 - 2013), TP. Hà Nội đã xây dựng được 109 mô hình cánh đồng mẫu lớn, vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 12 huyện ngoại thành với quy mô 18.670ha, trên 127.000 hộ tham gia sản xuất.

Được biết, cây nha đam bắt đầu được trồng ở tỉnh từ khoảng năm 2002. Đến nay, tổng diện tích nha đam toàn tỉnh trên 260 ha, tập trung chủ yếu ở 2 phường Văn Hải và Mỹ Bình (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm).