Mô Hình Trồng Sầu Riêng Đạt Hiệu Quả Kinh Tế Cao

Cách đây 7 năm, do giá nhãn tiêu quế bấp bênh nên nông dân Nguyễn Văn Tân đã quyết định đốn bỏ vườn nhãn đang trong thời kỳ xanh tốt và cho trái sai để thay thế bằng cây sầu riêng. Điều đó đã làm cho nhiều hộ ở ấp Sơn Phụng, xã Sơn Định (Chợ Lách - Bến Tre) - nơi ông sinh sống không khỏi ngạc nhiên. Những kết quả hôm nay đã chứng minh rằng: năng động và nhạy bén là một trong những yếu tố quan trọng để đi đến thành công.
Trên diện tích 3.000 m2, ông Tân bắt đầu trồng sầu riêng từ năm 2005. Lý giải về việc chọn giống sầu riêng Monthong, ông cho rằng: giống này có trái to, hạt lép, cơm vàng, ráo mịn, ít xơ, ăn rất ngon, được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều loại sầu riêng khác, giá trị của trái sầu riêng Monthong phụ thuộc rất nhiều vào sự ổn định của thị trường tiêu thụ. “Xử lý cho trái rải vụ” được xem là phương pháp hữu hiệu để ứng phó với tình trạng “được mùa, rớt giá” thời gian qua. Nhờ chủ động ứng dụng những tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp, việc bắt buộc cây cho trái theo ý muốn đã trở nên đơn giản hơn, tỷ lệ thành công cũng cao hơn.
Để cây cho trái vào thời điểm hiện tại, ngay từ tháng 8 âm lịch năm trước, ông Tân tiến hành rút hết nước trong mương vườn, đào rãnh thoát nước và dùng màng nylon phủ kín quanh gốc, tạo khô hạn cho cây, phun thuốc Paclobutazol kích thích cây ra hoa. Khi hoa nhú ra khoảng 2 - 3 cm, cuốn màng nylon, chăm sóc cây như điều kiện bình thường. Ông Tân cho biết: Nếu xử lý đúng cách thì năng suất trái sầu riêng mùa nghịch không thua gì mùa thuận, hơn nữa giá trị kinh tế đem lại là rất khả quan. Ông chia sẻ: “Muốn trồng sầu riêng đạt năng suất cao, theo kinh nghiệm của tôi, bên cạnh việc sử dụng nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật một cách hợp lý, cần phải tăng cường phân hữu cơ, trồng cỏ giữ ẩm cho gốc cây”.
Với 60 gốc sầu riêng Monthong, ông Tân nhẩm tính vụ mùa năm nay sẽ cho thu hoạch khoảng 7 tấn, trong khi giá bán tại vườn là 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận ước hơn 150 triệu đồng.
Được biết, ông Tân hiện là tổ phó của tổ liên kết sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổ có 37 thành viên, đóng góp diện tích trồng sầu riêng trên 20 ha. Ông Nguyễn Văn Bạn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Định cho biết: “Với vai trò là Tổ phó, ông Tân có nhiều đóng góp trong quá trình phát triển của Tổ liên kết. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia các phong trào ở địa phương, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới”.
Hiệu quả kinh tế từ cây sầu riêng không chỉ giúp gia đình làm giàu mà còn mang lại cho ông danh hiệu Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện nhiều năm liền. Mô hình này đã được chọn làm điểm tham quan, học tập của nông dân trong xã.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, kinh nghiệm sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, trong những năm gần đây, huyện Điện Biên đã chú trọng phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại tổng hợp mang lại hiệu quả cao.

Hiện nay, lực lượng đoàn viên, thanh niên xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) mạnh dạn đầu tư phát triển mô hình nuôi cá sấu đem lại thành công bước đầu, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Với diện tích mặt nước rộng, nguồn nước sạch dồi dào, Gia Viễn (Ninh Bình) có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay đa số nông dân vẫn nuôi theo hình thức quảng canh, quảng canh cải tiến, hoặc bán thâm canh; kỹ thuật nuôi thấp, thường dựa theo kinh nghiệm nên sản lượng toàn vùng vẫn chưa cao.

Từ năm 2004 đến nay, Trung tâm giống Đà điểu Khatoco Ninh Hòa thuộc Tổng Công ty Khánh Việt đã mở rộng quy mô nuôi Đà điểu “khổng lồ” tại 3 xã Ninh Phụng, Ninh Thân và Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) với tổng đàn 15.000 con, trong đó có 850 con giống bố mẹ, cung cấp con giống, thịt cho địa phương và các tỉnh lân cận.

Mặc dù các ổ dịch trên đàn gia súc thời gian qua được phát hiện sớm, dập tắt kịp thời nhưng theo dự báo của ngành chuyên môn tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.