Chư Jút, Nông Dân Chú Trọng Phòng Bệnh Cho Vật Nuôi
Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ đến giai đoạn chuyển mùa, gia đình ông Lê Văn Hiếu, ở thôn 12, xã Nam Dong (Chư Jút) lại sửa sang, che chắn, vệ sinh chuồng trại cho đàn trâu, bò của mình.
Ông Hiếu cho hay: “Gia đình tôi chăn nuôi trâu, bò từ nhiều năm rồi. Vào những thời điểm thời tiết có những biến đổi thất thường, gia đình tôi thường xuyên quan tâm đến việc sửa sang chuồng trại, chọn nguồn thức ăn đủ chất dinh dưỡng, chủ động tiêm phòng đầy đủ cho đàn vật nuôi”.
Tương tự, đối với gia đình chị Lê Thị Thư, ở thôn 13 cũng luôn xem trọng việc đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ nâng cao ý thức phòng bệnh nên gia đình lúc nào cũng duy trì được gần 50 con heo thịt và hàng trăm con gà.
Chị Thư cho biết: “Để có được kết quả đó, ngoài thường xuyên tham gia các đợt tiêm phòng vắc xin do cán bộ thú y tổ chức, gia đình còn chủ động mua thuốc tiêm phòng bổ sung để bảo đảm sức đề kháng. Không những vậy, chuồng trại chăn nuôi luôn được gia đình đảm bảo sạch sẽ, nguồn thức ăn đủ chất dinh dưỡng nên đàn vật nuôi phát triển rất ổn định”.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, cán bộ thú y xã Nam Dong thì toàn xã hiện có 1.493 con gia súc các loại. Ngoài việc tổ chức tiêm phòng cho vật nuôi theo định kỳ, cán bộ thú y cơ sở còn thường xuyên bám sát từng thôn, bon, hộ gia đình để kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc người dân tu sửa, che chắn kín chuồng trại, đảm bảo sạch sẽ, khô ráo, giúp đàn vật nuôi không bị bệnh.
Về phía địa phương luôn tuyên truyền, phổ biến cho người dân phương thức chăm sóc, phòng chống bệnh và tận dụng triệt để các phụ phẩm trồng trọt như thân cây ngô, rơm rạ để có nguồn thức ăn dồi dào. Nhờ vận động thường xuyên nên việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi ngày càng được người dân quan tâm và chú trọng.
Không chỉ riêng xã Nam Dong, hiện nay, nhiều hộ gia đình khác ở các xã như Tâm Thắng, Ea Pô, Đắk Wil …đã nâng cao ý thức phòng bệnh cho gia súc, gia cầm để quá trình chăn nuôi đạt kết quả tốt.
Chị Lâm Thị Vi, ở thôn 4, xã Tâm Thắng cho hay: “Gia đình tôi có 4 con trâu, 3 con bò, vào giai đoạn chuyển mùa, tôi thường tập trung gia cố lại chuồng trại để đủ kín gió. Nền chuồng trại đã được đổ bê tông, có hố phân riêng và được quét dọn sạch sẽ hàng ngày. Đối với các đợt tiêm phòng theo định kỳ và bổ sung luôn được gia đình thực hiện đầy đủ theo đúng thời gian quy định nên vật nuôi phát triển khá ổn định”.
Theo Trạm thú y huyện Chư Jút thì một trong những nhân tố quan trọng thúc đẩy chăn nuôi trên địa bàn phát triển ổn định, có hiệu quả cao là những năm gần đây, nhận thức của người chăn nuôi về công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm được nâng lên. Từ xã đến thôn, bon đã chấp hành nghiêm túc lịch tiêm phòng nên đàn gia súc, gia cầm ít có dịch bệnh lớn xảy ra.
Cùng với ý thức của người dân, cán bộ của thú y huyện đã tuyên truyền, vận động người dân biết phòng chống một số bệnh thường gặp trên đàn vật nuôi, nhất là vào các thời điểm chuyển mùa, cũng như thực hiện tiêm phòng đầy đủ.
Chỉ tính trong năm nay, toàn huyện đã thực hiện tiêm hơn 41.000 liều vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; trong đó, tiêm vắc xin mùa vụ hơn 25.600 liều, tiêm bổ sung hơn 15.500 liều. Địa phương đã sử dụng gần 1.000 lít hóa chất để tiêu độc khử trùng, phòng chống dịch bệnh, nhằm đảm bảo đàn vật nuôi phát triển an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Đến đầu tháng 9, diện tích thả tôm nuôi của tỉnh Kiên Giang hơn 98.410 ha, vượt 9,34% kế hoạch, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp 1.528 ha; nuôi tôm quảng canh cải tiến gần 20.000 ha và còn lại là tôm - lúa. Sản lượng thu hoạch tôm nuôi hơn 32.400 tấn, đạt gần 58% kế hoạch, bằng 99% so cùng kỳ.
Trong năm 2015, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cung ứng cho các cơ sở nuôi tôm tại Việt Nam khoảng 20 tỷ con tôm giống.
Thời gian gần đây, giá cá sấu thương phẩm trên thị trường ổn định, người nuôi có lãi nên mô hình nuôi cá sấu theo quy mô hộ gia đình đang được nhân rộng. Tuy nhiên, công tác kiểm tra, quản lý đối tượng nuôi này đang còn nhiều kẽ hở, trở thành nỗi lo cho người dân.
Ngày 27 - 29/8/2015, Trung tâm Tập huấn và chuyển giao công nghệ Nông nghiệp vùng ĐBSCL đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Long An đã tổ chức lớp tập huấn “Bồi dưỡng phương pháp khuyến nông và kỹ thuật nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP”.
Liên minh các nhà sản xuất và sử dụng lao động trong ngành thịt châu Âu (UPEMI) cho biết, 3 năm qua, sản lượng thịt nhập khẩu từ EU vào Việt Nam tăng 7,5 lần. Con số này sẽ không dừng lại khi thuế suất nhập khẩu thịt sẽ được giảm theo cam kết trong Hiệp định tự do thương mại Việt Nam - EU.