Mô Hình Trồng Rau An Toàn Trên Đất Cù Lao

Sau những năm tháng trồng rau thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Chiêu, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở về quê hương và áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn để phát triển kinh tế gia đình và bước đầu anh đã thành công.
Chuẩn bị xe máy để chở 2 chiếc giỏ chất đầy cải ngọt đem ra chợ bán, anh Chiêu khoe: "Đây là đợt giao hàng thứ 2 trong ngày, buổi sáng tôi đem giao một chuyến, còn chuyến này phải giao cho kịp mấy chủ sạp rau bán chợ chiều". Cứ thế, gần 2 năm nay, hàng ngày anh chở từ 2 đến 3 chuyến rau, cải đem đi bỏ mối ở chợ thị trấn và chợ xã trên địa bàn huyện.
Được xem là người tiên phong trong mô hình trồng rau an toàn của huyện Cù Lao Dung, anh Chiêu cho biết: "Sau khi từ giả nghề thợ hồ nặng nhọc, nhưng thu nhập bấp bênh, tôi khăn gói lên thành phố Hồ Chí Minh tìm việc với nghề trồng rau thuê.
Tại đây, tôi được tiếp cận với mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn, thấy rất hay, nên vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm để khi có điều kiện về quê làm kinh tế gia đình". Sau thời gian làm thuê, với kinh nghiệm học hỏi được, anh quyết định về quê hương thực hiện mô hình trồng rau an toàn.
Ban đầu, anh chỉ dám thử nghiệm đầu tư nhà lưới trên 500 m2 đất gần nhà để trồng các loại cải ngọt, cải xanh, bẹ dún... Thời gian trôi qua, nhận thấy mô hình có thu nhập ổn định, anh thuê đất gần nhà để mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đến nay đã được 2,5 công.
Cù Lao Dung là vùng đất rất tốt cho nhiều loại cây trồng, nhưng có điều lạ là có rất ít nông dân trong huyện chuyên về trồng rau. Vì vậy, lượng rau được bày bán ở huyện phần lớn được chở từ tỉnh Trà Vinh sang hoặc từ thành phố Sóc Trăng qua.
Do vận chuyển đường xa, nên ít nhiều chất lượng rau cũng bị giảm sút, trong khi rau của anh được trồng tại địa phương, nên khi ra đến chợ vẫn còn tươi xanh, trông đẹp mắt, rất được các tiểu thương và người tiêu dùng địa phương ưa chuộng.
"Trung bình mỗi ngày tôi giao 70 kg rau, kiếm được chừng 400 ngàn đồng. Những lúc hút hàng, lượng rau có thể lên đến 90 kg/ngày. Tôi thấy áp dụng mô hình trồng rau an toàn cũng không khó lắm vì mình đã có kinh nghiệm và tiếp cận được quy trình này khi còn làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cái khó lớn nhất đối với tôi lúc đầu là thiếu vốn đầu tư, những cũng may được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 7 triệu đồng để làm nhà lưới và mua hạt giống để thực hiện mô hình. Đến đầu năm nay, lại có thêm nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nên tôi có điều kiện hơn để mở rộng diện tích trồng rau an toàn" - anh Chiêu chia sẻ.
Theo anh Chiêu, mô hình rau an toàn không những mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng mía mà còn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Anh Chiêu phân tích: "Đã gọi là rau an toàn, thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được hạn chế tối đa.
Việc làm nhà lưới, nhằm giúp rau phát triển tốt, không bị dập úng vào mùa mưa và hạn chế nước tưới vào mùa khô, nên sau thời gian khoảng 20 ngày là thu hoạch rau đem bán. Vì vậy, chi phí sản xuất cũng được tiết giảm đáng kể, nhưng để mô hình đạt hiệu quả cao cần phải bỏ công chăm sóc nhiều. Bởi vậy, hàng ngày tôi đều ra vườn rau, nếu phát hiện có sâu phải bắt liền, tránh ảnh hưởng tới những cây rau khác”.
Ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, mô hình rau an toàn chủ yếu được người dân trồng khi có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn. Riêng mô hình của anh Chiêu, dù không có sự hỗ trợ nào, nhưng sản phẩm của anh vẫn có chổ đứng riêng trong thị trường rau cải hiện nay.
Nói về dự định sắp tới, anh Chiêu khoe: "Sắp tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau an toàn để đa dạng thêm các loại rau, làm phong phú thêm thị trường rau sạch tại địa phương". Để sản phẩm rau an toàn mang thương hiệu Cù Lao Dung được vươn xa, một mình anh Chiêu chắc chắn sẽ khó thực hiện được.
Vì thế, theo đồng chí Đặng Thị Na - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cù Lao Dung, hội đang đề nghị hội cấp trên có biện pháp hỗ trợ nhằm giúp cho sản phẩm của anh Chiêu có thương hiệu, để nhân rộng và phát triển mô hình trồng an toàn tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Vườn cà phê thử nghiệm “ba trong một” của hộ nông dân Nguyễn Xuân Bách tại xã Lộc Tân (Bảo Lâm - Lâm Đồng) cho kết quả khả quan. Thay vì trồng thuần một loại giống cà phê như lâu nay, mô hình 3 lớp cây giống cà phê – giống chín sớm (đúng vụ), giống cho thu hoạch hơi muộn và đặc biệt là giống cho thu hoạch muộn (gần như là trái vụ).

Sản xuất theo quy trình VietGAP hiện là một trong những chương trình trọng điểm của Ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe của mình. Chính vì thế họ đòi hỏi khắt khe những sản phẩm sản xuất ra phải thật sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp và tiện sử dụng...

Dúi (có nơi còn gọi là con rúi) được xếp vào loại đặc sản; thịt dúi ngon, mát, giầu đạm. Đây là loại con dễ nuôi, chi phí rất thấp, ít tốn diện tích.

Tổn thất sau thu hoạch lúa gạo tại ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá cao, 13,7%, tương đương thiệt hại 635 triệu USD/năm. Trong số này, chiếm cao nhất là khâu phơi sấy mất 4,2%, thu hoạch 3%, xay xát 3%, bảo quản 2,6%, vận chuyển 0,9%. Nếu như tất cả các khâu thu hoạch đều có khiếm khuyết thì tổn thất có thể lên đến 20,6%

Trong một thí nghiệm gần đây thuộc khuôn khổ chương trình nghiên cứu về cá tuyết (CODTECH) do Hội đồng Nghiên cứu Nauy tài trợ, các chuyên gia nghiên cứu về thuỷ sản đã tiến hành so sánh hiệu quả giữa việc sử dụng vi tảo tươi, tảo đóng bánh và bột đất sét trong việc xử lý mùn bã hữu cơ và vi khuẩn trong bể ương ấu trùng trong nuôi cá tuyết.