Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học
Ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi
Trang trại chăn nuôi lợn của HTX Thống Nhất nằm trên cánh đồng rộng gần 1 ha, cách xa khu dân cư nên rất thuận tiện cho việc chăn nuôi. Ông Thái Quốc Khánh, Chủ nhiệm HTX Thống Nhất cho biết: “Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ từ chính quyền và Hội Nông dân các cấp, việc chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tự động hóa chiếm tới 90% nên lợn lớn rất nhanh, chất lượng thịt tốt. Mỗi năm, chúng tôi duy trì 2,5 lứa lợn, mỗi lứa từ 5.800-6.000 con nên lợi nhuận thu về gần 3 tỷ đồng/năm”.
HTX Thống Nhất được thành lập từ năm 2013, đến nay có 13 xã viên. Các xã viên trước đây đều là hộ gia đình chăn nuôi lợn nhỏ lẻ. Khi HTX Thống Nhất thành lập đã nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương và Hội Nông dân tỉnh. Bên cạnh vốn góp của mỗi xã viên 30 triệu đồng, HTX được Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cho vay 300 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất. HTX còn được Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện Cam Lộ phối hợp với Trường Đại học Nông lâm Huế tư vấn, hỗ trợ, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để tiến hành chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Chuồng nuôi được xây kiên cố, sử dụng đệm lót sinh học đảm bảo kỹ thuật, đồng thời trang bị hệ thống điều hòa không khí, máy nghe nhạc, quạt thông gió, quạt khử mùi, bể tắm, hệ thống nước uống tự động, hầm biogas xử lý chất thải 1.500 khối, hệ thống báo nhiệt độ để tiện điều chỉnh theo thời tiết được bố trí rất khoa học. Tất cả đều được xây dựng khép kín nên vận hành rất thuận lợi, hiệu quả.
Hàng ngày, trang trại có 4 công nhân quét dọn, thay nước uống, nước tắm, thực hiện các biện pháp phòng bệnh, theo dõi lịch tiêm phòng và ghi chép vào sổ cẩn thận. Hiện nay, HTX có 7 trang trại vừa và lớn rải khắp các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Cam Lộ, với tổng đàn lợn thịt gần 6.000 con và 200 lợn nái sinh sản. Mới đây, HTX đã vay thêm 5 tỷ đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Trung ương và đang xây dựng thêm trang trại quy mô 3.000 lợn thịt tại xã Cam Thành. Đồng thời, HTX đã có sự liên kết trong sản xuất nên từ nguồn vốn đầu tư đến đầu ra cho sản phẩm đều được đảm bảo.
Với phương pháp chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, nhờ lớp đệm lót có chứa hệ thống vi sinh vật có khả năng lên men, phân giải chất thải của lợn sau đó được xử lý tiếp bằng hầm biogas nên chuồng nuôi luôn sạch sẽ, thông thoáng. So với các mô hình chăn nuôi khác trên địa bàn huyện thì mô hình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học của HTX Thống Nhất thân thiện với môi trường hơn. Trước đây, việc chăn nuôi của hầu hết các hộ dân chưa chú trọng đến công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, nước thải từ chăn nuôi quá nhiều, cộng thêm hệ thống hầm bioga, hầm xử lý nước thải chưa đảm bảo nên gây ô nhiễm môi trường rất nhiều, lợn có nguy cơ dịch bệnh cao. Còn hiện nay, với việc nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học, có đệm lót, quạt gió, điều hòa không khí, hầm xử lý chất thải có thể làm giảm tối đa mùi hôi và ít gây ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ cho biết: “Mô hình chăn nuôi lợn trên đệm lót sinh học kết hợp hệ thống biogas đang phát huy hiệu quả bảo vệ môi trường rất tốt. Với phương pháp mới này, phân và nước tiểu của lợn được tiêu hủy hầu như gần hết, số ít còn lại sẽ được đưa vào hầm biogas xử lý tiếp nên nhiều người gọi đây là phương pháp chăn nuôi không chất thải”.
Mô hình này ít chi phí hơn lại vừa tiết kiệm sức lao động. Nguyên vật liệu sử dụng để làm đệm lót sinh học rất dễ tìm (gồm trấu, mùn cưa, bột cám, chế phẩm sinh học, dịch men) có chi phí tương đối thấp. Ước tính chi phí đầu tư ban đầu cho 100 m2 đệm sinh học chỉ tốn khoảng 7,2-7,5 triệu đồng. Lớp đệm lót sinh học có thể sử dụng được từ 2-3 năm. Điều này đã làm giảm chi phí xây dựng chuồng trại, giảm được 70% công lao động vì phân, nước tiểu đã được tiêu hủy gần như toàn bộ, đồng thời tiết kiệm được 80% lượng nước vệ sinh chuồng trại, tắm cho lợn. Ngoài ra, khi hệ thống đệm lót hết hạn sử dụng thì người chăn nuôi có thể dùng để làm phân bón cho các loại cây trồng.
Kết nối làm giàu bền vững
Hơn 2 năm về trước, khi các xã viên HTX Thống Nhất đang chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả còn thấp, đầu ra sản phẩm bấp bênh. Có ít nhất 4 hộ trong tổng số 13 hộ vẫn còn thuộc diện khó khăn, nhưng chỉ sau 2 năm chung vốn làm ăn đến nay tất cả xã viên đều đã vượt qua nghèo khó vươn lên làm giàu. Ông Thái Quốc Khánh cho biết thêm: “Nhờ Quỹ Hỗ trợ nông dân cho vay vốn theo từng tổ nhóm nên đã giúp chúng tôi có điều kiện để liên kết, cùng nhau sản xuất. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi giám sát lẫn nhau, hỗ trợ nhau trong khoa học kỹ thuật, có đầu ra ổn định, nên đời sống kinh tế của các xã viên không ngừng tăng lên. Hàng năm, sau khi trừ các khoản chi phí thì bình quân mỗi xã viên cũng thu lãi từ 250-300 triệu đồng”.
Các chị Hoàng Thị Xuân, Nguyễn Thị Ánh Duyên (xã Cam Thành), chị Nguyễn Thị Lý Nhạn (xã Cam Tuyền), chị Nguyễn Thị Phiến (xã Cam Hiếu) từng chăn nuôi lợn nhỏ lẻ theo cách truyền thống nên hiệu quả chưa cao. Năm nào may mắn không dịch bệnh, giá lợn thịt cao thì mỗi chị cũng chỉ thu lãi được từ 10- 12 triệu đồng trong khi phải bỏ ra nhiều công sức trong 1 năm ròng. Đến khi vào HTX Thống Nhất hơn 2 năm, thì nhà chị nào cũng khang trang, có của ăn của để.
Hiện nay đàn lợn của HTX Thống Nhất được nuôi theo công nghệ an toàn sinh học nên không chỉ lớn nhanh, chất lượng thịt tốt mà còn tạo ra một thương hiệu “lợn sạch”. Vì vậy, tư thương đến tận trang trại để thu mua và có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. “Chúng tôi đã liên kết đầu ra với thương lái nên quá trình tiêu thụ luôn thuận lợi. Họ luôn đánh giá cao sản phẩm của HTX chúng tôi, đồng thời còn ký kết làm ăn lâu dài”, ông Khánh chia sẻ.
Thời gian sắp tới, khi trang trại quy mô 3.000 con lợn thịt của HTX Thống Nhất xây dựng tại xã Cam Thành đi vào hoạt động, sẽ mở ra nhiều cơ hội liên kết làm ăn cho một số người dân có nguyện vọng vào HTX trên địa bàn này. Thành công từ mô hình nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học của HTX Thống Nhất đã mở ra hướng chăn nuôi mới, giúp người chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, tăng cao thu nhập tiến đến tích lũy làm giàu. Ngoài ra còn cung ứng sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đây là phương pháp chăn nuôi cần nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Ông Long cho biết: “Lượng đường tồn kho hiện cao gấp đôi cùng kỳ năm trước, và giá đường tại Cần Thơ cũng đang thấp hơn cùng kỳ năm trước khoảng 1.000 đồng/ki lô gam… trong khi mùa thu hoạch mía niên vụ 2014 – 2015 đã bắt đầu.”
Vài năm trở lại đây, nông dân (ND) xã Thành Lập, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) đổi đời nhờ mô hình trồng rau theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Với hướng đi mới, Thành Lập đã có những cánh đồng cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, rau xanh tăng giá là do ảnh hưởng của đợt bão lũ vừa qua. Do nước sông Cầu lên cao nên tại các khu vực trồng rau chuyên canh của tỉnh như Huống Thượng (Đồng Hỷ); Đồng Bẩm, Túc Duyên (T.P Thái Nguyên); Nhã Lộng (Phú Bình)… nhiều diện tích rau nằm ven khu vực bờ sông đã bị ngập úng, hỏng hoàn toàn và không có khả năng phục hồi.
Mang kỳ vọng ngành đánh bắt xa bờ Việt Nam sẽ hiện đại và hiệu quả hơn, nhưng chuyến đi biển đầu tiên của con tàu vỏ thép đã không thành công như mong đợi.
Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nông dân ở Tiền Giang đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng sơ ri, đồng thời chú trọng đầu tư KHKT để đảm bảo lượng hàng chất lượng cao XK sang Nhật.