Mô Hình Trồng Rau An Toàn Trên Đất Cù Lao
Sau những năm tháng trồng rau thuê ở thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Chiêu, ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung (huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng) trở về quê hương và áp dụng mô hình trồng rau theo hướng an toàn để phát triển kinh tế gia đình và bước đầu anh đã thành công.
Chuẩn bị xe máy để chở 2 chiếc giỏ chất đầy cải ngọt đem ra chợ bán, anh Chiêu khoe: "Đây là đợt giao hàng thứ 2 trong ngày, buổi sáng tôi đem giao một chuyến, còn chuyến này phải giao cho kịp mấy chủ sạp rau bán chợ chiều". Cứ thế, gần 2 năm nay, hàng ngày anh chở từ 2 đến 3 chuyến rau, cải đem đi bỏ mối ở chợ thị trấn và chợ xã trên địa bàn huyện.
Được xem là người tiên phong trong mô hình trồng rau an toàn của huyện Cù Lao Dung, anh Chiêu cho biết: "Sau khi từ giả nghề thợ hồ nặng nhọc, nhưng thu nhập bấp bênh, tôi khăn gói lên thành phố Hồ Chí Minh tìm việc với nghề trồng rau thuê.
Tại đây, tôi được tiếp cận với mô hình sản xuất rau theo hướng an toàn, thấy rất hay, nên vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm để khi có điều kiện về quê làm kinh tế gia đình". Sau thời gian làm thuê, với kinh nghiệm học hỏi được, anh quyết định về quê hương thực hiện mô hình trồng rau an toàn.
Ban đầu, anh chỉ dám thử nghiệm đầu tư nhà lưới trên 500 m2 đất gần nhà để trồng các loại cải ngọt, cải xanh, bẹ dún... Thời gian trôi qua, nhận thấy mô hình có thu nhập ổn định, anh thuê đất gần nhà để mở rộng diện tích trồng rau an toàn, đến nay đã được 2,5 công.
Cù Lao Dung là vùng đất rất tốt cho nhiều loại cây trồng, nhưng có điều lạ là có rất ít nông dân trong huyện chuyên về trồng rau. Vì vậy, lượng rau được bày bán ở huyện phần lớn được chở từ tỉnh Trà Vinh sang hoặc từ thành phố Sóc Trăng qua.
Do vận chuyển đường xa, nên ít nhiều chất lượng rau cũng bị giảm sút, trong khi rau của anh được trồng tại địa phương, nên khi ra đến chợ vẫn còn tươi xanh, trông đẹp mắt, rất được các tiểu thương và người tiêu dùng địa phương ưa chuộng.
"Trung bình mỗi ngày tôi giao 70 kg rau, kiếm được chừng 400 ngàn đồng. Những lúc hút hàng, lượng rau có thể lên đến 90 kg/ngày. Tôi thấy áp dụng mô hình trồng rau an toàn cũng không khó lắm vì mình đã có kinh nghiệm và tiếp cận được quy trình này khi còn làm thuê ở thành phố Hồ Chí Minh.
Cái khó lớn nhất đối với tôi lúc đầu là thiếu vốn đầu tư, những cũng may được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 7 triệu đồng để làm nhà lưới và mua hạt giống để thực hiện mô hình. Đến đầu năm nay, lại có thêm nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân, nên tôi có điều kiện hơn để mở rộng diện tích trồng rau an toàn" - anh Chiêu chia sẻ.
Theo anh Chiêu, mô hình rau an toàn không những mang lại hiệu quả kinh tế cao so với trồng mía mà còn đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Anh Chiêu phân tích: "Đã gọi là rau an toàn, thì việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được hạn chế tối đa.
Việc làm nhà lưới, nhằm giúp rau phát triển tốt, không bị dập úng vào mùa mưa và hạn chế nước tưới vào mùa khô, nên sau thời gian khoảng 20 ngày là thu hoạch rau đem bán. Vì vậy, chi phí sản xuất cũng được tiết giảm đáng kể, nhưng để mô hình đạt hiệu quả cao cần phải bỏ công chăm sóc nhiều. Bởi vậy, hàng ngày tôi đều ra vườn rau, nếu phát hiện có sâu phải bắt liền, tránh ảnh hưởng tới những cây rau khác”.
Ở nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh, mô hình rau an toàn chủ yếu được người dân trồng khi có sự hỗ trợ của cơ quan chuyên môn. Riêng mô hình của anh Chiêu, dù không có sự hỗ trợ nào, nhưng sản phẩm của anh vẫn có chổ đứng riêng trong thị trường rau cải hiện nay.
Nói về dự định sắp tới, anh Chiêu khoe: "Sắp tới, tôi sẽ mở rộng diện tích trồng rau an toàn để đa dạng thêm các loại rau, làm phong phú thêm thị trường rau sạch tại địa phương". Để sản phẩm rau an toàn mang thương hiệu Cù Lao Dung được vươn xa, một mình anh Chiêu chắc chắn sẽ khó thực hiện được.
Vì thế, theo đồng chí Đặng Thị Na - Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cù Lao Dung, hội đang đề nghị hội cấp trên có biện pháp hỗ trợ nhằm giúp cho sản phẩm của anh Chiêu có thương hiệu, để nhân rộng và phát triển mô hình trồng an toàn tại địa phương.
Related news
Từ gốc dứa trồng muộn vẫn cho thu hoạch với những quả thơm ngon, gia đình anh Phạm Đăng Luân, thôn Na Mạ 1, xã Bản Lầu (Mường Khương - Lào Cai) đã quyết định mở rộng diện tích dứa trái vụ. Không chỉ tiết kiệm chi phí sản xuất, dứa trái vụ còn giúp gia đình anh có thêm thu nhập nhờ đầu ra thuận lợi.
Ngày 28/8/2015, tại xã Hàm Trí (Hàm Thuận Bắc - Bình Thuận) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội nghị đầu bờ mô hình thâm canh thanh long bền vững.
Bộ NN&PTNT đã có nhiều nỗ lực trong việc tiếp cận các thị trường tiềm năng để xuất khẩu (XK) thủy sản. Nhiều thị trường đã thông suốt về thủ tục, nhưng XK được nhiều hay ít còn phụ thuộc nhu cầu thực sự của các thị trường này.
Ngành chăn nuôi sẽ khó trụ vững khi nhiều dòng thuế nhập khẩu sẽ chạm mức bằng không.
Đang chính vụ khai thác, nhưng không khó để bắt gặp cảnh tàu thuyền đánh bắt xa bờ của ngư dân miền Trung nằm bờ san sát. Nhiều đội tàu thiếu bạn thuyền hàng tháng trời vì chi phí không bù lỗ nổi.