Mô Hình Trồng Mít Thái Siêu Sớm Và Ổi Không Hạt Mang Lại Hiệu Quả Kinh Tế Khá
Ông Đặng Văn Chín (Bé Chín), Chi hội phó Chi hội Người cao tuổi ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) luôn trăn trở tìm ra giải pháp để thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương.
Nhà ông Chín có 7 nhân khẩu, trong đó có 4 lao động chính, canh tác 5.444m2 đất. Những năm trước, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, các con phải nghỉ học sớm theo cha mẹ đi làm thuê làm mướn khắp nơi để kiếm sống. Trong một chuyến đi làm thuê ở tỉnh Vĩnh Long, ông thấy vùng đất nơi đây gần giống như ở quê nhà, người ta trồng quít đường mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông đến vựa cây giống đặt mua 50 nhánh quýt, 50 gốc mít nghệ siêu sớm và mít lá bàng về trồng, nhưng khi đến kỳ giao hàng, người chủ vựa cho biết quýt đường đã hết hàng, ông đành mua 50 nhánh ổi không hạt.
Đầu tiên ông lên liếp toàn bộ diện tích vườn hiện có tiêu thoát nước vào những tháng mùa mưa và trữ nước ngọt vào mùa nắng, sau đó bón lót vôi và phân chuồng ủ hoai; ở những mép vườn sát mương ông trồng mít với khoảng cách giữa các cây là 6m, riêng ổi thì trồng cây cách cây 3,5m.
Sau khoảng 3 năm tích cực chăm sóc, vườn ổi và mít bắt đầu cho trái. Vụ đầu tiên, để đảm bảo cho cây phát triển mạnh các nhánh, ông Chín chỉ để lại một số ít trái để cây không mất sức. Bước sang năm thứ 4 này, vườn mít rất sai trái, bình quân mỗi cây cho khoảng 10 trái, 10kg/trái, bán tại vườn với giá 10.000 đồng/kg. Riêng số mít lá bàng qua theo dõi năng suất không cao, chất lượng thấp nên ông đã đốn bỏ để trồng lại mít Thái siêu sớm. Hiện vườn ổi ông Chín có trên 250 gốc, trong đó trên 100 gốc đang cho trái, với giá bán 10.000 đồng/kg. Tính chung mỗi tháng, ông thu nhập bình quân khoảng 3,5 triệu đồng.
Ngoài ra, để tận dụng những diện tích còn trống trong vườn, ông Chín trồng thêm bưởi da xanh, đua đủ, dưới ao thả cá. Đặc biệt là ông trồng xen canh cây sả. Vụ sả năm 2013, tuy mới thu hoạch chưa đầy diện tích, nhưng ông đã có gần 7 triệu đồng. Chưa kể ông còn chăn nuôi thêm các loại gia cầm để cải thiện bữa ăn gia đình.
Ông Chín cho biết: "Lẽ ra vườn cây của tôi có thể cho thu hoạch cao hơn, nhưng tôi không dám để nhiều trái cho cây phát triển, sang năm vườn ổi này đã có thể cho thêm thu nhập từ tiền chiết nhánh, nhiều người thấy giống ổi ngon đã đặt mua với giá 10.000 đồng/nhánh chiết nhưng tôi chưa bán. Sau thời gian trồng thử nghiệm, vườn cây phát triển khá tốt, cho thu nhập đều đặn, tuy nhiên nếu như có thể cải thiện được nguồn nước ngọt để tưới vào những tháng mùa khô chắc chắn hiệu quả kinh tế mang lại từ mô hình trồng mít Thái siêu sớm và ổi không hạt này sẽ rất cao."
Trồng mít và ổi không tốn nhiều chi phí và công chăm sóc; đối với mít, phải thăm vườn loại bỏ bớt các trái nhỏ, tỉa cành cho thông thoáng, riêng với ổi, ngoài việc tưới nước, bón phân để trái ổi đều và đẹp mắt, khi ổi vừa đậu trái bà con nên dùng bao ni lon trùm trái lại để hạn chế sự tấn công của rệp sáp làm cho ổi bị sần sùi, méo mó và độ giòn của ổi sẽ bị giảm đáng kể.
Chính nhờ sự tìm tòi ham học hỏi và sự quyết đoán dám nghĩ, dám làm mà đến nay gia đình ông Chín đã thoát nghèo bền vững, xây dựng được nhà cửa tương đối ổn định và có thêm điều kiện tham gia công tác xã hội tại địa phương. Thông qua mô hình này, ông Chín sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, để vùng đất cù lao huyện Tân Phú Đông nói chung và ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh nói riêng ngày càng phát triển.
Có thể bạn quan tâm
Giá tôm nguyên liệu ở các tỉnh ven biển ĐBSCL liên tục tăng cao. Chiều 7-11, thương lái thu mua tôm sú loại 20 con/kg với giá từ 270.000- 280.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 230.000- 240.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 190.000 đồng/kg…
Hôm nay (9/11/2013), Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1850/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động đối phó với siêu bão số 14 (HaiYan).
Ngao giá là loại ngao từ lâu đã được bà con ngư dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, nhất là vùng Vân Đồn - Cô Tô khai thác theo hình thức tự nhiên với khối lượng lớn và được đánh giá là loại ngao có chất lượng ngon, nhiều thịt, có giá trị kinh tế cao. Vừa qua, Công ty TNHH Đỗ Tờ đã đưa vào nuôi thử nghiệm và sản xuất thành công giống ngao này. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình nuôi giống ngao này cần được ngành chức năng xem xét, đánh giá hiệu quả.
Nông dân huyện Tam Nông (tỉnh Đồng Tháp) hiện đang thu hoạch cá lóc, cá tra, tôm càng xanh thương phẩm với niềm vui trúng mùa - trúng giá.
Những năm gần đây, ngành cá tra ngày càng khó khăn mà nguyên nhân được chỉ ra là do thiếu liên kết giữa hai mắt xích quan trọng nhất là nông dân (ND) nuôi cá và doanh nghiệp (DN) chế biến xuất khẩu.