Mô hình trồng măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao

Đứng trước gần 2 ha măng tây, nghe chị Điệu say sưa nói về cây măng tây, hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này, chúng tôi không khỏi thán phục trước tư duy, “trình độ làm nông nghiệp” của người phụ nữ tuổi ngoài ngũ tuần này.
Sinh năm 1961, sau nhiều năm lăn lộn kiếm tiền bằng đủ các nghề nhưng vẫn khó khăn nên đến tháng 9/2013 chị Điệu quyết định quay về làm nông nghiệp. Quyết định được đưa ra nhanh chóng, thế nhưng khi bước vào chị mới thấy nó gian nan và khó khăn cũng không kém những nghề trước đây của chị.
Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: trồng cây gì, nuôi con gì, chăm sóc, thu hoạch ra sao, hiệu quả kinh tế như thế nào... Lúc đầu chị cũng “lung lay” lắm, nhưng nhờ bản lĩnh có được của nhiều năm buôn bán, kinh doanh chị đã nhanh chóng vạch ra được hướng đi cho mình.
Sau nhiều ngày nghiên cứu, tham quan học hỏi các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả trên địa bàn thành phố và được sự tư vấn, giúp đỡ của Ban quản trị Hợp tác xã Phú Thái, chị Điệu đã quyết định chọn và đưa cây măng tây xanh vào sản xuất trên diện tích đất bãi của gia đình mình.
Chị Điệu chia sẻ, thời gian đầu triển khai chị cũng gặp phải những khó khăn nhất định như mua giống với giá cao (15.500 đồng/cây giống) nhưng vẫn chưa được giống “chuẩn”, thời tiết không ủng hộ, kỹ thuật trồng và chăm sóc còn hạn chế nên cây hay bị mắc các bệnh như là khô vằn, nấm… làm cây bị héo, nhũn đầu măng, thậm chí làm chết cây.
Bởi vì các lí do trên nên thời gian đầu gần như chị không có lợi nhuận. Tuy nhiên, qua thực tế canh tác chị cũng tự rút ra được những kinh nghiệm chăm sóc măng cho riêng mình, bên cạnh đó lại được sự tư vấn của các cơ quan chuyên môn, của Ban quản trị Hợp tác xã nên chỉ sau 8 tháng mô hình măng tây xanh của chị đã cho những đồng lợi nhuận đầu tiên.
Chị Điệu cũng chia sẻ thêm, giờ chị đã tìm được nguồn mua giống măng tây “chuẩn”, nắm vững quy trình trồng-chăm sóc-thu hoạch măng nên hiệu quả của mô hình ngày càng được nâng cao. Hiện tại mỗi ngày chị thu hoạch được từ 12 - 15kg măng, giá bán bình quân từ 70.000 - 100.000 đồng/kg, trừ mọi chi phí sản xuất mỗi ngày chị còn “bỏ túi” được khoảng 500.000 - 600.000 đồng.
Trước thắc mắc của chúng tôi là tại sao với diện tích gần 2 ha mà mỗi ngày chỉ thu hoạch được có 12 - 15kg măng, chị Điệu cho biết: Không phải thời điểm nào măng tây cũng cho thu hoạch cao, thậm chí các tháng mùa đông (từ tháng 11 năm trước đến tháng 02 năm sau) cây măng không cho thu hoạch. Cây măng chỉ cho sản lượng cao trong khoảng 4 - 5 tháng và ở khoảng thời gian này, mỗi ngày chị có thể thu hoạch được từ 60 - 70 kg măng, sau khi trừ chi phí, chị có lợi nhuận khoảng 3 triệu đồng. Năm 2014, ước tính lợi nhuận chị thu về được vào khoảng 200 triệu đồng.
Năm 2015 chị Điệu dự định có thể sẽ thầu khoán thêm khoảng 0,5 ha đất bãi nữa để mở rộng diện tích trồng măng tây xanh, đồng thời sẽ tư vấn cho một số bà con trên địa bàn xã mạnh dạn đưa giống măng tây xanh này vào sản xuất. Chị Điệu cũng mong muốn thời gian tới sẽ tiếp tục được các đơn vị chuyên môn giúp đỡ về kỹ thuật, giúp chị xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cây măng tây xanh, tiến tới xây dựng nhãn hiệu và chứng nhận nguồn gốc xuất xứ cho sản phẩm măng tây xanh của gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho hay, xuất khẩu cà phê trong tháng 4 chỉ đạt gần 16.540 tấn với kim ngạch gần 43,3 triệu USD, giảm gần 250 tấn so với tháng 3-2015. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015 thì Đồng Nai xuất khẩu được hơn 66 ngàn tấn với tổng giá trị 154,3 triệu USD, đạt hơn 70% về lượng và trên 80% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Quá trình sản xuất khoai lang theo quy trình “thâm canh tổng hợp” có một số điểm mới hơn so sản xuất truyền thống như sử dụng màng phủ, nấm Trichoderma, trồng sả… Nhưng theo các nhà khoa học, đây là giải pháp cần thiết, nếu thực hiện tốt sẽ quản lý rất hiệu quả sâu đục củ khoai lang hiện nay.

Vài năm gần đây trên địa bàn huyện Ðức Trọng, tỉnh Lâm Ðồng, nhiều hộ dân đã trồng loại cà tím giống mới của Thái-lan và Nhật Bản thay thế cho giống cà tím ruột trắng của địa phương, mang lại sản lượng và chất lượng cao hơn hẳn.

Nhằm khai thác tối đa tiềm năng lợi thế đất đai thổ nhưỡng, hạn chế rủi ro trong sản xuất, huyện Sông Hinh (Phú Yên) khuyến khích nông dân phát triển những cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, trong đó có cây mắc ca.

Mắc ca là cây cho quả khô quý hiếm, cây đa tác dụng, trồng dài ngày đem lại giá trị kinh tế cao. Một số vùng ở nước ta đã trồng thử nghiệm thành công và muốn đưa mắc ca vào quy hoạch sản xuất lớn. Tuy nhiên, để phát triển loại cây trồng này thì vẫn còn nhiều nỗi lo.