Mô Hình Trồng Bắp Non Kết Hợp Chăn Nuôi Bò Đạt Hiệu Quả
Ngoài việc phát triển các cây trồng thế mạnh của địa phương, những năm gần đây, nhiều nông dân trong Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò ở xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp phát triển thêm mô hình trồng bắp non kết hợp chăn nuôi bò vỗ béo. Mô hình này bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, giải quyết hiệu quả vấn đề tìm nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Ra đời từ năm 2009, ban đầu có 25 thành viên, sau 5 năm hoạt động, CLB chăn nuôi bò xã Hội An Đông dần lớn mạnh. Hiện tại, số lượng thành viên của CLB tăng lên 97 thành viên. Song song đó, số lượng tổng đàn bò cũng tăng dần theo từng năm, đến nay đã có trên 1.200 con, tập trung nhiều ở ấp An Thạnh và An Quới.
CLB chăn nuôi bò của xã ra đời với tiêu chí tập hợp một số hộ nông dân chăn nuôi bò có nhu cầu học tập kinh nghiệm, giao lưu, trao đổi về những cách làm mới, mô hình sản xuất hay nhằm giúp tăng cao giá trị kinh tế sản xuất và chăn nuôi. Bên cạnh đó, khi tham gia CLB, bà con nông dân còn được cán bộ khuyến nông hướng dẫn phương pháp chăm sóc, vỗ béo bò thịt; chế biến một số loại thức ăn bổ sung và các biện pháp phòng bệnh cho đàn bò, một số hộ nuôi đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc, quản lý đàn bò qua các lớp tập huấn kỹ thuật. Do đó, những năm qua, bên cạnh việc tăng nhanh về tổng đàn thì chất lượng đàn bò thịt cũng được nâng lên rõ rệt.
Ông Huỳnh Văn Sáu ở ấp An Quới, xã Hội An Đông chia sẻ: “Ngoài việc được học tập các kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất mới trong chăn nuôi từ anh em ở CLB, chúng tôi còn được tương trợ, giúp đỡ vốn để chăn nuôi. Thời gian qua có nhiều hộ gia đình thoát nghèo, cuộc sống khá giả hơn”.
Ông Nguyễn Văn Kỳ ngụ ấp An Quới, xã Hội An Đông cho biết: “Nhận thấy trồng kiệu và khoai môn nhiều năm qua giá cả không ổn định nên tôi quyết định chuyển 1ha đất trồng rẫy sang trồng bắp non kết hợp nuôi 12 con bò vỗ béo. Để có được nguồn thức ăn ổn định cho đàn bò, tôi thực hiện trồng bắp luân phiên trên 1ha, cứ 1 tuần tôi lại xuống giống trên 500m2, cách làm này đảm bảo được nguồn thức ăn cho đàn bò quanh năm. Bên cạnh đó, để đàn bò có nguồn thức ăn đa dạng, tôi trồng thêm cỏ vôi. Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi kết hợp này rất khả quan”.
Bên cạnh những thuận lợi thì hiện tại mô hình còn gặp một số khó khăn cần được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành. Song song với việc tăng nhanh tổng đàn, vấn đề con giống tăng giá và đầu ra cho đàn bò là 2 yếu tố cốt lõi mà bà con nông dân đang quan tâm.
Anh Nguyễn Hữu Lễ - chủ nhiệm CLB chăn nuôi bò xã Hội An Đông cho biết: “Hiện tại, do bò thịt ở địa phương chủ yếu được tiêu thụ qua hệ thống thương lái, nên người chăn nuôi thường xuyên bị ép giá cũng như không chủ động được khâu tiêu thụ. Bên cạnh đó, do nhu cầu chăn nuôi tăng, con giống khan hiếm nên giá bò giống tăng mạnh, vì vậy người chăn nuôi giảm lợi nhuận rất nhiều”.
Mô hình trồng bắp non kết hợp với chăn nuôi bò vỗ béo là mô hình hiệu quả, giúp nhiều nông dân ổn định thu nhập. Tuy nhiên, nếu mô hình được thực hiện một cách toàn diện hơn và sản phẩm bắp non, bò thịt được liên kết bao tiêu thì đây sẽ là một mô hình phát triển kinh tế ổn định và hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, vừa qua xã Thanh Hải (Ninh Hải - Ninh Thuận) đã phối hợp với Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh (Sở Khoa học - Công nghệ) triển khai mô hình trồng nấm, kết quả ban đầu rất khả quan.
Mía tím Kim Tân (Thạch Thành - Thanh Hóa) là giống mía quý, nổi tiếng từ lâu nhưng một thời gian dài bị “lãng quên” và hầu như không phát triển.
Ông Nguyễn Văn Trọng- Bí thư, kiêm Trưởng Ấp 9, xã Mỹ Lộc, Tam Bình, Vĩnh Long là người góp ý tưởng thành lập tổ dịch vụ này cho hay, lúc đầu chỉ làm thuê cho cánh đồng mẫu lớn nhưng dần dà nông dân yêu cầu, nên làm cho cả những ruộng ngoài mô hình.
Các nông dân trồng cà phê ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, giá cà phê đang tiếp tục xu hướng giảm. Giá mua tại vườn hiện chỉ còn 31 - 32 ngàn đồng/kg cà phê nhân, giảm khoảng 2 ngàn đồng so với đầu tháng 10-2013 và giảm 12 ngàn đồng so với thời điểm đầu năm.
Ngày 3/11, tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai đã tổ chức Hội nghị công bố Chứng nhận vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP cho 1.000 ha chè hàng hóa của huyện Mường Khương.