Ngân Hàng Hỗ Trợ Nông Dân
Được tiếp sức nguồn vốn vay ưu đãi từ Agribank Hòa Vang (Đà Nẵng), nhiều nông dân đã đầu tư đúng hướng, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình.
Nuôi heo bằng công nghệ tiên tiến
Giữa tháng 9, chúng tôi đến trang trại nuôi heo của anh Nguyễn Duy Tuấn (33 tuổi, trú thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Đây có lẽ là một trang trại thuộc hàng “độc” của xã Hòa Khương, bởi rộng chừng 220m2 nhưng tổng mức đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng (chưa tính heo giống). Tất cả đều làm bằng hệ thống làm lạnh công nghiệp hiện đại. Sau khi hoàn thiện phần xây dựng, anh thử nghiệm 20 con heo nái được nhập từ Mỹ.
Đam mê nghề nuôi heo hơn 7 năm trước nhưng cứ theo kiểu nuôi truyền thống không đem lại hiệu quả cao, anh tìm hiểu công nghệ nuôi heo ở các nước tiên tiến, đặc biệt trong đó có giống heo được nhập từ Mỹ rất có chất lượng, tăng trưởng nhanh. Vì vậy, năm 2012, Nguyễn Duy Tuấn mạnh dạn đầu tư hệ thống chuồng trại. Anh vay Agribank Hòa Vang gần 1,1 tỷ đồng, hơn 400 triệu đồng từ các ngân hàng khác cộng vốn gia đình khoảng 500 triệu đồng để xây dựng chuồng trại, quy mô 40 heo nái.
Đầu năm 2014, anh Tuấn nhập thí điểm 20 con heo nái của Mỹ, mỗi con nặng trên 40kg; sau 8 tháng nuôi, trọng lượng heo tăng lên 200kg/con, anh cho phối giống và đẻ lứa đầu tiên. “Heo con sau khi sinh ra được 21 ngày thì cai sữa và tiếp tục phối giống cho heo mẹ. Sau thời gian chăm sóc, hiện có 30/150 con heo thuộc lứa đầu chuẩn bị xuất chuồng, mỗi con nặng khoảng 100kg; giá thị trường bán khoảng 55.000 đồng/kg thịt hơi”, anh Tuấn vui mừng cho biết.
Ngoài 30 con heo sắp xuất chuồng, còn 120 con đang trong giai đoạn lớn. Mỗi ngày heo tăng 1kg. Dự định đầu năm 2015, anh Tuấn sẽ nhập thêm 20 con heo nái. “Tôi dự định tiếp tục đầu tư thêm một trang trại có quy mô lớn gấp đôi hiện tại”, anh Tuấn tiết lộ.
Hàng nghìn người được vay ưu đãi
Phó Giám đốc Agribank Hòa Vang Hùng Cường cho biết, thực hiện chỉ đạo của các cấp, nhất là Agribank Chi nhánh Đà Nẵng, thời gian qua đơn vị chú trọng cho vay để phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó chủ yếu đầu tư trang trại chăn nuôi, cải tạo vườn tạp, trồng rừng phủ xanh đồi trọc…
Tính đến cuối tháng 8-2014, có 2.598 khách hàng vay vốn, số dư nợ cho vay đạt 291 tỷ đồng. “Nhiều nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư trang trại, biết vận dụng kiến thức khoa học vào sản xuất, kết hợp với hướng dẫn của cán bộ tín dụng, các hội đoàn thể nên đem lại hiệu quả cao, nhiều người đã vươn lên làm giàu chính đáng”, ông Hùng Cường chia sẻ.
Ngoài trang trại nuôi heo quy mô, hiện đại của anh Nguyễn Duy Tuấn, anh Huỳnh Ngọc Nhẫn (xã Hòa Phú) cũng đã vay 600 triệu đồng; anh Mai Ngọc (xã Hòa Phú) vay gần 300 triệu đồng lập trang trại nuôi gà; anh Chu Văn Phong (xã Hòa Khương) vay 150 triệu đầu tư nuôi dê… Tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên), nhiều hộ gia đình cũng mạnh dạn vay số tiền lớn để đầu tư nuôi tôm mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Sau một thời gian dài thực hiện lệnh kiểm soát biên giới của Bắc Kinh, gần đây thương nhân Trung Quốc đã quay lại mua gạo tiểu ngạch từ Việt Nam. Điều này đã phần nào khuyến khích giá lúa gạo thị trường nội địa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bật tăng trở lại trong những ngày qua.
Những năm trước đây, gia đình ông Chí A Câu là một trong những hộ thuộc diện nghèo ở Cây Gáo. Dù làm nhiều nghề khác nhau nhưng cái nghèo vẫn đeo bám mãi. Năm 2009, ông bắt đầu nghề nuôi dê nhờ được hỗ trợ 4 con dê theo Chương trình nhân rộng mô hình giảm nghèo của tỉnh.
Từ lâu, người tiêu dùng gần xa đã quen với chất lượng sản phẩm khoai môn của xã Mỹ An Hưng và xã Hội An Đông. Tuy nhiên, dù có nhiều ưu điểm về chất lượng, song một thời gian dài 2 sản phẩm này vẫn bị “cào bằng” chung giá với những sản phẩm cùng loại.
Một trong những điểm nhấn của khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh 5 năm qua là đã xuất hiện nhiều hợp tác xã (HTX) làm ăn có hiệu quả. Từ đây, các HTX ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
Phú Thọ là 1 trong 4 tỉnh của cả nước gồm: Phú Thọ, Nam Định, Bình Định và Bà Rịa - Vũng Tàu được Bộ Nông nghiệp và PTNT lựa chọn để triển khai thí điểm quản lý lợn đực giống với mục đích thống kê và phân loại chất lượng lợn đực giống hiện đang khai thác sử dụng trên địa bàn và khuyến cáo các cơ sở loại thải, thay thế lợn đực giống không đảm bảo chất lượng và đề xuất các giải pháp về công tác quản lý lợn đực giống trên địa bàn tỉnh.