Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Tôm Công Nghiệp Khép Kín Hiệu Quả Ở Móng Cái (Quảng Ninh)

Mô Hình Nuôi Tôm Công Nghiệp Khép Kín Hiệu Quả Ở Móng Cái (Quảng Ninh)
Ngày đăng: 20/03/2014

Thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) từ năm trước đã nổi tiếng với những “đại gia” nổi lên từ nuôi tôm chân trắng. Nhưng đến nay, nghề nuôi tôm ở Móng Cái còn được biết đến bởi những cách làm mới, hiệu quả hơn.

Đó là phương thức nuôi tôm mùa đông trong nhà kín, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi trồng thuỷ sản. Sau vụ thắng lớn nhờ nuôi tôm công nghiệp khép kín của ông Hoàng Ngọc Tuyền (Hải Hoà, Móng Cái), đến nay, ông Bùi Ngọc Liêm triển khai thực hiện để từng bước nhân rộng mô hình tại địa phương.

Ao nuôi tôm khép kín được thiết kế có những bệ trụ bê tông, láng đáy, hệ thống cáp mái che… Hệ thống mái che khép kín với 2 lần lưới trên và dưới, ở giữa là một lớp bạt hoặc ni-lon, hệ thống dây cáp chắc chắn vừa an toàn vào mùa bão lại vừa tránh được côn trùng hay các loại động vật khác xâm hại, hạn chế dịch bệnh cho tôm nuôi.

Đặc biệt, hệ thống mái che khép kín giúp cho nhiệt độ đêm - ngày trong ao ít bị chênh lệch, mức hấp thụ nhiệt mùa đông ổn định, trung bình từ 20-22 độ C (nếu nuôi trong ao thường, nhiệt độ xuống dưới 18 độ C vào mùa đông thì tôm nuôi giảm sức ăn, ảnh hưởng đến chất lượng tôm).

Với mô hình này, năng suất mỗi vụ tôm tăng lên, thời gian cho vụ đông chỉ từ 90-100 ngày, vụ hè chỉ từ 70-80 ngày. Một ưu thế lớn của thiết kế ao nuôi tôm vụ đông là có thể nuôi được 3 vụ/năm, không mất thời gian cải tạo ao. Với diện tích 2.000m2/ao nuôi tôm công nghiệp khép kín sẽ đảm bảo đạt độ an toàn từ 2,5-3 tấn.

Một vụ tôm thông thường thu hoạch 180.000 đồng/kg thì vụ đông thu hoạch lên tới 250.000 đồng/kg, tối thiểu khoảng 500 triệu đồng/ao, trừ chi phí đi còn lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng, chỉ thu hoạch 2 vụ là đủ khấu hao đầu tư cơ sở vật chất cho một ao. Như vậy, khả năng hoàn vốn là rất nhanh.

Hiện nay, ông Bùi Ngọc Liêm (chủ đầm tôm ở khu 9, Hải Hoà, Chủ tịch Hiệp hội nghề cá TP Móng Cái) đã đưa vào nuôi tôm chân trắng trong 2 ao với diện tích 4.000m2 và tiếp tục xây dựng, mở rộng hệ thống ao nuôi khép kín để đưa vào nuôi thả trong thời gian tới.

Ông cho biết, đầu tư ban đầu cho hệ thống ao này rất tốn kém nhưng lợi thì rất nhiều. Ngoài việc nuôi tôm trong vụ đông với năng suất và lợi nhuận cao, ao nuôi khép kín cũng có thể sử dụng cho vụ hè mà không cần mái che, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cải tạo ao đầm giữa các vụ.

Để mở rộng mô hình nuôi tôm khép kín và thúc đẩy phát triển nuôi trồng thuỷ sản, các hộ nuôi trồng cũng cần có nguồn vốn nhất định. Ông Liêm cũng cho biết: Với mức đầu tư cao (khoảng 600 triệu đồng/ao có diện tích 2.000m2) thì khó cho việc triển khai mở rộng mô hình đến bà con, bởi khó khăn lớn nhất luôn luôn là vấn đề vốn đầu tư.

Tuy nhiên, chúng tôi sẽ thử nghiệm và tìm cách giúp đỡ bà con thực hiện mô hình này để giảm rủi ro trong mùa dịch bệnh, tăng lợi nhuận cho tôm. Đồng thời, tranh thủ những chính sách hỗ trợ để các hộ có thêm nguồn vốn phát triển nghề nuôi tôm.

Bằng việc áp dụng và triển khai sâu rộng phương thức nuôi tôm công nghệ khép kín, ông Liêm hoàn toàn tin tưởng vào tương lai phát triển bền vững của một vùng nuôi tôm, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho thị trường trong và ngoài nước mà còn mang đến sự ổn định bền vững cho ngành nuôi trồng thuỷ sản Móng Cái.


Có thể bạn quan tâm

Chuyện làm giàu của nông dân Phan Văn Miền Chuyện làm giàu của nông dân Phan Văn Miền

Con đường đất nhỏ ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi tới trang trại rộng trên 3 ha với thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm của anh Phan Văn Miền, xã Yên Mạc (Yên Mô - Ninh Bình) khiến chúng tôi phần nào mường tượng ra con đường vươn lên làm giàu của người nông dân này cũng thật gian nan.

19/10/2015
Quản lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ Biogas Quản lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ Biogas

Tỉnh Sóc Trăng có khoảng 18.600 hộ chăn nuôi, với tổng đàn gia cầm hơn 4,9 triệu con, gia súc hơn 315 ngàn con. Theo Chi cục Thú Y tỉnh, hằng ngày có trên 1.153 tấn chất thải trong chăn nuôi cần xử lý.

19/10/2015
Gặp đại gia sở hữu 25 ha tiêu Gặp đại gia sở hữu 25 ha tiêu

Ở Chư Sê (Gia Lai), nói về đại gia chân đất thì nhiều vô kể, nhưng có một con người mà bất kể ai ngay từ lần gặp đầu tiên cũng đều ấn tượng mạnh, đó là Đào Tiến Tình (SN 1971, thường trú tại huyện Chư Sê).

19/10/2015
Trồng mới 2.000 ha mây và 500 ha tre Trồng mới 2.000 ha mây và 500 ha tre

Ngày 16/10, Dự án Mây Tre Keo bền vững WWF-Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn kế hoạch phát triển ngành Mây Tre tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2015 - 2020.

19/10/2015
Loay hoay cây mía củ gừng Loay hoay cây mía củ gừng

Cái vòng luẩn quẩn, tìm chỗ đứng cho loài cây bám trụ trên đất rẫy ở Thới Bình (Cà Mau), vẫn cứ bấp bênh từ nhiều năm nay. Vùng đất phèn mặn này trước đây người nông dân trồng cây khóm, cây tràm rồi cây trúc…

19/10/2015