Toàn Tỉnh Tập Trung Chống Hạn
Trước tình hình hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, vừa qua, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị bàn biện pháp chống hạn, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thời tiết gây ra.
Căng thẳng nguồn nước
Theo Sở NN-PTNT, lượng mưa trên địa bàn tỉnh trong gần 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt 41% so với cùng kỳ. Riêng ở các huyện ven biển lượng mưa chỉ đạt từ 25 - 30% so với trung bình cùng kỳ nhiều năm. Hiện lượng nước tại các hồ chứa trong tỉnh chỉ còn 206/575 triệu m3 , đạt 36% dung tích thiết kế. Đáng quan ngại là đã có 112/165 hồ cạn nước, trong đó huyện Phù Mỹ có 41/44 hồ, Phù Cát 21/22 hồ, Tây Sơn 17/24 hồ, Hoài Nhơn 12/17 hồ, Vân Canh có 5/5 hồ.
Nắng hạn gay gắt kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến đời sống sản xuất của người dân. Hiện toàn tỉnh có 12.067 ha cây trồng bị hạn, trong đó có 7.616 ha lúa, còn lại là cây màu, diện tích cây trồng bị mất trắng do khô hạn và bị xâm nhập mặn là 787 ha. Nếu trong thời gian tới không có mưa lớn, sẽ có thêm 7.623 ha cây trồng bị hạn.
Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng bị tác động xấu bởi hạn hán. Do các hồ chứa nước bị khô cạn, nên hiện nay Trạm Nuôi trồng thực nghiệm thủy sản Mỹ Châu đã phải ngừng sản xuất cá giống. Việc bảo vệ đàn cá giống của đơn vị này đã và đang gặp rất nhiều khó khăn.
Diện tích mặt nước sử dụng để nuôi trồng thủy sản cũng giảm mạnh. Đến nay, nông dân các địa phương mới chỉ sử dụng 1.181 ha mặt nước ngọt và 1.891 ha mặt nước lợ để nuôi tôm, cá. Ngoài ra, nhiều địa phương trong tỉnh đã xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ chăn nuôi gia súc.
Dốc sức chống hạn
Tại Hội nghị trực tuyến bàn các biện pháp chống hạn do UBND tỉnh tổ chức, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT, cho rằng: Tỉnh ta cần thông tin kịp thời, chính xác tình hình hạn hán để người dân biết, nhằm chia sẻ khó khăn và cùng tham gia chống hạn.
Đối với hoạt động cấp nước, nên ưu tiên cấp nước theo thứ tự: Nước sinh hoạt cho người dân; cho vật nuôi; nuôi trồng thủy sản; vùng sản xuất lúa giống, cánh đồng mẫu lớn (ưu tiên cấp nước tưới cho diện lúa trỗ và khu vực trong kế hoạch để bảo đảm thu hoạch); vùng ven đê Đông để chống xâm nhập mặn, xì phèn. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố phát huy tối đa công suất các công trình cấp nước (CTCN) hiện có để cấp nước cho dân.
Bên cạnh đó, hỗ trợ người dân khoan, đào thêm giếng (ở nơi có điều kiện) và đào sâu thêm, âm bộng các giếng nước hiện có để lấy nước phục vụ sinh hoạt. Đối với những vùng gần CTCN, hỗ trợ kinh phí để dân mua nước; nơi không có điều kiện phải sử dụng nước sông, suối thì hướng dẫn người dân lắng, lọc nước để tắm giặt, còn nước uống thì sử dụng nước bình.
Đối với nguồn nước phục vụ sản xuất, các địa phương kiểm tra lại nguồn nước tại các công trình thủy lợi, trên cơ sở đó khoanh vùng tưới và thông báo cụ thể khu vực có thể cung cấp đủ nước tưới để các địa phương chỉ đạo sản xuất phù hợp.
Tu bổ, nạo vét kênh mương; đắp đập tạm tận dụng dòng chảy trên các sông, suối nhỏ; củng cố và khôi phục ngay hoạt động của các tổ, đội thủy nông nội đồng để dẫn thủy, điều tiết nguồn nước, hạn chế thất thoát nước và tranh chấp nguồn nước.
Riêng đối với Sở NN-PTNT, hiện đang phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, hướng dẫn quy trình chống hạn; thành lập Ban chỉ đạo chống hạn và thành lập 3 tổ công tác phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức chỉ đạo, triển khai các giải pháp phòng chống hạn. Sở đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thường xuyên thông báo độ mặn ở các đầm phá cho các xã ven đầm chủ động bơm tát và điều tiết cấp nước kịp thời để chống xâm nhập mặn.
Sở cũng đã chỉ đạo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phát huy hết công suất các CTCN để phục vụ nhân dân; đẩy nhanh tiến độ mở mạng cấp nước tại CTCN Cát Nhơn (huyện Phù Cát) để cấp nước cho dân. Sở đã chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi tận dụng dòng chảy cơ bản các sông suối, lượng nước thủy điện An Khê Kanak, điều tiết hợp lý lượng nước do công ty quản lý để chống hạn và hỗ trợ cho các nhu cầu khác.
Tại Hội nghị, lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố đều bày tỏ lo ngại về tác động xấu của nắng hạn đối với đời sống, sản xuất của người dân. Hiện các địa phương cũng đã kiểm tra cụ thể nguồn nước tại các hồ chứa nước và thông báo cho người dân biết để chủ động chống hạn.
Trên cơ sở đó, khoanh những vùng đảm bảo được nước tưới, đồng thời tận dụng tối đa lượng nước còn lại từ các hồ chứa để cung cấp cho các vùng bị thiếu nước nghiêm trọng.
Các địa phương cũng đã nạo vét kênh mương, khơi dòng sông, suối, đắp các đập bổi để phục vụ nước tưới; củng cố các tổ đội thủy nông dẫn thủy nhập điền và hướng dẫn nông dân tưới tiết kiệm nước; vận động nông dân đóng giếng lấy nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Các địa phương đề nghị tỉnh hỗ trợ thêm kinh phí chống hạn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hữu Lộc yêu cầu ngành chức năng, chính quyền các địa phương xem công tác phòng chống hạn là vấn đề quan trọng và cấp bách nhất hiện nay.
Củng cố Ban chỉ đạo chống hạn từ tỉnh đến cơ sở, phân công cụ thể nhiệm vụ từng thành viên đứng chân địa bàn để phối hợp thực hiện. Cần phải tập trung giải quyết bức xúc nước sinh hoạt cho nhân dân. Ngành Nông nghiệp tỉnh và các địa phương phải phát huy hết công suất các CTCN đã xây dựng để cấp nước cho dân.
Chính quyền các địa phương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn hướng dẫn người dân đào, đóng giếng, lấy nước ngầm phục vụ sinh hoạt; áp dụng linh hoạt nhiều hình thức đưa nước sinh hoạt đến các vùng không có nguồn nước để cấp cho dân.
Đối với sản xuất, ngành chức năng và chính quyền các địa phương phải khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có thể cứu được. Thực hiện nhiều biện pháp để cứu cây trồng và cung cấp nước cho vật nuôi. UBND tỉnh cho phép các địa phương lấy nguồn kinh phí dự phòng và tiền cấp bù thủy lợi phí để phục vụ công tác chống hạn.
Có thể bạn quan tâm
Bà Lưu Thị Tám, chủ trại gà Tám Lợi vốn xuất thân từ một gia đình khó khăn ở xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (Hải Dương).
Phát huy tiềm năng sẵn có, bà con nông dân huyện Long Mỹ (Hậu Giang) đã khai thác diện tích mặt nước trên ruộng vào mùa nước nổi để nuôi cá.
Tổ hợp tác nông dân ra đời trên cơ sở tự nguyện, cùng nhau xây dựng mô hình nông dân hợp tác liên kết SX tập trung quy mô lớn trên cùng một cánh đồng, nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong SX, giảm chi phí và tăng thu nhập.
Từ đầu năm 2015 đến nay, người nuôi ngao ở Nghệ An rơi vào cảnh trắng tay. Tình hình này khiến nhiều hộ nuôi ngao điêu đứng.
Chi cục Thủy sản Bắc Giang vừa phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Yên Dũng triển khai 10 ha nuôi cá thâm canh cao tại 2 xã Yên Lư (5 ha) và Đồng Việt (5 ha).