Phú Yên Chuyển Đổi Cây Trồng Trên Đất Lúa Bước Đầu Hiệu Quả
Thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh Phú Yên đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đảm bảo nguồn nước, năng suất thấp để hình thành những vùng sản xuất rau màu cho hiệu quả kinh tế cao.
Mới đây, gia đình anh Phạm Văn Thành ở xã Hòa Xuân Tây (Đông Hòa) thu được 17 tạ trên diện tích 0,5ha đậu phộng, bán với giá 20.000 đồng/kg; sau khi trừ chi phí lãi trên 30 triệu đồng.
Anh Thành cho hay: Ruộng nhà tôi ở khu đất pha cát nên năng suất đậu phộng chỉ đạt 34 tạ/ha. Nhiều người xung quanh trồng đậu phộng ở khu đất có độ ẩm tốt, năng suất lên đến 40 tạ/ha. Gần đó là thửa ruộng 3 sào của bà Trần Thị Thìn, cạnh kênh, nhưng ở khu vực cao; mấy năm trước trồng lúa, nước tưới không đủ.
Vừa qua, bà Thìn quyết định chuyển sang trồng đậu phộng, hiệu quả cao hơn nhiều so với trồng lúa. Theo bà Thìn, loại cây này bắt đầu xuống giống từ tháng 1 đến đầu tháng 4 thì thu hoạch.
Nếu trồng lúa gặp thời tiết nắng hạn thì chỉ có mất trắng, còn trồng đậu phộng thì vẫn có thu nhập do cây chịu được nắng hạn.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thuận, Phó phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, hiện xã Hòa Xuân Tây có 20ha với 79 hộ dân tham gia mô hình trồng đậu phộng. Đây là giống đậu phộng TB25 do Công ty cổ phần Giống cây trồng Thái Bình cung cấp, năng suất đạt từ 34 đến 42 tạ/ha, lãi ròng trên 66 triệu đồng/ha.
Tại huyện Đồng Xuân, những ngày này, người dân xã Xuân Sơn Nam đang thu hoạch rộ đậu xanh. So với các sản phẩm khác thì giá đậu xanh vẫn giữ mức 26.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Dũng, một người dân ở đây cho biết: Bà con thực hiện tưới nước luân canh ngập - khô xen kẽ khi trồng đậu xanh nên cây phát triển tốt, cho năng suất cao.
Theo ông Lê Mến Thương, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Sơn Nam, toàn xã có trên 15ha đậu xanh, năng suất đạt 20 tạ/ha.
Ông Cao Văn Tiên, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết, toàn huyện trồng 400ha đậu xanh, trà đầu đang vào thời kỳ thu hoạch, năng suất bình quân đạt 19 tạ/ha. Riêng các cánh đồng ở xã An Hiệp, An Thạch, nơi triển khai mô hình luân canh cây đậu xanh với rau màu, nông dân thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ở huyện Phú Hòa, phong trào chuyển đổi cây lúa sang trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế đang được nhiều người dân thực hiện. Ông Võ Đình Trọng, nông dân ở xã Hòa Định Tây, nhờ áp dụng mô hình xen canh trồng dưa hấu, ớt, bắp kết hợp trồng cỏ nuôi bò đã “phất” lên. Với 0,7ha, hằng năm, ông Trọng thu trên 110 triệu đồng.
Theo ông Trọng, cây bắp sau khi thu hoạch trái non được người dân sử dụng để nuôi bò. Ngoài ra, phân bò có thể tận dụng để cải tạo đất hoặc bón cho cây xoài giảm bớt chi phí phân bón.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Việc chuyển đổi cây trồng giúp nông dân đưa các loại cây màu như dưa, đậu, bắp, rau... vào luân canh trên đất trồng lúa cho năng suất thấp đã tạo được hiệu quả kinh tế. Để đạt năng suất cao, bà con nên áp dụng kỹ thuật trồng phủ bạt, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy hiện nay việc chuyển đổi đất lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây màu chưa được triển khai rộng nhưng bước đầu mô hình này đã góp phần chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất nông nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 7-11, tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) cùng Công ty cổ phần khử trùng Việt Nam (VFC) và Công ty Syngenta Việt Nam hợp tác để đưa ra phương pháp xử lý tuyến trùng cho cây cà phê tái canh.
Trung tâm Giống Nông nghiệp đang triển khai thực hiện Đề tài nuôi vỗ đàn cá tra được cải tạo di truyền thành cá tra bố mẹ, nhằm giúp các hộ sản xuất giống cá tra trong tỉnh Bến Tre có đàn cá bố mẹ được chọn lọc di truyền, cho ra những thế hệ con giống có tỷ lệ thịt phi lê cao và tăng trưởng nhanh.
Tỉnh Đồng Tháp hiện có 146 cơ sở sản xuất kinh doanh và 1.264 cơ sở ương giống thuỷ sản; đặc biệt, trong đó có 1.174 cơ sở nhân giống cá tra, sản xuất được hơn 28 tỷ cá bột và trên 2 tỷ cá tra giống. Các cơ sở không những cung ứng đủ giống cá tra trong tỉnh mà còn cung ứng 60 - 70% cá tra giống cho các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Bao đời nay đời sống của người dân tại các vùng ven biển Quảng Trị nói chung và xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong nói riêng chủ yếu dựa vào nghề biển. Từ năm 2008, khi phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng rộ lên với nhiều gia đình trúng tiền tỷ từ con tôm thì giấc mơ đổi đời từ tôm đã có sức hút mạnh mẽ đối với người dân. Nhiều gia đình đã bỏ nghề đi biển để đầu tư tiền bạc, công sức vào nuôi tôm. Tuy nhiên, phần lớn người nuôi tôm cũng chỉ trúng vài vụ đầu, đến nay do dịch bệnh tràn lan đã khiến hàng trăm hộ gia đình nơi đây lâm vào cảnh nợ nần.
Vốn đầu tư không nhiều; thị trường rất tiềm năng; kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng đơn giản; rủi ro ít, thức ăn tiêu tốn chỉ bằng 1/3 heo nhà… Đó là những lợi thế vượt trội của việc nuôi heo rừng hiện nay. Ông Nguyễn Văn Bồng, ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn (Bình Định) cho biết như vậy.