Mô Hình Nuôi Tôm Càng Xanh - Cần Nguồn Giống Chất Lượng
Mô hình nuôi tôm càng xanh huyện Tam Nông dần mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều địa phương nhân rộng. Tuy nhiên, trong 2 năm nay chất lượng nguồn tôm giống đã ảnh hưởng nhiều đến chất lượng, năng suất sau thu hoạch. Vì vậy, nhu cầu có trạm cung cấp giống chất lượng là chất xúc tác mạnh để mô hình giàu tiềm năng tiếp tục phát huy hiệu quả...
Trong năm qua, toàn huyện đã thả nuôi trên 750ha tôm càng xanh, tập trung ở các xã: Phú Thành A, B, Phú Thọ, thị trấn Tràm Chim. Theo thống kê của Trạm Thủy sản huyện, sản lượng tôm thu hoạch đạt 903 tấn. Tuy nhiên, tôm đạt kích cỡ loại 1, loại 2 thấp. Trong khi đó, năng suất năm nay giảm, chi phí đầu tư lại tăng 54.000 đồng/kg. Chính những yếu tố đó mà có đến 70% số hộ nuôi bị thua lỗ, số còn lại lãi ít hoặc hòa vốn.
Kỹ sư Nguyễn Sỹ Khánh - Trưởng Trạm Thủy sản huyện Tam Nông cho hay: “Mô hình nuôi tôm càng xanh trong những năm qua đã phát huy thế mạnh, nhiều gia đình vươn lên khá giàu, mỗi hecta thu lãi 50-70 triệu đồng. Tuy nhiên, khoảng 2 năm nay người nuôi có dấu hiệu thua lỗ, nguyên nhân chính là do chất lượng con giống chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi (sử dụng con giống trôi nổi) dẫn đến thiệt hại cả năng suất và chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường.”.
Theo ông Khánh, trên địa bàn tỉnh có 26 trại cung cấp tôm giống, tuy nhiên chỉ mới đáp ứng được 25-30% nhu cầu con giống cho người nuôi. Trong khi đó, đến thời gian thả tôm đồng loạt, nhu cầu sử dụng tăng mạnh, cung cầu chênh lệch, buộc người tiêu dùng phải mua tôm giống trôi nổi và đối mặt với tỷ lệ tôm sống thấp, thời gian nuôi kéo dài và dẫn đến thua lỗ. Vì thế người nuôi rất dè dặt khi mở rộng diện tích”.
Ông Hứa Văn Điển, xã Phú Thành A chia sẻ: “Năm 2012, hầu hết người nuôi tôm đều thua lỗ do tôm phát triển chậm. Nhiều trại giống sử dụng tôm thịt về làm tôm bố mẹ nên chất lượng con giống không đạt. Hiện nay, điều bà con nuôi tôm cần nhất là có nơi cung cấp đầy đủ con giống chất lượng để yên tâm sản xuất”.
Ngoài ra, việc nuôi không đạt hiệu quả là do nguồn nước ô nhiễm, nhiều vùng nuôi tôm bị ảnh hưởng bởi các hộ nuôi cá tra xung quanh xả nước không được xử lý triệt để. Ông Điển đề xuất: “Cần có quy hoạch vùng nuôi tôm và nuôi cá tra riêng để hạn chế thấp nhất sự ảnh hưởng đến đối tượng nuôi khác, nhất là với tôm”.
Theo người nuôi tôm, ngoài cải thiện chất lượng con giống, yếu tố cần thiết đó là đầu ra của sản phẩm, tránh tình trạng thương lái ép giá. Theo báo cáo của huyện Tam Nông, do thị trường kinh tế khó khăn không có doanh nghiệp đến thu mua trực tiếp, sản lượng tôm thu hoạch đồng loạt nên thương lái ép giá.
Ông Lê Thành Công, Phú Thành B chia sẻ: “Trong thời gian đầu, tôm vào đợt thu hoạch cộng với chất lượng tôm chưa cao dẫn đến thương lái ép giá. Theo tính toán, bình quân tất cả kích cỡ tôm khi thu hoạch người nuôi phải chịu rẻ hơn 45 triệu đồng/tấn so với năm rồi. Trong điều kiện hiện nay, huyện cần tăng cường mời gọi doanh nghiệp liên kết thu mua sản phẩm với nhiều công ty hơn để đầu ra cho sản phẩm được ổn định, hạn chế việc chỉ tập trung vào một đầu mối vì nguy cơ “hủy kèo” sẽ rất cao”.
Ông Nguyễn Sỹ Khánh - cho biết: Thời gian qua, việc tiêu thụ sản phẩm cũng gặp khó khăn do chưa có sự ràng buộc giữa người dân và doanh nghiệp. Hướng tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác trên. Hiện nay, để tôm trên địa bàn phát huy thế mạnh thì cần làm tốt hơn các yếu tố khác như đầu tư xây dựng trạm cung cấp giống, cộng với việc liên kết sản phẩm chất lượng cao và xây dựng thành công được nhãn hiệu hàng hóa”.
Trong năm 2013, kế hoạch toàn huyện sẽ thả nuôi 1.000ha, nhưng đến nay chỉ thả được khoảng 100ha, vì điều kiện thời tiết còn nắng nóng thả tôm sẽ bị sốc, dẫn đến hao hụt nhiều. Thông tin từ Trạm Thủy sản, vào cuối tháng tư là điều kiện thả nuôi tốt nhất, mặc dù trễ so với kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Từ năm 2015 UBND huyện Bến Lức, tỉnh Long An đã chỉ đạo cho Phòng Nông nghiệp và PTNT cùng với Trạm Khuyến nông tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ heo giống chất lượng cao cho bà con chăn nuôi tại các xã quy hoạch phát triển chăn nuôi của huyện.
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu con nuôi có giá trị kinh tế cao, xã Thiệu Hợp đã tổ chức cho một số hộ dân học tập kinh nghiệm mô hình nuôi con nuôi đặc sản: rùa, ba ba, rắn, nhím...
Ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào chăn nuôi không những giúp người chăn nuôi giảm chi phí đầu tư, tăng sức đề kháng cho vật nuôi, mà còn góp phần cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước do chất thải trong chăn nuôi gây ra...
Kỳ cuối: Đổi mới sáng tạo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có hơn 70% dân số tham gia hoạt động nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và các ngành liên quan.
Do nắng hạn nên vụ lúa Hè – Thu năm 2015 trên địa bàn thành phố Tân An (Long An) gieo sạ trễ hơn dự tính. Tính đến ngày 23 tháng 9, diện tích thu hoạch khoảng 2.000 ha trên diện tích 2.895 ha gieo sạ.