Để Nuôi Thỏ Phát Triển Bền Vững

Thời gian gần đây, những người nuôi thỏ đang vui mừng trước thông tin có một công ty của Nhật sẽ thu mua thỏ nguyên liệu về làm dược phẩm với số lượng lớn và giá cả ổn định. Trước cơ hội này, nhiều nông dân muốn bắt tay vào nuôi hoặc mở rộng đầu tư quy mô lớn.
Nuôi thỏ thoát nghèo
Nuôi thỏ khá đơn giản, thức ăn chủ yếu là cỏ cây, hoa lá mọc tự nhiên và những phế phẩm của nông nghiệp: cây ngô, cây đỗ tương, cỏ voi... Không những thế, nuôi thỏ cũng không quá tốn công sức mà lại cho lại hiệu quả kinh tế cao. Với giá bán thỏ hơi hiện tại là 70.000 đồng/kg, sau 3 tháng nuôi, trọng lượng đạt 2,2kg, xuất bán được 154.000 đồng và sau trừ chi phí giống, công chăm sóc, thức ăn cho lãi 70.000 đồng.
Với đặc tính sinh sản nhanh, giống thỏ New Zealand nếu nuôi đúng kĩ thuật thì mỗi năm, một thỏ sinh sản có thể đẻ 6 - 7 lứa, mỗi lứa đẻ từ 5 - 7 con. Hộ trung bình có 50 con thỏ nái và trên 1.200 con thỏ thương phẩm sau khi trừ chi phí còn lãi gần 100 triệu đồng/năm.
Tuy nhiên, để nghề nuôi thỏ phát triển bền vững, hiệu quả thì đầu ra cho thỏ thương phẩm là vấn đề sống còn. Chính vì vậy, niềm vui lớn đã đến với người chăn nuôi thỏ khi Nhà máy Công nghiệp sinh học Konishi (sản xuất dược liệu có thành phần chiết xuất từ thỏ) được Công ty Dược phẩm Nippon Zoki (Nhật Bản) khởi công đầu tháng 6/2013 sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014 tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
Đây được xem là một cơ hội lớn cho người nuôi thỏ bởi khi đi vào hoạt động, nhà máy tiêu thụ 3.700 con thỏ/ngày, giống thỏ trắng New Zealand. Và không chỉ đảm bảo đầu ra cho thỏ thương phẩm, Công ty Dược phẩm Nippon Zoki còn cam kết giá mua không dưới 65.000 đồng/kg.
Tháng 5/2013, Phó tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Konishi Việt Nam và Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Văn Bình - Cố vấn cao cấp Công ty, Giám đốc Dự án thỏ Việt - Nhật đã lên tham quan các mô hình nuôi thỏ ở Yên Bái. Đoàn công tác khẳng định, điều kiện ở đây thích hợp với giống vật nuôi này.
Trực tiếp ông Yamane - Phó tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Nippon Zoki Nhật Bản, Tổng giám đốc Công ty Công nghệ sinh học Konishi Việt Nam cam kết trở thành bạn hàng lâu dài tiêu thụ toàn bộ thỏ thương phẩm của người chăn nuôi.
Trong thời gian tới, doanh nghiệp này sẽ ký hợp đồng trực tiếp với Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh Lương Thịnh, xã Lương Thịnh (Trấn Yên) làm đầu mối tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho người chăn nuôi khu vực Yên Bái. Đây có thực sự mở ra một cơ hội lớn cho người chăn nuôi thỏ trong tỉnh hay không vẫn là một câu hỏi lớn…
Ông Vũ Huy Quang - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh Lương Thịnh là người thành công trong nghề nuôi thỏ từ năm 2008 và được Giám đốc Dự án thỏ Việt - Nhật giao trọng trách làm Trưởng trạm Quản lý cung tiêu - Phát triển chăn nuôi thỏ khu vực Tây Bắc cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh Yên Bái có 50 - 60 trại nuôi thỏ nhưng chỉ có 20 trại có từ 200 đến 1.500 con, trong khi nhà máy cần số lượng lớn.
Theo thống kê của tôi, thời điểm này, mỗi ngày, Yên Bái có thể cung cấp cho nhà máy 200 con mà nhà máy cần tới 3.700 con. Điều đó cho thấy, nhu cầu về nguyên liệu là rất lớn”.
Cần sự vào cuộc của các ngành chức năng
Là một tỉnh miền núi còn nghèo, việc trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững là cả một vấn đề nan giải. Bài học về sự phát triển theo phong trào, thiếu sự liên kết và sự vào cuộc của “4 nhà” trong sản xuất khoai tây ở Văn Chấn, gấc cao sản ở thành phố Yên Bái, huyện Lục Yên hay như chăn nuôi nhím… vẫn còn nguyên giá trị.
Nuôi thỏ không khó, vốn đầu tư không nhiều nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm rất khó khăn. Hiện nay, trên địa bàn, người nuôi thỏ chủ yếu bán qua các tư thương tiêu thụ làm thực phẩm là chính nên số lượng tiêu thụ có hạn.
Trước thông tin có Công ty TNHH Nippon Zoki - Việt Nam xây dựng Nhà máy Công nghiệp sinh học Konishi (sản xuất dược liệu có thành phần chiết xuất từ thỏ) khởi công đầu tháng 6/2013 và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2014 tại huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, có rất nhiều hộ dân nông thôn muốn đầu tư nuôi thỏ bán cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là Công ty TNHH Nippon Zoki - Việt Nam sẽ thu mua như thế nào, giá cả làm sao, thời gian thu mua bao lâu, con giống mua ở đâu…
Khi nói về vấn đề này, anh Phạm Đức Toàn, tổ 30, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) hiện là Hội trưởng Hội chăn nuôi thỏ tỉnh Yên Bái cho biết: “Công ty TNHH Nippon Zoki đã cử người lên trao đổi ký kết hợp đồng thu mua thỏ nguyên liệu nhưng vì trong hợp đồng có khoản ghi phải chăn nuôi theo quy trình của Công ty mà hiện nay, người nuôi thỏ không biết quy trình ấy như thế nào... Thêm một vấn đề nữa, doanh nghiệp dự kiến sẽ là đầu mối cung cấp thức ăn, thuốc thú y thì giá cả, chất lượng sẽ ra sao…
Là người nuôi thỏ lâu năm, từ trước đến nay, chúng tôi chỉ cung cấp cho thị trường thành phố Yên Bái và cũng có một số công ty ở Hà Nội đặt mua thỏ thương phẩm nhưng số lượng không nhiều, nay có công ty nước ngoài ký hợp đồng thì tốt thôi.
Chúng tôi sẽ có thêm cơ hội mở rộng chăn nuôi nhưng vấn đề quan trọng là doanh nghiệp và người chăn nuôi phải có những hợp đồng kinh tế thu mua sản phẩm phù hợp thì chăn nuôi mới phát triển bền vững”.
Rõ ràng, câu chuyện về chăn nuôi thỏ vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Người thì cho đây là cơ hội. Người thì cho rằng, người ta tạo phong trào nuôi để bán giống là chính.
Trước những thực tế đó, để chăn nuôi thỏ phát triển bền vững, góp phần xóa đói giảm nghèo, thiết nghĩ, ngành chức năng cần vào cuộc tìm hiểu rõ thị trường giúp người chăn nuôi cũng như làm tốt công tác quản lý chăn nuôi.
Trước khi đầu tư nuôi con gì, trồng con gì cần tính toán kỹ lưỡng từ đầu vào đến đầu ra cũng như áp dụng kỹ thuật để sản xuất an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ chăn nuôi thỏ như chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm... Sản xuất theo hiệu ứng phong trào, thiếu sự quy hoạch, quản lý Nhà nước thì rất khó thành công.
Hiện toàn tỉnh Yên Bái mới có chưa đầy 100 hộ nuôi thỏ mà thị trường đã khó khăn, giờ có vài trăm hộ nuôi thì thỏ bán cho ai và lúc đó, giá có còn cao như hiện nay hay là lại dẫm lên “vết xe đổ” của nhím? Thiết nghĩ, Công ty TNHH Nippon Zoki đã đầu tư xây dựng Nhà máy Công nghệ sinh học sản xuất dược phẩm với nguồn nguyên liệu chiết xuất từ da thỏ trắng thì cũng nên phối hợp với các nhà quản lý, người nông dân và đầu tư kinh phí con giống, thức ăn cho nông dân, sau đó thu mua lại sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Nhìn chậu vườn đu đủ cảnh đang phát triển tốt với quả đang ra dày đặc, anh Nghĩa cho biết; Phong trào trồng đu đủ cảnh chưng Tết xuất hiện ở miền Nam từ lâu, giúp nông dân các tỉnh thu lại lợi nhuận cao, mà chưa thấy ở Huế nên tôi học hỏi trồng thử. Mùa Tết năm nay, đu đủ cảnh mang thương hiệu Huế sẽ đến với những người có nhu cầu...

Theo đánh giá của bà con nông dân, đây là giống táo phù hợp với đồng đất của địa phương, có khả năng cho quả ngay từ năm đầu. So với các giống táo khác, táo Đài Loan BG1 chín muộn hơn và cho thu hoạch vào dịp Tết Nguyên đán nên có giá trị kinh tế cao hơn. Đa số người trồng mong muốn tiếp tục được tạo điều kiện để mở rộng diện tích trong các vụ tiếp theo.

Giá bán thanh long nghịch vụ (xông đèn) hiện nay đứng ở mức 13.000 đồng - 15.000 đồng/kg. Gíá thành 1kg thanh long nghịch vụ khoảng 7.000 đồng. Như vậy, người trồng thanh long nghịch vụ lãi bình quân 6.000 đồng - 8.000/kg. Một công (1.000 m2) trồng thanh long nghịch vụ cho năng suất khoảng 2 tấn trái, người trồng thanh long lãi khoảng 12 triệu đồng - 16 triệu đồng. Một năm người trồng có thể thu hoạch từ 2 - 3 đợt thanh long nghịch vụ.

Sau gần 10 năm bén rễ trên đất Lai Vung (Đồng Tháp), diện tích trồng cây dưa lê của toàn huyện không ngừng tăng lên. Ban đầu chỉ vài hecta, đến nay diện tích trồng dưa lê của huyện đã tăng lên 120 ha, dự kiến trong năm tới diện tích trồng dưa lê sẽ tiếp tục được mở rộng. Nhờ làm tốt công tác liên kết tiêu thụ, giá cả hợp lý nên những năm qua, nhiều gia đình cải thiện được thu nhập và thoát nghèo nhờ trồng dưa lê.

Thời điểm này, nhiều hộ nông dân huyện Tân Yên (Bắc Giang) đang vào mùa thu hoạch ổi. Chị Nguyễn Thị Thúy, thôn Dinh Thẳm, xã Cao Xá cho biết: Giống ổi được trồng ở các hộ trong thôn có nguồn gốc từ Hải Dương theo phương pháp ghép mắt. Sau một năm trồng là được thu quả, ổi cho thu hoạch từ tháng 7 năm trước đến tháng 2 năm sau. Muốn cây ra quả trái vụ mà vẫn giữ được năng suất và chất lượng tốt, phải hãm không cho lộc ra vào mùa chính.