Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Nuôi Cá Lồng Ở Chiềng Hoa (Mường La, Sơn La)

Mô Hình Nuôi Cá Lồng Ở Chiềng Hoa (Mường La, Sơn La)
Ngày đăng: 25/02/2015

Để nghề nuôi cá lồng bè phát triển bền vững, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã triển khai mô hình nuôi cá trắm thương phẩm ở xã Chiềng Hoa (Mường La, Sơn La) đem lại hiệu quả rõ rệt.

Ngồi trên thuyền trên lòng hồ ra khu nuôi cá lồng, ông Lường Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hoa bảo: tận dụng lợi thế mặt nước rộng, người dân trong xã phát triển nghề nuôi cá trắm cỏ lồng bè trên lòng hồ thủy điện đã nhiều năm nay.

Tuy nhiên bà con luôn lo lắng về bệnh dịch vì năm nào cũng xảy ra dịch bệnh viêm ruột, trùng quả dưa, đốm đỏ... làm cá chết hàng loạt. Trong khi đó, bà con chủ yếu nuôi cá theo kinh nghiệm, chưa có phương pháp phòng trừ, việc chữa trị còn lúng túng, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của các hộ nuôi...

Tháng 3-2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã khảo sát và lựa chọn 2 hộ nông dân xã có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện dự án nuôi cá trắm cỏ thương phẩm trong lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Chi cục phân tích: Bà con nuôi cá lồng thường là làm lồng bằng gỗ qua loa sơ sài; dự án sử dụng lồng khung thép mỗi lồng có thể tích 108 m3, gồm 6 ô, lưới bao quanh lồng dệt bằng sợi dù, đặt cách bờ 3-5 mét để bảo đảm dòng chảy được lưu thông qua lồng, thuận tiện chăm sóc, quản lý.

Môi trường nước luôn ổn định độ pH, không có rác thải sinh hoạt. Mật độ thả mỗi lồng khoảng 10 con/m3, giống cá cũng được chọn lọc kỹ càng. Ngoài những loại thức ăn thông thường do bà con tự chế biến, cá dự án còn được ăn thức ăn viên và viên tỏi để tăng sức đề kháng...

Qua đánh giá sơ bộ, mô hình nuôi cá trắm cỏ thương phẩm trong lồng bè do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản thực hiện trên địa bàn xã Chiềng Hoa rất hiệu quả. Gia đình ông Lường Văn Chiêm ở bản Tả là một trong 2 hộ thực hiện mô hình, nói: tháng 4-2014, Chi cục đã cấp cho gia đình 600 con cá giống, đồng thời hỗ trợ kinh phí tu sửa và nâng cấp hệ thống lồng nuôi cá. Ban đầu, mỗi con cá trắm cỏ giống chỉ tầm 0,15 kg, nhưng đến nay, mỗi con đều nặng khoảng 1,5kg. Với đà này, đến tháng 10 năm nay, trọng lượng cá phải đạt bình quân hơn 2kg/con.

Còn ông Cầm Văn Phát, hộ nuôi cá ở lồng kế bên phấn khởi: Bình thường, tỷ lệ cá nuôi sống đạt 60% là bà con đã có lãi rồi. Cá dự án lớn nhanh hơn cách nuôi truyền thống… Điều chúng tôi yên tâm tin tưởng nhất là đến thời điểm này cá lớn nhanh, sức đề kháng cao, không có dịch bệnh...

Với thời gian nuôi từ 12 - 18 tháng, 1 lồng nuôi cá trắm cỏ có thể cho thu trên 1 tấn cá, với giá bán hiện nay từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập ước tính trên 90 triệu đồng/lồng. Từ kết quả những hộ nuôi thả cá thí điểm đạt hiệu quả, thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần giải quyết bài toán khó khăn về việc làm và thu nhập cho nhiều hộ dân của xã Chiềng Hoa.


Có thể bạn quan tâm

Để Người Nuôi Tôm, Cá Tra Hết Lo Để Người Nuôi Tôm, Cá Tra Hết Lo

Ngày 16-4-2014, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 540/QĐ-TTg về chính sách tín dụng đối với người nuôi tôm và cá tra. Quyết định quy định việc xử lý đối với các khoản nợ quá hạn và nợ đã được cơ cấu của khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và trả nợ tổ chức tín dụng (TCTD) đến ngày 31-12-2013.

28/04/2014
Xuất Khẩu Thủy Sản Đạt 2,2 Tỷ USD Trong 4 Tháng Xuất Khẩu Thủy Sản Đạt 2,2 Tỷ USD Trong 4 Tháng

Hoa Kỳ vẫn duy trì được vị trí là thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 24,59% tổng giá trị xuất khẩu.

28/04/2014
Xây Dựng Mô Hình Nuôi Bò Thịt Chất Lượng Cao Tại Ba Tri (Bến Tre) Xây Dựng Mô Hình Nuôi Bò Thịt Chất Lượng Cao Tại Ba Tri (Bến Tre)

Bến Tre có tổng đàn bò phát triển khá lớn, trên 155.000 con. Chất lượng đàn bò ngày càng nâng lên, trọng lượng bò đực trên 700kg, tốc độ tăng trọng nhanh từ 650-850 g/ngày, tỷ lệ xẻ thịt cao từ 49%-51%. Công tác thụ tinh nhân tạo được người nuôi ngày càng quan tâm.

28/04/2014
Rau Tần Dày Lá Phát Triển Ở Lương Phi (An Giang) Rau Tần Dày Lá Phát Triển Ở Lương Phi (An Giang)

Trong khi nông dân trồng lúa, rau màu nhiều nơi đang gặp khó khăn bởi giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định thì nông dân xã Lương Phi (Tri Tôn - An Giang) phấn khởi với mô hình trồng rau tần dày lá – một loại dược liệu được sử dụng trong y học cổ truyền. Đây là mô hình triển vọng do bà con được cung cấp giống, ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, với giá cả ổn định và đảm bảo có lãi.

28/04/2014
Bình Phước Đối Phó Với Dịch Bệnh Trên Cây Cao Su Bình Phước Đối Phó Với Dịch Bệnh Trên Cây Cao Su

Do những diễn biến phức tạp của thời tiết, thời gian qua một số sâu bệnh đã bùng phát trên cây cao su gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng cho người dân. Đặc biệt, tại ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi (Đồng Phú - Bình Phước) có hơn 40 ha cây cao su của nhiều hộ dân bị nhiễm nặng.

28/04/2014