Mô Hình Nuôi Cá Lồng Ở Chiềng Hoa (Mường La, Sơn La)

Để nghề nuôi cá lồng bè phát triển bền vững, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã triển khai mô hình nuôi cá trắm thương phẩm ở xã Chiềng Hoa (Mường La, Sơn La) đem lại hiệu quả rõ rệt.
Ngồi trên thuyền trên lòng hồ ra khu nuôi cá lồng, ông Lường Văn Phận, Chủ tịch UBND xã Chiềng Hoa bảo: tận dụng lợi thế mặt nước rộng, người dân trong xã phát triển nghề nuôi cá trắm cỏ lồng bè trên lòng hồ thủy điện đã nhiều năm nay.
Tuy nhiên bà con luôn lo lắng về bệnh dịch vì năm nào cũng xảy ra dịch bệnh viêm ruột, trùng quả dưa, đốm đỏ... làm cá chết hàng loạt. Trong khi đó, bà con chủ yếu nuôi cá theo kinh nghiệm, chưa có phương pháp phòng trừ, việc chữa trị còn lúng túng, gây thiệt hại lớn đến kinh tế của các hộ nuôi...
Tháng 3-2014, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản đã khảo sát và lựa chọn 2 hộ nông dân xã có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để thực hiện dự án nuôi cá trắm cỏ thương phẩm trong lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Phó Chi cục phân tích: Bà con nuôi cá lồng thường là làm lồng bằng gỗ qua loa sơ sài; dự án sử dụng lồng khung thép mỗi lồng có thể tích 108 m3, gồm 6 ô, lưới bao quanh lồng dệt bằng sợi dù, đặt cách bờ 3-5 mét để bảo đảm dòng chảy được lưu thông qua lồng, thuận tiện chăm sóc, quản lý.
Môi trường nước luôn ổn định độ pH, không có rác thải sinh hoạt. Mật độ thả mỗi lồng khoảng 10 con/m3, giống cá cũng được chọn lọc kỹ càng. Ngoài những loại thức ăn thông thường do bà con tự chế biến, cá dự án còn được ăn thức ăn viên và viên tỏi để tăng sức đề kháng...
Qua đánh giá sơ bộ, mô hình nuôi cá trắm cỏ thương phẩm trong lồng bè do Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản thực hiện trên địa bàn xã Chiềng Hoa rất hiệu quả. Gia đình ông Lường Văn Chiêm ở bản Tả là một trong 2 hộ thực hiện mô hình, nói: tháng 4-2014, Chi cục đã cấp cho gia đình 600 con cá giống, đồng thời hỗ trợ kinh phí tu sửa và nâng cấp hệ thống lồng nuôi cá. Ban đầu, mỗi con cá trắm cỏ giống chỉ tầm 0,15 kg, nhưng đến nay, mỗi con đều nặng khoảng 1,5kg. Với đà này, đến tháng 10 năm nay, trọng lượng cá phải đạt bình quân hơn 2kg/con.
Còn ông Cầm Văn Phát, hộ nuôi cá ở lồng kế bên phấn khởi: Bình thường, tỷ lệ cá nuôi sống đạt 60% là bà con đã có lãi rồi. Cá dự án lớn nhanh hơn cách nuôi truyền thống… Điều chúng tôi yên tâm tin tưởng nhất là đến thời điểm này cá lớn nhanh, sức đề kháng cao, không có dịch bệnh...
Với thời gian nuôi từ 12 - 18 tháng, 1 lồng nuôi cá trắm cỏ có thể cho thu trên 1 tấn cá, với giá bán hiện nay từ 80.000 - 90.000 đồng/kg, sẽ cho thu nhập ước tính trên 90 triệu đồng/lồng. Từ kết quả những hộ nuôi thả cá thí điểm đạt hiệu quả, thời gian tới, mô hình sẽ tiếp tục được nhân rộng, góp phần giải quyết bài toán khó khăn về việc làm và thu nhập cho nhiều hộ dân của xã Chiềng Hoa.
Related news

Viện Nghiên cứu Rau quả vừa gửi đến NNVN báo cáo "Kết quả khảo sát ảnh hưởng của điều kiện thời tiết đến khả năng ra hoa đậu quả của nhãn, vải ở các tỉnh miền Bắc", đồng thời đưa ra một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc nhằm khuyến cáo bà con nông dân trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi nông dân thiếu đất canh tác, làng nghề không có địa điểm tập kết nguyên liệu thì hơn 40 ha đất nông nghiệp tại xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội lại bị bỏ hoang, hoặc trong tình trạng canh tác bấp bênh. Nguyên nhân cũng bởi các dự án không khớp nối hạ tầng khiến hệ thống kênh mương, thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất bị vùi lấp. Tình trạng này kéo dài nhiều năm nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án giải quyết.

Ông Phan Văn Lâm (SN 1941) ngụ ấp Phú Điền, xã Phú Thành A là người đầu tiên của huyện Tam Nông (Đồng Tháp) nuôi cá bống tượng ghép cá chình bông trong bè thành công. Với một bè 16 m2, vào đầu năm 2010, ông Lâm thả hơn 100 con cá bống tượng giống nuôi gần 1 tháng ông tiếp tục thả 50 kg cá chình bông giống vào bè nuôi ghép. Thức ăn cho cá giống là các loại cá, tép được đánh bắt ngoài tự nhiên, hoặc cá biển xay nhuyễn trộn với bột gòn.

Mức độ lây lan của nhóm này rất nhanh, có sức tàn phá ghê gớm, có thể dẫn đến huỷ diệt cả vùng cây lớn nhưng rất khó phòng trị vì chúng nằm sâu bên trong cành, thân, gốc cây thuốc hóa học không thể thấm vào bên trong được vì vậy việc phun thuốc trừ sâu hóa học hoàn toàn không có hiệu quả.

Đầu tháng 5/2012, chúng tôi có dịp qua Campuchia. Mặc dù mới chỉ bắt đầu vào vụ SX lúa mùa, nhưng thị trường phân bón nước này đã rất sôi động.