Mô Hình Nuôi Cá Lóc Trong Vèo Của Anh Huỳnh Văn Hạnh
Vài năm gần đây anh Huỳnh Văn Hạnh ở ấp Mỹ Bình, xã Mỹ Hạnh Đông (Cai Lậy - Tiền Giang) đã thành công với mô hình nuôi cá lóc trong vèo, góp phần nâng cao mức sống gia đình.
Thông qua các lớp tập huấn khuyến ngư và tham khảo sách báo, anh Hạnh nắm vững kỹ thuật nuôi cá lóc trong vèo. Lúc đầu, anh thiết kế 3 vèo bằng lưới nylon, loại kích cỡ dày có diện tích 9 m2/vèo, làm xong anh mua cá giống ở tỉnh Đồng Tháp về thả. Do nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên đàn cá của anh nuôi tăng trưởng nhanh, hơn 4 tháng tuổi trọng lượng bình quân đạt 0,4 kg/con.
Bình quân anh nuôi 4 - 5 tháng/lứa, tùy theo kích cỡ con giống. Kinh nghiệm nuôi cá lóc trong vèo của anh là chọn loại cá giống có trọng lượng khoảng 60 g/con, mật độ thả khoảng 50 con/m2, mỗi lứa thả khoảng 1.500 con chia đều trong 3 vèo. Sau khi nuôi hơn 4 tháng, trừ hao hụt 10% anh thu được trên 0,5 tấn cá thương phẩm, bán giá bình quân 40.000 đồng/kg, nuôi 2 đợt/năm, tổng thu 44 triệu đồng. Trừ các khoản chi phí, thức ăn, thuốc thú y, công chăm sóc, con giống, anh thu lãi khoảng 30 triệu đồng.
Anh Hạnh cho biết, trong quá trình nuôi phải thực hiện kỹ thuật nghiêm ngặt, trước khi thả con giống, phải để cá trong túi nylon từ 10 - 15 phút, cho nước vào túi, từ từ thả cá ra ao. Đặc biệt, trước khi thả cá, nên tắm cá bằng nước muối có nồng độ 5% và thả cá vào sáng sớm hay chiều mát. Thức ăn cho cá dùng các loại tép, cá con và thức ăn chế biến gồm cá tạp hoặc phế phẩm ở cơ sở chế biến thủy sản như: đầu, đuôi, xương cá xay nhuyễn, sau đó trộn với bột tương, cám, men tiêu hóa, vitamin và muối khoáng thích hợp.
Cá còn nhỏ cho 3 lần/ngày, khi cá được 2 tháng tuổi cho ăn 2 lần/ngày, cá lớn cho ăn 1 lần/ngày cho tới khi xuất bán. Mô hình nuôi cá lóc trong vèo có ưu điểm là không cần diện tích lớn, tận dụng một số diện tích mặt nước trong ao, hồ hoặc mép kênh để làm vèo nuôi. Mặc dù cá nuôi trong vèo nhưng thức ăn cho cá từ nguồn cá biển và cá tạp tự nhiên, nên thịt cá chắc và ngon.
Mô hình nuôi cá lóc trong vèo ở ấp Mỹ Bình được nhiều nông dân tham quan học tập kinh nghiệm, mở rộng diện tích nuôi trên địa bàn xã, nhất là vào mùa nước nổi, vì thời điểm này, thức ăn có sẵn trong tự nhiên như cua, ốc, cá tạp nhiều, nông dân sử dụng vếnh để bắt làm thức ăn nuôi cá lóc, hạn chế chi phí, nâng cao lợi nhuận.
Có thể bạn quan tâm
Hiện các tiến bộ khoa học - kỹ thuật về giống thủy sản ngày càng được ứng dụng rộng rãi vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm thủy sản của huyện. 7 tháng đầu năm 2014, sản lượng thủy sản ước đạt 1.150 tấn.
Những mô hình này đã tổ chức sản xuất, nâng cao hiệu quả, giá trị của hạt gạo, góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh mún lâu nay của người dân. Phó thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương và bộ ngành tập trung chỉ đạo thực hiện để đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp sớm đi vào cuộc sống một cách có hiệu quả nhất.
Với mục tiêu giúp các hộ chăn nuôi giảm tỷ lệ tiêu tốn thức ăn/1 kg tăng trọng, giảm chi phí thức ăn khoảng 10-15%, từ đó nâng cao giá trị sản xuất trong chăn nuôi lợn, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với trạm khuyến nông các huyện Hoằng Hóa, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, tổ chức thực hiện mô hình chăn nuôi lợn thịt sử dụng thức ăn lên men lỏng, tại 46 hộ thuộc 3 huyện trên, với quy mô 5-10 con/hộ.
Hiện nay, các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ và Châu Thành, tỉnh Long An đã thu hoạch xong 2.780ha tôm, đạt hơn 80% diện tích nuôi. Nông dân lãi từ 250 đến 350 triệu đồng/ha, có hộ lãi hơn 500 triệu đồng/ha.
Ngày 31-7 giá tiêu trung bình tại các tỉnh Tây nguyên và Đông Nam bộ đã lên mức 187.000-188.000 đồng/kg trong khi giá bán tại các hộ bảo quản tốt, độ ẩm dưới 12% là 200.000 đồng/kg.