Đổi Đời Từ Chăn Nuôi Gà Thịt, Lợn Rừng
Đó là anh Đào Văn Bằng- một chủ trang trại ở thôn Đồng Vang, xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc trong nhiều năm qua luôn thành công trong chăn nuôi gà thịt quy mô lớn theo hướng tập trung để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Gần đây, anh đầu tư phát triển đàn lợn rừng vừa bán thịt, đồng thời nhân giống cũng mang nhiều kết quả khả quan.
Năm 1986, sau khi từ quân ngũ trở về địa phương, anh Bằng mạnh dạn cùng gia đình nhận khoán 3,5 ha đất đồi để trồng bạch đàn, trồng vải để tận dụng lao động nhàn rỗi của gia đình. Tuy nhiên, sau một thời gian anh nhận thấy việc trồng bạch đàn, trồng vải trên đất giao khoán là đồi bạc màu, đất đai không hợp với cây trồng do đó hiệu quả kinh tế rất thấp. Từ năm 2003, gia đình anh chuyển hướng làm kinh tế từ trồng cây ăn quả sang chăn nuôi gà.
Được sự tư vấn của một số doanh nghiệp chăn nuôi và chế biến thực phẩm ở địa phương, anh vay vốn đầu tư xây dựng một khu chuồng nuôi kín theo tiêu chuẩn với diện tích 600m2 và tiến hành nuôi thử 5.000 con gà thịt. Lứa gà đầu tiên nuôi thành công, gia đình anh được doanh nghiệp trả công với số tiền 8 triệu đồng. Hết năm đầu tiên nuôi thí điểm gia công gà thịt theo hướng công nghiệp, gia đình anh Bằng đã nuôi được tổng số 3 lứa với 15.000 con gà thịt, thu được gần 28 triệu đồng tiền công.
Để mở rộng quy mô, anh Bằng đã xây thêm khu chuồng kín 600m2, tiếp tục ký hợp đồng chăn nuôi gà cho doanh nghiệp tại địa bàn. Năm 2004, gia đình anh nuôi được 40.000 con gà thịt, trừ chi phí thu được trên 70 triệu đồng tiền công do doanh nghiệp chi trả. Sau vài năm chăn nuôi có vốn khá, anh Bằng chủ động tìm kiếm thị trường, đến các trang trại điển hình trong và ngoài tỉnh để có thêm kiến thức, kinh nghiệm, đồng thời chuyển hướng phát triển chăn nuôi tự túc.
Những năm gần đây, mỗi năm anh nuôi trên dưới 40.000con gà thịt và thu lời từ 230 đến 250 đến triệu đồng/năm. Năm 2009, qua tìm hiểu và xem trên chương trình truyền hình về mô hình nuôi lợn rừng, anh Bằng nhận thấy nuôi lợn rừng cũng là một hướng đi mới và có hiệu quả. Được bạn bè giới thiệu, anh Bằng liên hệ với Trại chăn nuôi - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và mạnh dạn đầu tư 55 con lợn rừng giống với tổng số vốn 400 triệu đồng.
Sau một năm đầu tư chăn nuôi, gia đình anh bán được 30 con với giá thị trường 250 ngàn đồng/kg, trừ chi phí cho thu lời 80 triệu đồng. Hiện nay, đàn lợn rừng của gia đình anh Bằng có 80 con, đang phát triển tốt. Năm 2009, từ chăn nuôi gà và lợn rừng, gia đình anh đã có lãi gần 400 triệu đồng.
Anh Đào Văn Bằng cho biết: Để chăn nuôi thành công trước hết phải nắm bắt được khoa học kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc mỗi loại vật nuôi, đặc biệt là việc vệ sinh chuồng trại thật tốt, tiêm phòng thường xuyên để vật nuôi tránh được dịch bệnh. Việc tuyển chọn con giống cũng rất quan trọng, quyết định đến sự thành công hay thất bại trong chăn nuôi, do đó khi mua con giống phải tìm đến các cơ sở lớn, có uy tín... Mỗi chủ chăn nuôi phải thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường, tranh thủ tối đa sự giúp đỡ về kỹ thuật, tư vấn...của các cán bộ thú y, chuyên gia có bề dày kiến thức và kinh nghiệm trong lĩnh vực chăn nuôi.
Việc thành công trong chăn nuôi gà, lợn rừng theo quy mô lớn của anh Bằng đang được coi là tấm gương sáng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa bỏ thói quen sản xuất nhỏ lẻ phân tán hiệu quả kinh tế không cao được tồn tại nhiều năm nay tại địa phương. Hiện nay, xã Kim Long đã có 47 trang trại chăn nuôi gia cầm với số lượng 470.000 con.
Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc đang coi xã Kim Long là địa phương tiêu biểu, có nhiều mô hình điểm trong chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong thời gian tới, tỉnh có kế hoạch nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung ra các địa phương khác.
Có thể bạn quan tâm
Năm nay, nông dân trồng mía ở đồng bằng sông Cửu Long phấn khởi vì vừa trúng mùa, vừa được giá. Song cũng có không ít người tiếc nuối vì trót phá bỏ cây mía để trồng cây khác.
Dù không có lợi thế về khí hậu, đất đai, song Hà Nam đã đặt ra mục tiêu trở thành “thủ phủ” nuôi bò sữa giữa đồng bằng sông Hồng với số lượng có thể lên tới 15.000 con.
Quả dài đến 40cm, nặng hàng chục kg, giống bí lạ khổng lồ này được bà con đồng bào dân tộc Mường tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Hòa Bình, Phú Thọ… trồng làm thức ăn thay rau hàng ngày.
Hàng chục hecta trồng táo bị chặt lấy những cành nặng trĩu trái để cung cấp cho các trang trại trong tỉnh làm thức ăn cho đàn gia súc có sừng, do giá táo chỉ còn 1.000 đồng/kg
Vài năm qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Định đã “ưu tiên” đưa cây tiêu lên vị trí “đầu bảng” trong nhóm các loại cây để phát triển kinh tế ở địa phương. Tuy nhiên, việc phát triển quá nhanh diện tích cây hồ tiêu như hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, nguy cơ mất giá...