Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mưu Sinh Nhờ Nuôi Rắn Hổ Hèo

Mưu Sinh Nhờ Nuôi Rắn Hổ Hèo
Ngày đăng: 15/02/2013

“Ban đầu tiếp xúc với rắn cũng sợ nhưng riết rồi quen, thậm chí cho rắn quấn vào cổ cũng chẳng sợ. Hằng ngày, việc chăm sóc rắn do tôi trực tiếp làm, còn ông xã thì lo đi tìm mồi cho rắn...”.

Chị Trần Thị Nói (ở ấp Phước Hòa, xã Phước Hưng, H.An Phú, An Giang) kể về nghề nuôi rắn hổ hèo của gia đình mình như vậy.

Nhà không có đất làm ruộng nên quanh năm suốt tháng hai vợ chồng phải đi làm mướn kiếm tiền đong gạo nuôi con. Năm 2006, thấy có người nuôi rắn hổ hèo hiệu quả, chị bàn với chồng gom hết số tiền dành dụm được gần 2 triệu đồng đi mua 20 con rắn giống với giá 30.000 đồng/con về nuôi.

Không có đất trống, hai vợ chồng đóng cái lồng lưới sắt rộng hơn 4 m2 nuôi rắn dưới sàn nhà. Thức ăn không cần mua, tối tối ra sau nhà bắt ếch, nhái, cóc, chuột về cho rắn ăn, cứ cách một ngày ăn một lần. Sau gần 10 tháng nuôi, chị Nói tuyển chọn được 7 con cho xuất chuồng bán thịt, thu được hơn 5 triệu đồng. Mừng quá, chị Nói lấy hết số tiền bán rắn mua lưới sắt nới rộng chuồng nuôi. Đó cũng là lúc đàn rắn của chị bắt đầu đẻ lứa trứng đầu tiên.

Học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, chị tự tay làm ổ ấp trứng rắn. Để khỏi tốn chi phí, chị tìm những cái thau mủ, thùng xốp đã bị hư bể rồi đổ đất pha cát vào. Sau đó rải thêm lớp cát mỏng, xếp trứng rắn lên rồi phủ lớp mỏng lá chuối trên mặt là xong. Sau khoảng 75 ngày ấp, rắn bắt đầu tự phá vỏ chui ra.

Rắn hổ hèo con mới nở ra rất mạnh, chỉ sau vài giờ nở đã có thể ăn nhái con. Theo kinh nghiệm của chị Nói, rắn con cần phải quan tâm theo dõi thường xuyên, phải chọn rắn cùng cỡ nhốt chung chuồng để chúng không cắn nhau lúc tranh mồi. Sau một năm nuôi, rắn sẽ tự phối giống và sau 34 ngày thì bắt đầu đẻ, mỗi lứa từ 7 - 10 trứng, có khi lên 12 - 15 trứng. Khi rắn vào thời kỳ giao phối (khoảng từ tháng 5 đến tháng 6), rắn đực sẽ rất hung dữ, sẵn sàng cắn nhau để giành rắn cái.

Hiện trại rắn của chị Nói có trên 200 rắn con và khoảng 75 con rắn bố mẹ, mỗi năm cung cấp trên 600 con rắn giống cho người nuôi ở khắp ĐBSCL. Hiện giá rắn giống 1 tháng tuổi là 300.000 đồng/con; 2 tháng tuổi 400.000 đồng/con. Rắn bố mẹ (trọng lượng từ 2 kg/con trở lên) hiện có giá 8 triệu đồng/cặp; còn rắn thịt loại 1 (từ 1,3 - 1,6 kg/con) hiện được bán với giá 300.000 đồng/kg. Nhờ vậy, trung bình mỗi năm gia đình chị Nói có thu nhập gần 100 triệu đồng từ tiền bán rắn.

“Nhà cửa của tui bây giờ đã khang trang hơn, con cái đứa nào cũng được đến trường. Nhưng mừng nhất là nhờ tiền bán rắn mà tui mua được 2 công đất mần ruộng. Hồi nào tới giờ chỉ đi mần ruộng mướn cho người ta, nay có ruộng nhà, mần hoài không thấy mệt”, chị Nói khoe.


Có thể bạn quan tâm

Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu Làm giàu từ mô hình nuôi chim bồ câu

Cái tên Cường “liều” đã quá quen thuộc với người dân xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa - Bắc Giang). Từ đôi bàn tay trắng, không một thước đất cắm dùi, Ngô Quang Cường liều lĩnh bắt tay vào làm mô hình kinh tế trang trại ngay từ năm 24 tuổi. Sau nhiều lần thất bại, giờ đây Cường đã trở thành một chủ trang trại nuôi chim bồ câu lớn nhất huyện Hiệp Hòa.

30/12/2015
Ra tù với đôi chân liệt, vẫn thành tỷ phú nhờ bồ câu Ra tù với đôi chân liệt, vẫn thành tỷ phú nhờ bồ câu

Hai lần tù tội, ra tù với đôi chân bị liệt... nhưng nhờ lòng yêu thương vô bờ bến của mẹ, của vợ cộng với sự nỗ lực của bản thân, Đỗ Văn Kỳ (thị trấn Phùng, Đan Phượng, Hà Nội) đã trở thành tỷ phú với ngôi nhà 7 tầng nổi tiếng được gọi là “lâu đài Kỳ bồ câu”.

30/12/2015
Bà chủ trang trại gà - cá : Thất bại chỉ là tạm thời Bà chủ trang trại gà - cá : Thất bại chỉ là tạm thời

Chứng kiến khu trang trại mênh mông, với những ao nuôi cá cho doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm, ít ai nghĩ người gây dựng nên cơ nghiệp này lại là một phụ nữ tuổi ngoài 50. Bà chủ của trang trại ấy là Nguyễn Thị Liệu, thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc).

30/12/2015
Khóm phụng, khóm son khoe sắc Khóm phụng, khóm son khoe sắc

Những ngày này, về xã Thạnh Mỹ (Tân Phước - Tiền Giang), nhìn những trái khóm (miền Bắc gọi là dứa, miền Trung gọi là thơm) phụng, khóm son màu sắc rực rỡ, hình dáng độc đáo vươn mình trong nắng ấm, chúng tôi cảm nhận dường như không khí Tết Nguyên đán đang đến rất gần. Hiện, bà con đang tất bật chăm sóc để kịp cung ứng cho thị trường trái cây trưng mâm ngũ quả ngày Tết.

31/12/2015
Chiêu độc thu tiền tỷ của lão nông miền Tây bẫy dơi lấy phân bón sầu riêng Chiêu độc thu tiền tỷ của lão nông miền Tây bẫy dơi lấy phân bón sầu riêng

Trồng sầu riêng trong vườn nhà, bón phân dơi và áp dụng kỹ thuật tốt, ông Lê Văn Sáu (65 tuổi), ở ấp Tân Thành, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) có thu nhập hàng tỷ đồng.

31/12/2015