Mô Hình Nuôi Cá Hồng Đỏ Có Hiệu Quả

Việc gia đình anh Cao Nhanh ở xã Phổ Thạnh (Đức Phổ - Quảng Ngãi) nuôi thành công cá hồng đỏ thương phẩm trong lồng tại vùng triều cửa biển Sa Huỳnh, đã mở ra hướng phát triển mới cho nuôi trồng thủy sản, giúp bà con tận dụng diện tích mặt nước biển để đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định, vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Đức Phổ nói chung và xã Phổ Thạnh nói riêng có diện tích mặt nước vùng triều tương đối lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng dịch bệnh trên các loại cá nuôi truyền thống diễn biến rất phức tạp, gây thiệt hại nặng nề cho bà con, dẫn đến tình trạng treo lồng nuôi.
Trước tình trạng đó, Trạm Khuyến nông Đức Phổ đã xây dựng mô hình nuôi cá hồng đỏ thương phẩm trên diện tích 150m3 lồng nuôi của gia đình ông Cao Nhanh. Khi tham gia mô hình, người dân được Trạm Khuyến nông hỗ trợ 100% chi phí giống và gần 30% chi phí thức ăn, thuốc; đồng thời được cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến nông tỉnh và Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá...
Qua 8 tháng thả nuôi, mô hình cho kết quả hết sức khả quan, mở ra hướng phát triển kinh tế thủy sản mới. Ông Nguyễn Thành Lưu - Trưởng Trạm Khuyến nông Đức Phổ cho biết: Để việc nuôi cá hồng đỏ hiệu quả ở vùng triều, bà con ngư dân cần nắm vững kỹ thuật nuôi cá, cũng như nắm rõ đặc thù, đặc tính của đối tượng mới này.
Cá hồng đỏ là loài cá sinh trưởng nhanh, dễ nuôi, ít bệnh, nguồn thức ăn dễ tìm, rẻ tiền, đó là các loại cá ăn tạp và một số loài giáp xác, động vật không xương sống. Mật độ nuôi 15 con/m3. Sau 8 tháng thả nuôi là có thể cho thu hoạch, với trọng lượng 800g/con xuất bán ra thị trường. Với giá bán 160.000đ/kg thì với 150m3 lồng nuôi, gia đình ông Cao Nhanh thu hoạch được khoảng 1,4 tấn cá thương phẩm. Sau khi trừ chi phí, còn lãi trên 56 triệu đồng.
Trong quá trình nuôi cá, kỹ thuật nuôi quan trọng nhất là khâu cho ăn và theo dõi sinh trưởng của cá. Khi cá còn nhỏ cho cá ăn 2 lần/ngày, lượng thức ăn bằng 10% trọng lượng cá, sau đó giảm dần và khi cá đạt khoảng 700 - 800g/con thì còn từ 3-5% trọng lượng cá.
Trong quá trình nuôi phải thường xuyên theo dõi sinh trưởng và các hoạt động của cá để có sự điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý, chủ động giảm lượng thức ăn vào những ngày thời tiết thay đổi. Thường xuyên sử dụng Vitamin C và khoáng chất trộn vào thức ăn để tăng khả năng bắt mồi và sức đề kháng cho cá.
Trong quá trình chăm sóc, nên định kỳ cọ rửa lưới, hoặc thay lưới; thường xuyên lặn kiểm tra lồng nuôi, đáy lồng đề phòng bị hư hỏng. Đặc biệt là định kỳ phân cỡ cá nuôi để điều chỉnh mật độ nuôi thích hợp. Phía trên lồng nuôi cần có lưới che để đề phòng cá nhảy ra ngoài…
Anh Cao Nhanh - hộ tham gia dự án cho biết: Giai đoạn đầu cá giống còn nhỏ, thức ăn là cá tạp tươi cần phải băm nhỏ. Trong quá trình nuôi, nếu thời tiết xấu thức ăn cho cá giảm đi một nửa, còn nếu nhiệt độ cao hoặc áp suất thấp cũng phải điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Đặc biệt cho cá ăn vào buổi sáng là tốt nhất.
Vị trí cho ăn nên cố định để giảm sự lãng phí. Nếu cá không bắt mồi thì cần sớm tìm rõ nguyên nhân để kịp thời có biện pháp xử lý. Trong quá trình nuôi, cần tránh cho ăn thức ăn ướp lạnh có hàm lượng mỡ cao sẽ làm cá tiêu hoá khó, dễ bị nhiễm bệnh đường tiêu hoá.
Cũng theo ông Nguyễn Thành Lưu, trong quá trình nuôi, bà con cần thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường như: Nhiệt độ, độ mặn, độ Ph,... để không ảnh hưởng tới quá trình sinh trưởng của cá, chú ý cho cá ăn đủ số lượng và chất lượng thức ăn, không để thừa thức ăn làm ô nhiễm môi trường; đồng thời gây bệnh cho cá. Đầu ra cho sản phẩm rất lớn, được thị trường trong nước và thế giới ưa chuộng. Ở trong nước, cá hồng đỏ được tiêu thụ mạnh tại các nhà hàng, khách sạn, giá bán tại lồng nuôi từ: 160.000 - 180.000đ/kg.
Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại cao, cá hồng đỏ cũng là đối tượng có sức sống khá tốt, ít mắc các bệnh dịch thông thường. Việc đầu tư nuôi cá hồng đỏ thuận lợi hơn so với các loài thủy hải sản khác. Bên cạnh đó, nguồn thức ăn cho cá cũng tương đối phong phú, dễ kiếm và có sẵn tại địa phương, qua đó giúp nông dân tiết kiệm tối đa chi phí. Việc tiêu thụ cá cũng tương đối thuận lợi, cá được thương lái xuống tận nơi thu mua.
Thành công bước đầu của mô hình nuôi cá hồng đỏ thương phẩm trong lồng, đang mở ra hướng phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho bà con ngư dân vùng triều ở các cửa sông, cửa biển trong tỉnh.
Related news

64 hộ nông dân thuộc mô hình trình diễn “3 giảm, 3 tăng” tại ấp Hòa Hưng, xã Hòa Tân (Châu Thành - Đồng Tháp) đã thu hoạch dứt điểm 60ha diện tích trình diễn theo mô hình 3 giảm, 3 tăng và sản xuất giống lúa chất lượng cao OM 5451.

Tiếp tục thực hiện Dự án “Gieo hạt giống cho sự thay đổi: Giảm tác động biến đổi khí hậu dựa trên cộng đồng thông qua sản xuất lúa gạo bền vững” do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) tài trợ; mới đây Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư (KNKN) tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuyển giao công nghệ trồng nấm bằng nguyên liệu rơm cuộn từ máy cuốn rơm sau khi thu hoạch lúa, trong khuôn khổ hợp phần năng lượng tái tạo.

Chỉ trồng 80 nọc tiêu nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Lập ở khu phố Ninh Thành, thị trấn Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã phải mua 6 triệu đồng hom tiêu giống Ấn Độ lá to. Anh Lập cho biết, hiện tiêu giống Ấn Độ xanh lá to có giá 400 ngàn đồng/trụ, bằng giống tiêu Trung và cao hơn giống tiêu Vĩnh Linh 100 ngàn đồng/trụ.

Thời điểm này, nông dân trồng đậu phộng trên địa bàn huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) đang bước vào kỳ thu hoạch rộ, năng suất đạt từ 30 - 35 giạ/công, giá bán hiện tại ở mức ổn định 255.000 đồng/giạ. Nhiều nông dân cho biết, với giá này có thể thu lợi nhuận từ 3 - 4 triệu đồng/công.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, hiện tại, tuy tình hình dịch hại trên cây mía có xu hướng giảm do bà con nông dân chủ động phòng ngừa ngay từ đầu vụ, tuy nhiên, với diễn biến thời tiết phức tạp (nắng mưa xen kẽ), đặc biệt là các trà mía trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn từ 6 - 7 tháng tuổi và đang trong quá trình vươn lóng.