Mô Hình Liên Kết 4 Nhà Ở Điệp Nông
Trong xây dựng nông thôn mới, tỉnh ta đã chú trọng phát triển các mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất bằng việc đẩy mạnh liên kết giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và người dân trong tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tại xã Điệp Nông (Hưng Hà), mô hình này bước đầu mang lại nhiều lợi ích cho bà con nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững.
Về Điệp Nông trong những ngày này, người người, nhà nhà đang tập trung thu hoạch ngô ngọt, chuẩn bị cho một vụ màu mới. Có mặt tại nơi tập kết nông sản, nhìn những xe ngô nặng trĩu lần lượt đổ về, những người dân với khuôn mặt lấm tấm mồ hôi, tuy mệt nhưng rất phấn khởi bởi vụ ngô này cho năng suất cao.
Ông Trần Văn Vấn (thôn Việt Yên 3) hồ hởi: Vụ xuân hè, gia đình tôi thu nhập 16,2 triệu đồng từ 1,5 sào dưa chuột. Được chăm sóc đúng theo kỹ thuật hướng dẫn, dưa chuột cho năng suất cao, với giá bán 9.000 đồng/kg, công ty về thu mua tận ruộng. Vụ hè thu này, tôi mạnh dạn đăng ký trồng ngô ngọt, qua khảo sát, trọng lượng đạt 400 - 500g/bắp, hứa hẹn là cây trồng có giá trị vượt trội hơn cả.
Ông Trần Minh Chiêu, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) xã Điệp Nông cho biết: HTX DVNN đứng ra ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Ninh Bình) để liên kết sản xuất ngô ngọt. Theo đó, Công ty cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Trong quá trình sản xuất, nếu có thiệt hại, tổn thất, Công ty cam kết sẽ hỗ trợ người dân một phần chi phí, nâng giá thu mua nông sản. Thời gian trồng ngô ngọt từ 67 - 72 ngày/vụ, năng suất trung bình đạt 4,5 - 5 tạ/sào, với giá 3.800 đồng/kg, trừ mọi chi phí mỗi sào ngô ngọt cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng. Đây là vụ đầu tiên Điệp Nông đưa cây ngô ngọt vào trồng thử nghiệm, bước đầu cho thấy hiệu quả, giá trị thu nhập cao, được người nông dân tích cực hưởng ứng.
Năm 2013, Điệp Nông cũng đã thành công khi đưa cây đậu tương rau vào trồng; năng suất trung bình đạt từ 3 - 3,5 tạ/sào, giá thu mua cây tươi là 6.000 đồng/kg, người dân được hỗ trợ giống, kỹ thuật, sản phẩm sau thu hoạch được cân bán cho công ty, không lo khâu bảo quản. Vì vậy, người dân tích cực hưởng ứng, dự kiến diện tích đậu tương rau vụ đông năm 2014 mở rộng lên 140ha.
Điệp Nông có khoảng 535ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích chuyên màu là 196ha (chủ yếu là vùng đất bãi), diện tích trồng cây vụ đông trên đất hai lúa là 310ha. Là xã thuần nông có truyền thống thâm canh cây màu, Điệp Nông xác định để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo nhất thiết phải phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Những năm qua, xã đã mạnh dạn tiếp thu những giống mới, thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún bằng việc quy vùng sản xuất hàng hóa, liên kết với các doanh nghiệp trong bao tiêu nông sản.
Ông Trần Minh Chiêu cho biết thêm: Trong liên kết 4 nhà để sản xuất nông nghiệp, cần phải xác định nông dân là đối tượng, nông nghiệp là cơ hội, nông thôn là địa bàn. Nhà nước phải là nhân tố xúc tác bảo đảm sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông.
Tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, tạo quỹ đất trồng cây vụ đông, với phương châm “xuân muộn, mùa sớm”, đến nay, hệ số quay vòng đất ở Điệp Nông đạt 3,2 lần/năm.
Năm 2013, thu nhập từ trồng màu đạt khoảng trên 70 tỷ đồng. Vụ đông năm 2014, Điệp Nông phấn đấu gieo trồng 515ha, với 6 loại cây xuất khẩu: ớt (15ha), dưa chuột (7ha), lạc giống (15ha), đậu tương rau (140ha), còn lại là dưa gang, ngô ngọt.
Đối với cây lúa, xã cũng đã quy vùng sản xuất tập trung với diện tích 40ha cấy lúa thương phẩm cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình. Liên kết 4 nhà bước đầu hình thành ở Điệp Nông đã mang lại những kết quả tích cực, giải quyết được câu hỏi cho người nông dân: “Trồng cây gì? Bán cho ai?”.
Hiện nay, thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt 37 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 2,57%. Diện mạo nông thôn mới hiện hữu từ đồng về làng, địa phương phấn đấu hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới trong tháng 10/2014.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay đối với HTX cũng như chính quyền địa phương chính là việc duy trì mối liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân. Tuy chưa nhiều nhưng đã có tình trạng người dân phá vỡ hợp đồng, bán sản phẩm cho thương lái bên ngoài khi giá cao, ảnh hưởng tới lòng tin giữa doanh nghiệp - nông dân.
Với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - nông dân, Điệp Nông đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giải quyết được việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững. Mô hình này bước đầu đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tiền đề xây dựng nền nông nghiệp bền vững, một trong những mục tiêu mà Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới hướng tới.
Có thể bạn quan tâm
Đầu vào tiếp tục tăng, đầu ra co lại, khiến thuỷ sản, lúa gạo gặp khó khăn trong thời gian qua. Dự báo tình hình vẫn chưa được cải thiện trong bối cảnh nhu cầu thị trường thế giới giảm và các nước nhập khẩu chủ lực hàng hóa của Việt Nam điều chỉnh chính sách.
Do giá bán các máy ấp trứng trên thị trường quá cao, ông Nguyễn Tấn Lộc (ấp Láng Dài, xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ - Bà Rịa - Vũng Tàu) đã tự thiết kế thành công chiếc máy ấp trứng gà, mỗi tuần cho ra lò hơn 300 con gà giống cung cấp cho thị trường.
Năm 1981, sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, anh Đào Văn Bằng ở thôn Đồng Vang, xã Kim Long - Tam Dương luôn trăn trở làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình.
Trong một chuyến đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm thực tế về kỹ thuật trồng cây chanh dây từ người dân, chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trịnh Văn Quyền – thôn 8 – xã ĐăkNia – thị xã Gia Nghĩa – tỉnh Đăk Nông. Đây là một trong những gia đình trồng chanh dây đạt hiệu quả kinh tế cao.
Phú Yên hiện có gần 1.000 tàu cá đang nằm bờ, trong đó có khoảng 670 tàu khai thác xa bờ, nguyên nhân là do giá xăng dầu tăng cao, giá bán thủy sản thấp, không ổn định nên có hơn 80% tàu thuyền khi về bến bị lỗ vốn. Để động viên ngư dân tiếp tục bám biển, các ngành chức năng và địa phương ven biển Phú Yên đang tập trung chỉ đạo hoạt động khai thác thủy sản đạt hiệu quả, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ ngư dân…