Phát Triển Đàn Bò Lai Ở Văn Luông (Phú Thọ)
Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có bước phát triển nhảy vọt, nhất là số lượng bò lai Sind. Từ năm 2009 trở về trước, tổng đàn bò của xã hàng năm chỉ ở mức trên dưới 300 con, chủ yếu là giống bò vàng, thấp bé, lượng thịt ít.
Từ cuối năm 2009, nhận thấy việc nuôi bò, nhất là bò lai Sind, Zebu mang lại hiệu quả kinh tế cao, không ít gia đình ở đây đã đầu tư vào nuôi bò với mong muốn thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Hiện nay, đàn bò của xã đã lên tới hơn 700 con, trong đó có tới gần 400 con bò lai. Bà Hoàng Thị Như Tình, cán bộ khuyến nông xã lý giải về việc tăng nhanh tổng đàn bò: Xã Văn Luông có nhiều thuận lợi trong việc phát triển đàn bò như có một số hộ là thương lái, nắm được diễn biến của thị trường, có đầu mối tiêu thụ khá ổn định; diện tích đất nông nghiệp được bà con tận dụng triệt để trồng cỏ và một số loại cây trồng khác làm thức ăn cho gia súc; do làm tốt công tác tiêm phòng nên nhiều năm nay trên địa bàn xã không hề xảy ra bất kỳ dịch bệnh nào, người chăn nuôi yên tâm đầu tư. Ngoài ra, ngày càng có nhiều hộ lựa chọn chăn nuôi bò lai, lượng thịt cao, bán có lãi...
Ông Hà Văn Chiệc ở khu Đồng Túi – chủ hộ hiện đang nuôi hơn 20 con bò lai cho biết: Trước kia, chăn nuôi bò không phát triển chủ yếu là do bà con không làm vụ đông, không có thói quen trữ rơm rạ nên cứ đến thời điểm mùa đông là không có thức ăn cho gia súc.
Bây giờ những điều đó đã thay đổi, vào vụ đông các gia đình đều trồng ngô dày sau đó tỉa cây; tích trữ rơm rạ, cắt cỏ tích trữ sẵn nên đến mùa đông gia súc có đủ thức ăn, không lo chết đói, chết rét. Bên cạnh đó, giá bò thịt khá ổn định, không bấp bênh như nuôi lợn, gà nên người nuôi như chúng tôi cũng yên tâm đầu tư.
Nhờ con bò, cuộc sống của nhiều gia đình đã thay đổi thấy rõ. Mặc dù chưa thể làm giàu nhưng cảnh “ăn bữa nay, lo bữa mai” đã không còn. Không chỉ những hộ đã chăn nuôi bò lâu năm từ bỏ giống bò cũ mà ngay cả những hộ mới bắt đầu chăn nuôi cũng xác định nuôi bò lai là lựa chọn để đầu tư lâu dài.
Ông Trần Đình Bính ở khu Đồng Gạo cho biết: Nuôi bò lai tăng trưởng nhanh, lượng thịt cao, chất lượng thịt tốt nên được thương lái ưa chuộng. Năm ngoái, tôi bán 4 con bò đực cũng thu được gần 60 triệu đồng, trừ chi phí cũng còn lãi được trên 30 triệu đồng. Năm nay tôi tiếp tục nuôi 6 con, trong đó có một bò cái để cung cấp con giống về sau. Tôi cũng sẽ lựa chọn thụ tinh nhân tạo vì chất lượng con giống tốt, dễ bán con giống không hại bò mẹ.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi để có thể tăng tổng đàn bò, nhất là đàn bò lai thì Văn Luông cũng còn gặp một số khó khăn không dễ khắc phục trong đó có 2 khó khăn chính: Do dân số tăng nên diện tích đất trồng cỏ, trồng màu làm thức ăn dành cho chăn nuôi ngày càng thu hẹp; thứ 2 Văn Luông là xã miền núi, thời tiết vào mùa đông thường khắc nghiệt hơn một số vùng ở đồng bằng nên khả năng xảy ra chết rét đối với đàn bò cao hơn.
Tuy còn những khó khăn, song trong chiến lược phát triển kinh tế xã xác định cùng với cây chè, cây lâm nghiệp thì chăn nuôi đại gia súc sẽ góp phần không nhỏ trong việc nâng cao thu nhập cho đồng bào.
Do vậy chính quyền địa phương đã có những chính sách khuyến khích chăn nuôi phát triển như hỗ trợ công tác tiêm phòng; phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh cho đàn bò; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ của cấp trên trong phát triển nông nghiệp; tuyên truyền mạnh về sản xuất vụ đông, trồng các loại cây màu để làm thức ăn... phấn đấu nâng tỷ lệ tổng đàn bò lên trên 1.500 con trong 5 năm tới, trong đó có trên 70% là đàn bò lai.
Có thể bạn quan tâm
Khoảng 5 năm trở lại đây, việc chăn nuôi bò ở xã Văn Luông, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có bước phát triển nhảy vọt, nhất là số lượng bò lai Sind. Từ năm 2009 trở về trước, tổng đàn bò của xã hàng năm chỉ ở mức trên dưới 300 con, chủ yếu là giống bò vàng, thấp bé, lượng thịt ít.
Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, người dân tỉnh Quảng Bình đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa sang trồng các loại cây màu phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, qua đó, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống của người dân.
Trước kia đàn bò ở đây chủ yếu là giống bò cỏ, nuôi chậm lớn nên xuất bán lãi không cao. Từ năm 1995 An Phú đẩy mạnh chương trình sind hóa đàn bò. Đến nay tổng đàn bò của xã trên 2.100 con, trong đó bò lai sind chiếm hơn 85%.
Thường cua giống được nông dân thả sau tôm từ 1 - 2 tháng và tận dụng chính môi trường nước của con tôm nên không tốn gì thêm, ngoài tiền mua con giống.
Vài ngày nay, hàng chục chiếc xe chở sắn nối đuôi nhau đậu ở trước cổng Nhà máy tinh bột sắn và tràn ra tận Quốc lộ 1A chờ nhập cho nhà máy, gây mất an toàn giao thông. Qua tìm hiểu từ các tài xế xe, chúng tôi được biết có nhiều xe phải đợi hai ngày mới bán được sắn cho nhà máy.