Mô Hình Công Nghệ Sinh Thái Mang Lại Hiệu Quả
Ngày 16-7, tại Tiền Giang, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình “công nghệ sinh thái” trên cây lúa ở các tỉnh phía Nam. Đến dự có các chuyên gia Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế (IRRI) và Chi cục Bảo vệ thực vật 22 tỉnh, thành phía Nam.
Mô hình “công nghệ sinh thái” gọi tắt “ruộng lúa, bờ hoa” là hình thức trồng các loại hoa quanh bờ ruộng để thu hút thiên địch có ích, phòng chống rầy nâu gây bệnh vi rút trên cây lúa.
Theo Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, mô hình được sự hỗ trợ của chuyên gia IRRI lần đầu tiên triển khai thí điểm trên đồng ruộng Tiền Giang vào vụ đông xuân 2009 - 2010 tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè. Đến nay đã có 131 xã, 65 huyện, thị của 16 tỉnh, thành phía Nam ứng dụng mô hình “công nghệ sinh thái”. Các tỉnh có diện tích ứng dụng nhiều nhất là: Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng… với tổng diện tích 5.083 ha, thu hút 7.814 hộ nông dân tham gia, với 228 mô hình.
Mô hình này trồng các loài hoa: Soi nhái, hoa xuyến chi, cúc mặt trời, cẩm tú, trâm ổi, đậu xanh, lạc dại, hoa mười giờ... trên bờ ruộng để dẫn dụ các loài thiên địch nhằm khống chế các loài côn trùng gây hại, giữ cân bằng hệ sinh thái cho ruộng lúa.
Trên các cánh đồng áp dụng mô hình “công nghệ sinh thái”, ong ký sinh và các loại thiên địch khác có mật số gia tăng đáng kể, nông dân giảm chi phí phun thuốc trừ sâu 50%, năng suất lúa cũng cao hơn. Qua đó tăng thu nhập của nông dân từ 900.000 - 2.900.000 đồng ha/vụ; đồng thời quản lý tốt dịch hại, quản lý rầy nâu không cho bùng phát gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa, cùng nhiều lợi ích to lớn khác đối với cộng đồng.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, mô hình “công nghệ sinh thái” rất hiệu quả trong việc hạn chế sâu bệnh, tiết kiệm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường trong sản xuất lúa.
Theo Tiến sĩ Hồ Văn Chiến, sắp tới mô hình “công nghệ sinh thái” sẽ được nhân rộng tới tất cả các tỉnh, thành phía Nam; đồng thời để phát huy hiệu quả mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” nông dân cần kết hợp đồng bộ với việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp như: Ba giảm - ba tăng, IPM, bón phân cân đối theo bảng so màu lá lúa...
Có thể bạn quan tâm
“Năm nay, thương lái Trung Quốc đột nhiên thu mua cau sớm và chuộng cau non. Cau non mua được giá, tới 16.000 đồng/kg. Tui mua đem sấy rồi bán đưa sang bên Trung Quốc tiêu thụ. Bây giờ thì giá vậy, nhưng không biết sau này thương lái Trung Quốc có hạ giá xuống không nữa”, bà Nguyễn Thị Kim Ánh - chủ cơ sở thu mua, hấp cau tại Quảng Ngãi - bày tỏ lo lắng.
Phong trào nuôi tôm tự phát, thiếu kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh gặp thời tiết nắng mưa bất thường mấy ngày qua đã khiến hàng ngàn hộ nghèo, nhất là những hộ nuôi tôm trên cát tại Bắc miền Trung lao đao vì tôm chết, nợ lần chồng chất.
Lựu là một trong những loại trái cây ngon, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để phân biệt được lựu Việt Nam an toàn, không dùng hóa chất với lựu Trung Quốc thì không phải ai cũng biết.
Thị trường Hà Nội đang bày bán tràn lan các loại táo được người bán khẳng định là táo mèo Hà Giang. Tuy nhiên, đây lại loại táo được nhập về từ Trung Quốc.
Với từng trái cau non được thu mua, thương lái chế biến thành cau khô và bán sang Trung Quốc giá từ 100.000 - 120.000 đồng/kg (gấp 7 lần so với giá cau non).