Mô Hình Chăn Nuôi Lợi Ích Kép
Từ khi áp dụng cách thức chăn nuôi mới theo mô hình an toàn sinh học, đến nay, huyện Phú Tân (An Giang) đã có 140 hộ tham gia. Với lợi ích thiết thực, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được năng lượng biogas để sử dụng trong sinh hoạt, mô hình chăn nuôi mang lợi ích kép này đã được nông dân đánh giá rất cao.
Hộ của ông Nguyễn Hoàng Minh (ngụ ấp Tân Thạnh, xã Tân Trung) chọn nghề nuôi heo thịt làm kinh tế chính. Với tổng số heo nái lẫn thịt lên tới 25 con nhưng ông chỉ đào một hầm bên cạnh nhà làm nơi chứa phân. Sống trên tuyến dân cư có nhiều hộ xung quanh, vấn đề mùi hôi và nguồn phân không xử lý triệt để đã làm ảnh hưởng đến nhiều hộ.
Bắt đầu từ năm 2010, ông Minh được hướng dẫn xây hầm biogas với mức hỗ trợ từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 1,2 triệu đồng. Từ ngày áp dụng mô hình mới, chuồng heo của ông không còn mùi hôi, không gian sạch sẽ, lại tận dụng được nguồn năng lượng từ biogas để thắp sáng, nấu nướng trong gia đình, tiết kiệm được đáng kể chi phí sinh hoạt.
Kết hợp với nuôi heo, ông còn nấu rượu để có thu nhập phụ, đồng thời lấy hèm để vỗ béo cho heo. Một năm bán ra 4 lứa heo, cứ một con ông còn lời từ 1 đến 2 triệu đồng. Được biết, gia đình ông Minh cũng là một trong những hộ đầu tiên ở huyện Phú Tân áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và duy trì hiệu quả đến nay.
Theo anh Võ Chí Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Trung, toàn xã hiện có 12 hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas và 6 hộ nuôi thực hiện biogas nylon, chiếm 50% tổng số hộ nuôi toàn xã. Kỹ thuật mới đã giúp nhiều hộ dân giữ gìn được môi trường sống sạch sẽ, an toàn về nguồn nước, không khí, hạn chế các dịch bệnh. Bên cạnh lợi ích sử dụng nguồn năng lượng biogas, phụ phẩm khí sinh học cũng được dùng làm phân bón trong nông nghiệp. Nhận thấy lợi ích từ mô hình, hiện nay, hội đã hướng dẫn thêm cho các hộ nuôi bò, khuyến khích bà con thực hiện việc nuôi và xây hầm với mức hỗ trợ từ 1,2 đến 1,6 triệu đồng/hộ.
Mới xây dựng hầm biogas một năm nay, chị Trần Thị Kim Hoa (ấp Phú Trung, xã Phú Thọ) rất tâm đắc. Chị cho biết, chi phí xây hầm biogas và lắp đặt các thiết bị dẫn khí chuyển thành năng lượng sử dụng trong gia đình chỉ mất từ 8 - 9 triệu đồng, trong đó, mức hỗ trợ từ ngành chức năng là 1,5 triệu đồng. Từ khi sử dụng khí biogas làm chất đốt, nấu tấm và thắp đèn… mỗi tháng chị tiết kiệm được hơn 200 ngàn đồng và 30 kw điện.
Ngụ cùng ấp với chị, gia đình anh Huỳnh Thái Khương, hộ chuyển từ nghề buôn bán gỗ sang nuôi heo cũng đã được Trạm Thú y huyện vận động kết hợp xây dựng hầm biogas ngay khi mới thành công ở năm đầu tiên. Tận dụng khoảng đất trống sau nhà, chuồng nuôi được cất với diện tích 30m2, đàn heo 20 con của lứa đầu đã đem về cho gia đình trên 15 triệu đồng.
Anh nói: “Tôi được hướng dẫn, nếu nuôi khoảng 10 con heo thì xây dựng hầm biogas kèm theo với thể tích 5 mét khối, mỗi ngày sẽ phân hủy khoảng 20kg phân thải và tạo thành gần 1m3 gas đốt, thời gian sử dụng hầm biogas có thể kéo dài đến 10 năm, đem lại nhiều tiện ích. Nếu nhẩm tính, một năm có thể tiết kiệm được vài triệu đồng chi phí nhiên liệu trong gia đình”.
Theo anh Trần Thái Luyện, cán bộ kỹ thuật Trạm Thú y huyện Phú Tân thì bình quân tính trên một hộ, nếu sử dụng nguồn năng lượng từ khí biogas sẽ tiết kiệm được 200 - 300 ngàn đồng/tháng về gas, điện. Nếu năm 2010, huyện Phú Tân chỉ mới hướng dẫn cho 5 hộ trên toàn huyện thí điểm mô hình chăn nuôi an toàn thì năm 2011 đã có thêm 43 hộ tham gia, năm 2012 là 66 hộ và từ đầu năm đến nay có 26 hộ. Chính lợi ích thiết thực cho người nuôi lẫn cộng đồng đã “thuyết phục” được người dân tích cực nhân rộng kỹ thuật mới này.
Related news
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn vừa ký quyết định cấp ứng trước kế hoạch vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nguồn ngân sách tỉnh Hà Tĩnh năm 2016 số tiền 104 tỷ đồng cho 26 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2015.
Cá nuôi sắp đến kỳ thu hoạch bỗng dưng bị chết hàng loạt khiến nhiều hộ dân ở xã Phú An (Phú Vang - Thừa Thiên Huế) lâm vào cảnh lao đao.
Nông dân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đang có xu hướng chuyển đất lúa kém năng suất sang nuôi các loại cá nước ngọt truyền thống bởi có thể tận dụng thức ăn là cám, bã tại địa phương để tăng thêm thu nhập.
Cùng với nhiều nông dân khác ở TP Cà Mau, anh Huỳnh Thanh Lãm ở khóm 7, phường 6 thành công với nghề nuôi và bán cá chình giống, được nhiều người biết đến. Anh còn thành công với mô hình thuần hoá cá chình giống bằng ao đất, tỷ lệ nuôi hao hụt dường như bằng không.
Ông Nguyễn Hoàng Hồng, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, TP. Vũng Tàu cho biết, hiện phường 12 có 28 hộ nuôi tôm sú theo mô hình ứng dụng công nghệ chế phẩm sinh học trên diện tích nuôi 59ha