Nhiều Mô Hình Phát Triển Kinh Tế Hiệu Quả Ở Bản Luốc
Những năm qua, trên địa bàn xã Bản Luốc (Hoàng Su Phì) đã có nhiều hộ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng KH – KT vào sản xuất. Qua đó, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện đời sống người dân tại địa phương.
Là một xã thuần nông, xác định phát triển kinh tế nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương; những năm qua, xã Bản Luốc đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây trồng có năng suất cao vào gieo trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương.
Song song với đó, xã đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá bằng các giải pháp như: Thâm canh tăng vụ, ứng dụng KH – KT vào sản xuất, chăn nuôi, góp phần nâng cao thu nhập từ phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ đó, đã làm chuyển biến tập quán canh tác của người dân, chuyển dần từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất theo hướng hàng hoá và hình thành nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu, đem lại thu nhập cao cho người nông dân.
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở xã Bản Luốc.
Đến thăm mô hình trồng dưa hấu che phủ nilon cho thu nhập gần 40 triệu đồng/vụ của anh Vương Văn Lập ở thôn Bành Văn - là người đầu tiên đưa cây dưa hấu trồng trên đất ruộng, anh Lập chia sẻ: Sau khi rời quân ngũ trở về địa phương, với những gì đã được học, được làm khi còn trong quân ngũ; anh quyết tâm thực hiện chuyển đổi những diện tích đất ruộng cho năng suất thấp, không chủ động được nguồn nước sang trồng thử nghiệm giống dưa hấu lai F1 (khoảng 1.800 cây giống), chỉ sau 60 – 65 ngày, dưa hấu đã cho thu hoạch với năng suất khá cao, chất lượng dưa rất ngọt, với giá bán bán từ 10 – 15 nghìn đồng/kg, cho thu nhập gần 40 triệu đồng.
Nhận thấy đây là loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa nên vụ Hè – thu, năm nay, đã có 13 hộ dân trong thôn chủ động chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng dưa hấu với trên 2 ha. Hiện nay, cây dưa sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến trong tháng 9 sẽ cho thu hoạch với năng suất ước đạt từ 15 tấn/ha.
Khác với mô hình của anh Lập, gia đình anh Vương Văn Khoàng, thôn Bản Luốc lại chọn cho mình mô hình nuôi lợn đen, lợn đỏ để phát triển kinh tế gia đình. Năm 2011, gia đình anh đã mạnh dạn vay ngân hàng 100 triệu đồng để đầu tư xây chuồng trại kiên cố và mua con giống. Hiện tại, trong chuồng của anh Khoàng luôn duy trì nuôi từ 40 – 50 con lợn đen, lợn đỏ.
Ngoài việc chăn nuôi lợn, gia đình anh còn nấu rượu để lấy nguồn thức ăn cho lợn, tận dụng đất để trồng rau xanh và một số loại cây màu như: Cà chua, đậu tương, ngô... Hiệu quả từ mô hình của gia đình anh cho thu nhập trên 90 triệu đồng mỗi năm.
Đồng chí Lý Văn Tương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã cho biết: Đây chỉ là 2 trong rất nhiều hộ của xã biết phát huy thế mạnh, tiềm năng đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao phù hợp với điều kiện địa phương.
Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục lựa chọn những giống mới phù hợp, năng suất, giá trị kinh tế cao đưa vào triển khai thí điểm, địa phương sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân nhân rộng những giống cây trồng, vật nuôi đã và đang mang lại hiệu quả cao theo hướng quy mô sản xuất hàng hóa, liên kết với thị trường để tìm đầu ra cho sản phẩm...
Nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nền kinh tế của xã Bản Luốc đã có những bước tiến đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt trên 8 triệu/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 24,38% năm 2013; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Những mô hình kinh tế hiệu quả xuất hiện ngày càng nhiều đã minh chứng cho sự đổi thay của một xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đang từng bước nỗ lực để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Với đàn heo khoảng 1,5 triệu con, đàn gà gần 14 triệu con, Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước. Từ năm 2008, tỉnh đã quy hoạch các vùng khuyến khích chăn nuôi tập trung để quản lý tốt vấn đề môi trường và kiểm soát về dịch bệnh.
Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn tôm hùm giống, Trường Đại học Nha Trang đang triển khai đề tài: “Đánh giá tác động của nghề khai thác tôm hùm giống đến cảnh quan môi trường và nguồn lợi vịnh Nha Trang”.
Nhằm nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp và các đơn vị trong tỉnh có nhu cầu xây dựng chứng nhận quốc tế, ngày 1/6, Sở NN&PTNT Cà Mau phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan tổ chức khoá tập huấn xây dựng và thực hiện chứng nhận quốc tế nghề nuôi tôm tại Cà Mau cho các doanh nghiệp và các cán bộ đến từ các chi cục thuộc Sở NN&PTNT.
Trong tháng 5/2015, ngư dân huyện Thuận Nam vươn khơi đánh bắt xa bờ, ước sản lượng khai thác trong tháng đạt 1.220 tấn, tăng 2,4 lần so với tháng trước; nâng tổng sản lượng khai thác hải sản từ đầu năm đến nay lên 8.560 tấn.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi, một số loại hải sản xuất hiện dày... nên ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa khai thác được hơn 43.100 tấn thủy sản, bằng 49% kế hoạch năm, trong đó khai thác cá ngừ đại đương mắt to, vây vàng được 1.702 tấn.