Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học Góp Phần Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, 2 năm qua, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Bến Tre đã thử nghiệm phương pháp chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học.
Đây là cách nuôi mới, thay đổi kỹ thuật xử lý chất thải, nhằm phát triển chăn nuôi nhưng vẫn đảm bảo tốt yếu tố môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và tác động khác của mô hình giữa các cơ quan quản lý nhà nước, những hộ chăn nuôi với các nhà khoa học. Hội thảo đánh giá thực trạng chăn nuôi trên đệm lót sinh học do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tổ chức ngày 27-11-2014 đã phân tích rõ mặt được và chưa được của mô hình.
Mô hình này xuất hiện tại Bến Tre vào cuối năm 2012, với tên gọi ban đầu là “nuôi heo không tắm, không mùi”. Nhiều hộ chăn nuôi cũng như ngành chăn nuôi trong tỉnh rất mừng và tự phát thực hiện trong dân khá mạnh. Sở NN - PTNT đã tham gia và tổ chức nhiều hội thảo về chuyên đề này, thu hút sự quan tâm của ngành chăn nuôi. Cuối năm 2013, Sở cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thử nghiệm 14 mô hình.
Theo đánh giá ban đầu, mô hình là giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 90 cơ sở chăn nuôi (heo, gà) áp dụng đệm lót sinh học, tập trung tại các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Thạnh Phú và TP. Bến Tre.
Ông Trần Văn Tấn, ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam chia sẻ: Tôi thấy mô hình rất hiệu quả, giảm chi phí về điện, nước, nhân công, thuốc thú y, đặc biệt là xử lý tốt mùi hôi. Ông Hồ Văn Truyền, ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam có cùng nhận định với ông Tấn. Ông Truyền cho biết thêm, heo xuất chuồng bán được giá cao hơn so với heo nuôi truyền thống do lông khô. Mùa Đông, hạn chế được lạnh, heo con không cần dùng đèn để ủ ấm.
Theo Chi cục Thú y tỉnh, mô hình này có các ưu điểm: giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giảm nhẹ chi phí, phù hợp với heo nuôi từ giai đoạn sau cai sữa đến 50 - 60kg. Toàn bộ đệm lót sau khi không sử dụng được tận thu để bán lại cho nhà vườn làm phân bón cho cây trồng. Kỹ thuật làm chuồng nuôi theo hai hướng: tận dụng chuồng nuôi truyền thống, cải tạo lại để làm đệm lót; xây dựng mới.
Về kỹ thuật làm đệm lót, một số cơ sở áp dụng kỹ thuật làm đệm lót do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hướng dẫn, một số tham quan, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nguyên liệu phổ biến là trấu và mụn dừa kết hợp trộn với men Balaza 01. Chi phí làm đệm lót bình quân khoảng 300 ngàn đồng/m2. Diện tích nuôi phù hợp từ 1,5 - 2m2/con heo. Mỗi đệm có thể tận dụng nuôi từ 3 - 5 lứa heo.
Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi heo theo phương pháp mới cũng bày tỏ lo ngại, như: vốn đầu tư làm đệm lót khá tốn kém, giá nguyên liệu làm đệm lót không ổn định, rất khó trong việc tiêu độc khử trùng chuồng nuôi dẫn đến có nguy cơ ủ bệnh, gây bùng phát dịch, chưa có một kết quả nghiên cứu chính thức nào về các tác động khác cũng như độ an toàn của đệm lót về lâu dài cho ngành chăn nuôi, sức khỏe con người.
PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa - Trưởng bộ môn Chăn nuôi Trường Đại học Cần Thơ đồng ý với nhiều băn khoăn của hộ chăn nuôi Bến Tre. Theo ông, tính hiệu quả của mô hình phải được tính toán một cách toàn diện trên cơ sở thực tế khách quan và mang tính khoa học chứ không thể dựa trên một vài tiêu chí.
Ông đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư kinh phí để nghiên cứu, cải thiện các hạn chế, phát huy tối đa hiệu quả của mô hình trong chăn nuôi. Nghiên cứu phải thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng loạt. Mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững.
Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT khẳng định, tính hiệu quả bước đầu của mô hình là khắc phục tốt tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bến Tre sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh theo sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
Trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp ngành Tài nguyên và Môi trường có khuyến cáo các giải pháp thích hợp trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học. Mặt khác, sẽ tiếp tục phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, đề xuất cơ chế, chính sách để có định hướng phát triển đúng đắn.
Nguồn bài viết: http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=39644
Có thể bạn quan tâm
Cty Dược phẩm Nippon Zoki (Nhật Bản) vừa khởi công xây dựng nhà máy "Công nghệ sinh học KONISHI Việt Nam" tại Quế Võ (Bắc Ninh) với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD.
Tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp chuyên ngành thú y, từng làm việc cho một công ty thức ăn chăn nuôi có tiếng với thu nhập khá cao, bỗng anh Khánh xin nghỉ về làm cán bộ khuyến nông xã và cuối cùng làm nông dân. Bước đi có vẻ “thụt lùi”, nhưng đã giúp anh trở thành tỷ phú.
Sau nhiều năm gắn bó với nghề nuôi chim cút, đến nay, ông Trần Nguyễn Hồ ở xã Long An, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng thành công mô hình trang trại nuôi cút với quy mô lớn.
Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm 2012 đến nay, dịch lợn tai xanh đã xảy ra trên địa bàn 43 xã, phường thuộc 10 huyện, thị của 3 tỉnh là: Lào Cai, Điện Biên và Yên Bái làm hơn 8,3 nghìn lợn mắc bệnh, số lợn đã tiêu huỷ là 5.165 con. Hiện nay, tỉnh Lào Cai đã công bố hết dịch, nhưng dịch đang xảy ra nặng ở các tỉnh Điện Biên, Yên Bái và đang có chiều hướng lây lan với tốc độ nhanh; nguy cơ dịch lây lan diện rộng là rất lớn.
Nông dân các huyện phía Đông của tỉnh Tiền Giang bước vào thu họach rộ vụ lúa Thu Đông với niềm vui trúng mùa, trúng giá. Ở vụ này, nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật canh tác của ngành nông nghiệp khuyến cáo nên năng suất lúa đạt bình quân gần 6 tấn/ha, tăng 0,3 tấn ha so cùng vụ năm ngoái