Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học Góp Phần Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường

Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Đệm Lót Sinh Học Góp Phần Khắc Phục Ô Nhiễm Môi Trường
Publish date: Thursday. December 4th, 2014

Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, 2 năm qua, nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh Bến Tre đã thử nghiệm phương pháp chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học.

Đây là cách nuôi mới, thay đổi kỹ thuật xử lý chất thải, nhằm phát triển chăn nuôi nhưng vẫn đảm bảo tốt yếu tố môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và tác động khác của mô hình giữa các cơ quan quản lý nhà nước, những hộ chăn nuôi với các nhà khoa học. Hội thảo đánh giá thực trạng chăn nuôi trên đệm lót sinh học do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tổ chức ngày 27-11-2014 đã phân tích rõ mặt được và chưa được của mô hình.

Mô hình này xuất hiện tại Bến Tre vào cuối năm 2012, với tên gọi ban đầu là “nuôi heo không tắm, không mùi”. Nhiều hộ chăn nuôi cũng như ngành chăn nuôi trong tỉnh rất mừng và tự phát thực hiện trong dân khá mạnh. Sở NN - PTNT đã tham gia và tổ chức nhiều hội thảo về chuyên đề này, thu hút sự quan tâm của ngành chăn nuôi. Cuối năm 2013, Sở cũng đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thử nghiệm 14 mô hình.

Theo đánh giá ban đầu, mô hình là giải pháp khắc phục hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 90 cơ sở chăn nuôi (heo, gà) áp dụng đệm lót sinh học, tập trung tại các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Thạnh Phú và TP. Bến Tre.

Ông Trần Văn Tấn, ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam chia sẻ: Tôi thấy mô hình rất hiệu quả, giảm chi phí về điện, nước, nhân công, thuốc thú y, đặc biệt là xử lý tốt mùi hôi. Ông Hồ Văn Truyền, ở xã Thành Thới B, huyện Mỏ Cày Nam có cùng nhận định với ông Tấn. Ông Truyền cho biết thêm, heo xuất chuồng bán được giá cao hơn so với heo nuôi truyền thống do lông khô. Mùa Đông, hạn chế được lạnh, heo con không cần dùng đèn để ủ ấm.

Theo Chi cục Thú y tỉnh, mô hình này có các ưu điểm: giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giảm nhẹ chi phí, phù hợp với heo nuôi từ giai đoạn sau cai sữa đến 50 - 60kg. Toàn bộ đệm lót sau khi không sử dụng được tận thu để bán lại cho nhà vườn làm phân bón cho cây trồng. Kỹ thuật làm chuồng nuôi theo hai hướng: tận dụng chuồng nuôi truyền thống, cải tạo lại để làm đệm lót; xây dựng mới.

Về kỹ thuật làm đệm lót, một số cơ sở áp dụng kỹ thuật làm đệm lót do Trung tâm Khuyến nông quốc gia hướng dẫn, một số tham quan, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Nguyên liệu phổ biến là trấu và mụn dừa kết hợp trộn với men Balaza 01. Chi phí làm đệm lót bình quân khoảng 300 ngàn đồng/m2. Diện tích nuôi phù hợp từ 1,5 - 2m2/con heo. Mỗi đệm có thể tận dụng nuôi từ 3 - 5 lứa heo.

Tuy nhiên, các hộ chăn nuôi heo theo phương pháp mới cũng bày tỏ lo ngại, như: vốn đầu tư làm đệm lót khá tốn kém, giá nguyên liệu làm đệm lót không ổn định, rất khó trong việc tiêu độc khử trùng chuồng nuôi dẫn đến có nguy cơ ủ bệnh, gây bùng phát dịch, chưa có một kết quả nghiên cứu chính thức nào về các tác động khác cũng như độ an toàn của đệm lót về lâu dài cho ngành chăn nuôi, sức khỏe con người.

PGS.TS Đỗ Võ Anh Khoa - Trưởng bộ môn Chăn nuôi Trường Đại học Cần Thơ đồng ý với nhiều băn khoăn của hộ chăn nuôi Bến Tre. Theo ông, tính hiệu quả của mô hình phải được tính toán một cách toàn diện trên cơ sở thực tế khách quan và mang tính khoa học chứ không thể dựa trên một vài tiêu chí.

Ông đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ đầu tư kinh phí để nghiên cứu, cải thiện các hạn chế, phát huy tối đa hiệu quả của mô hình trong chăn nuôi. Nghiên cứu phải thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng loạt. Mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phát triển chăn nuôi bền vững.

Bà Phan Thị Thu Sương - Phó Giám đốc Sở NN - PTNT khẳng định, tính hiệu quả bước đầu của mô hình là khắc phục tốt tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. Bến Tre sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này trên địa bàn tỉnh theo sự chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.

Trước mắt, ngành Nông nghiệp sẽ phối hợp ngành Tài nguyên và Môi trường có khuyến cáo các giải pháp thích hợp trong việc áp dụng mô hình chăn nuôi heo trên đệm lót sinh học. Mặt khác, sẽ tiếp tục phối hợp các ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện quy trình, đề xuất cơ chế, chính sách để có định hướng phát triển đúng đắn.

Nguồn bài viết: http://www.baodongkhoi.com.vn/?act=detail&id=39644


Related news

Phát hiện một cơ sở thu mua hải sản bơm bột rau câu vào tôm Phát hiện một cơ sở thu mua hải sản bơm bột rau câu vào tôm

Từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, sáng 31/7, Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên) phối hợp cùng Công an huyện Tuy An bắt quả tang một vụ bơm bột rau câu vào tôm thương phẩm tại cơ sở mua bán thủy sản do bà Cao Thị Kim Phượng ở thôn Tân Long, xã An Cư, làm chủ.

Wednesday. August 5th, 2015
Người dân bắt được loài cá lạ Người dân bắt được loài cá lạ

Mấy ngày qua, người dân ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bắt được loài cá “lạ”. Cá có thân hình giống loài cá lóc, có vẩy, đầu giống cá sấu, mỗi con dài khoảng 7 - 8 tấc, nặng khoảng 2,5 - 4kg.

Wednesday. August 5th, 2015
Hạn chế bệnh trên tôm nước lợ vấn đề cần quan tâm Hạn chế bệnh trên tôm nước lợ vấn đề cần quan tâm

Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 5.350ha diện tích nuôi tôm nước lợ, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ và tôm sú. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, bệnh trên tôm diễn biến ngày càng phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm trong tỉnh.

Wednesday. August 5th, 2015
Nuôi cá lồng hướng đi mới ở Quang Bình (Hà Giang) Nuôi cá lồng hướng đi mới ở Quang Bình (Hà Giang)

Huyện Quang Bình (Hà Giang) có trên 700ha diện tích mặt nước, gồm: Ao, hồ, sông, suối, thủy lợi, thủy điện... vì vậy rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản (NTTS). Để khai thác tiềm năng đó, những năm qua, nhân dân trong huyện đã đẩy mạnh phát triển NTTS; nhiều gia đình đã mạnh dạn mở rộng diện tích mặt nước để NTTS.

Wednesday. August 5th, 2015
Bình Thuận khai thác hải sản đạt hơn 98.200 tấn Bình Thuận khai thác hải sản đạt hơn 98.200 tấn

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận (Sở Nông nghiệp & PTNN), tính từ đầu năm 2015 đến ngày 31/7, tổng sản lượng khai thác hải sản trên địa bàn tỉnh ước đạt 98.201 tấn, bằng 52% kế hoạch năm. Nhìn chung hoạt động đánh bắt trên biển thời gian qua của bà con ngư dân địa phương còn gặp khó khăn, nhất là trong quý I do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc nên tình trạng tàu nằm bờ khá phổ biến.

Wednesday. August 5th, 2015