Nghẽn Thông Tin Dự Báo
Thời buổi công nghệ thông tin, chỉ một chiếc điện thoại di động là có thể biết được tất tật thông tin từ hang cùng ngõ hẻm trên thế giới. Vậy mà đối với các hộ nuôi trồng thủy sản lại mất trắng cơ nghiệp do… nghẽn thông tin dự báo thời tiết. Chuyện tưởng lạ nhưng lại có thật 100% đối với rất nhiều hộ nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh sau cơn bão số 5 và số 6.
Thiệt hại do chủ quan.
Theo những người dân ven sông Cầu đúc rút kinh nghiệm, những năm gần đây lũ trên sông ít khi vượt báo động số 3 và luôn thấp hơn lũ trên sông Đuống ở cùng thời điểm. Nhưng năm nay cơn bão số 5 vừa đi qua chưa lâu, cơn bão số 6 đã ập đến gây mưa lớn trên diện rộng, lũ trên sông Cầu lên nhanh người dân không kịp trở tay. Vùng nuôi trồng thủy sản ven sông nước vẫn còn cách bờ bao khoảng 70-80 cm nhưng chỉ qua 1 đêm đã bị ngập trắng toàn bộ. Mặc dù một số hộ đã có sự chủ động tôn cao bờ nhưng vẫn không chống cự nổi bởi lũ lên quá nhanh.
Gia đình bà Ngô Thị Hương, thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang (Yên Phong) là một trong những hộ bị thiệt hại khá nặng nề. Năm 2007, gia đình mạnh dạn nhận thầu 4 mẫu đất ngoài đê sông Cầu ngay sườn cống xả trạm bơm Vọng Nguyệt, đầu tư hơn 200 triệu đồng đắp bờ, khoanh vùng thành 4 ao thả cá. Trong đó ao thứ nhất nuôi cá trắm và mè đã đến kỳ thu hoạch, ao thứ 2 nuôi cá nhỡ, ao thứ 3 nuôi cá giống, diện tích còn lại được sử dụng để thực nghiệm mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm do Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh hỗ trợ 12 triệu đồng tiền giống.
Những năm trước đây, để bảo vệ tài sản, thủy sản trong ao nuôi, trước khi bước vào mùa mưa bão, gia đình bà thường tiến hành thu hoạch toàn bộ diện tích thủy sản. Tuy nhiên, trước mùa mưa bão năm nay với tâm lý chủ quan cho rằng nước lũ khó vượt trên mức báo động số 3 (vì khi đó lũ trên sông Cầu vẫn ở mức thấp), cộng với việc gia đình vừa đầu tư cả trăm triệu đồng tu bổ bờ bao nên tin tưởng sẽ không bị ngập bờ, nên không thu hoạch cá trước lũ.
Khi cơn bão số 6 ập đến, kết hợp lũ lớn trên mức báo động số 3 gây tràn bờ toàn bộ diện tích nuôi trồng thủy sản nằm ngoài tuyến đê sông Cầu, hàng chục tấn cá đã đến ngày thu hoạch đều bị nước lũ cuốn trôi hết. Ngoài ra, hàng trăm cây chuối đang ở thời kỳ ra buồng, 400 cây xoan, 50 cây vải, 40 cây mít, 40 cây ổi sai quả, toàn bộ ruộng ớt rộng khoảng 1 mẫu của gia đình đều chết do ngập úng kéo dài. Theo ước tính, cơn bão số 6 đã gây thiệt hại cho gia đình bà khoảng 200 triệu đồng.
Ngay sát trang trại của gia đình bà Ngô Thị Hương là trang trại chăn nuôi vịt đẻ của ông Chu Văn Mạnh, nước lũ sông Cầu dâng cao quá nhanh không thể trở tay đã làm gia đình ông thất thoát khoảng chục triệu tiền cá giống vừa thả. Cũng do nước lũ ngập chuồng trại, ông Mạnh buộc phải lùa vịt lên mái đê tránh lũ nhiều ngày liền khiến cho tỷ lệ đẻ trứng của đàn vịt 1.800 con giảm khoảng 50%, thiệt hại hàng chục triệu đồng.
Khi được hỏi, với một trang trại đầu tư khá quy mô như vậy sao gia đình lại lơ là, chủ quan không có biện pháp phòng tránh, ông Mạnh chia sẻ: Một phần do tâm lý chủ quan cho rằng lũ sông Cầu khó đạt trên mức báo động số 3, mặt khác do thiếu thông tin dự báo nguy cơ xảy ra lũ lớn nên không phòng, tránh. Hầu hết những gia đình nuôi cá ven sông không có mạng Internet, cũng do xa khu dân cư nên nếu có thông báo của địa phương cũng không nghe được, chỉ có những hộ trong làng mới cập nhật được các thông tin chỉ đạo phòng, tránh của các cấp, ngành chức năng.
Không chỉ gia đình bà Hương, ông Mạnh, trên vùng đất bãi ngoài đê sông Cầu, nhiều nông dân ở các xã: Tam Giang, Đông Tiến, Hòa Tiến, Dũng Liệt (Yên Phong) đã bỏ ra bao mồ hôi và tiền bạc để cải tạo thành ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, rau màu nhưng đều mất trắng, như gia đình anh Ngô Văn Toàn, Ngô Văn Hùng, Ngô Thị Hân, Chu Văn Cường (Tam Giang), Nguyễn Xuân Thủy (Đông Tiến) bị thất thoát thủy sản trị giá từ 10-120 triệu đồng/hộ.
Số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, đợt mưa lũ do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và số 6 với mức nước lũ cao hơn báo động số 3 trên sông Cầu đã gây tràn bờ 26,8 ha nuôi trồng thủy sản khu vực ngoài đê với gần 20 hộ bị thiệt hại, tập trung chủ yếu tại huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh.
Nghẽn thông tin dự báo
Lý giải về vấn đề thông tin dự báo chưa tới được các hộ nuôi trồng thủy sản, ông Phan Đình Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: Bước vào mùa mưa lũ năm nay, Chi cục đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp & PTNT (Kinh tế) các địa phương tăng cường tuyên truyền đến các hộ nuôi trồng thủy sản để thực hiện thu hoạch hoặc có biện pháp đăng chắn bằng lưới, thu gom cá thả nuôi trong các ao nằm ngoài đê, vùng trũng có nguy cơ ngập úng đến nơi an toàn để giảm thiểu cá bị thất thoát.
Khi có thiệt hại do ngập úng gây ra cần sửa chữa, gia cố lại hệ thống bờ bao, cống cấp và tiêu nước bị vỡ hoặc sụt, lở, dọn sạch bào, rác, vệ sinh, khử trùng ao nuôi... Tuy nhiên khi thông tin chỉ đạo đến huyện có đến với các hộ lại là cả một vấn đề cần bàn. Thực tế nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này.
Bởi không như lĩnh vực trồng trọt có mạng lưới cán bộ chuyên môn đến tận cơ sở theo dõi, chỉ đạo trực tiếp, mạng lưới quản lý thủy sản của tỉnh hiện còn mỏng, thiếu cán bộ. Hiện chỉ có 3/8 huyện có cán bộ chuyên ngành thủy sản, hầu hết là kiêm nhiệm.
Về việc chuyển tải thông tin chỉ đạo từ huyện đến HTX, hộ được bà Ngô Thị Nga, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT Yên Phong cho biết: Trên tinh thần các văn bản chỉ đạo của Chi cục Thủy sản, Phòng đã cụ thể hóa văn bản chỉ đạo đó gửi tới các HTX bằng đường bưu điện, hay điện thoại trực tiếp cho các Tổ trưởng Tổ nuôi trồng thủy sản ở các thôn, xã, sau đó các Tổ trưởng có trách nhiệm thông báo cho từng hộ. Song thông tin đó có đến được các hộ hay không thì Phòng khó có thể nắm bắt được hết, do chưa có mạng lưới cán bộ quản lý ở cơ sở.
Còn anh Phạm Văn Hùng, Tổ phó Tổ nuôi trồng thủy sản thôn Vọng Nguyệt cho biết thêm, do đặc thù sinh hoạt của người dân nông thôn, không phải lúc nào cán bộ đến trang trại hay gia đình thông báo trực tiếp đều gặp được chủ hộ. Các tổ thủy sản chỉ làm việc trên tinh thần tự nguyện, tranh thủ thời gian rảnh rỗi là chính, có khi nay đến không gặp lại để đến mai.
Nếu là thông tin chỉ đạo phòng trị bệnh tật cho cá chậm một chút không sao, nhưng với thông tin thời tiết để đến ngày hôm sau là quá chậm muộn, vì mưa lớn có thể xảy ra ngay sau đó. Với thiên tai khoảng cách thông tin chậm muộn chỉ một giờ, hay một số phút đã là cả một sự khác biệt lớn, chứ chưa nói đến 1 ngày.
Rõ ràng về phía các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng và địa phương đều có những thông tin dự báo để phòng, tránh nhưng sự kết nối của những thông tin đó vẫn còn thiếu chặt chẽ, nên hiệu quả chỉ đạo chưa cao.
Khơi dòng thông tin, chủ động phòng, tránh
Nhìn lại thực tế trong công tác phòng, chống ngập úng cho sản xuất thủy sản vừa qua thấy rõ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Nếu như với các vùng nuôi trồng thủy sản trong đồng người dân đã có những kinh nghiệm và thực hiện các biện pháp phòng, tránh khá hữu hiệu được thể hiện bằng việc không có vùng nào bị thiệt hại.
Còn đối với các vùng thủy sản ngoài bãi sông do sự thiếu cẩn trọng, chủ quan và sự cập nhật thông tin thời tiết chưa được thường xuyên, liên tục và tức thời, khiến cho nhiều hộ nuôi trồng thủy sản chưa kịp thu hoạch, dẫn đến những thiệt hại nặng nề.
Vấn đề đáng quan tâm là việc kết nối thông tin chỉ đạo từ tỉnh tới cơ sở còn có nhiều phân khúc, mất thời gian và vẫn chưa có sự kết dính liên tục. Những hộ nuôi trồng thủy sản ven sông Cầu nói riêng và các vùng nuôi trồng thủy sản nói chung không nên chủ quan quá tin tưởng tuyệt đối vào quy luật diễn biến thời tiết.
Cùng với cập nhật các thông tin, tinh thần chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn, các hộ cần tự tìm hiểu diễn biến thời tiết qua nhiều kênh thông tin khác nhau, đồng thời căn cứ vào quy luật phát triển của thủy sản tác động vào quá trình nuôi dưỡng có sự tính toán hợp lý theo thời vụ… để có biện pháp tôn cao bờ bao chống úng, chủ động thu hoạch cá trước lũ cho phù hợp với thực tế của trang trại gia đình mình.
Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm chỉ đạo tăng cường mạng lưới quản lý thủy sản, để mạng lưới này có đủ năng lực chỉ đạo sản xuất, cập nhật các thông tin phòng, tránh ngập úng sát thực tới tận hộ… cho dòng thông tin dự báo được khơi thông, giúp các hộ nuôi trồng thủy sản hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này khi Nghị định 67 về chính sách phát triển thủy sản đang triển khai, thì tại các xã ven biển tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện những người môi giới “tư vấn” ngư dân để vay nguồn vốn này nhằm trục lợi. Do vậy, ngư dân cần cảnh giác…
Năm nay là năm thứ 5 liên tiếp, HTX Đông Giang 2, phường Đông Giang (thành phố Đông Hà, Quảng Trị) được mùa tôm sú. Với 19,5 ha ao nuôi trên tổng số 50 hộ dân tham gia, sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi hộ nuôi tôm lãi ròng khoảng 200 triệu đồng, trong đó hộ lãi cao nhất gần 500 triệu đồng.
Theo đó, sản phẩm cá thát lát Hậu Giang phải được sản xuất, chế biến trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đáp ứng được các tiêu chí gồm thớ thịt có màu trắng trong tự nhiên, thịt dai, cơ thịt mịn, săn chắc. Cá thát lát là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang được xem là ngon nhất khu vực ĐBSCL với nhiều cách chế biến như chả cá thát lát nấu canh, cá thát lát chiên muối sả…
Đây là chính sách tái cấp vốn đặc biệt, với lãi suất áp dụng là 0%/năm. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày và được gia hạn tự động hàng năm với tổng thời gian là 3 năm. Mức tái cấp vốn được xác định tương ứng với số tiền tổ chức tín dụng đã thực hiện khoanh nợ cho khách hàng.
Năm ngoái, XK hồ tiêu của nước ta đã đạt gần 1 tỷ USD. Năm nay, đến thời đểm này, tuy chưa có con số thống kê chính thức, nhưng có thể nói, ngành hồ tiêu đã chạm mốc XK 1 tỷ USD.