Việt Nam Là Quốc Gia Có Nguồn Cung Thủy, Hải Sản Hàng Đầu Thế Giới
Sáu tháng đầu năm nay, thủy sản Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững ngôi vị chủ lực trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu, đóng góp một phần lớn trong tổng số 10,78 tỷ USD hàng hóa nông-thủy sản xuất khẩu ra thế giới.
Trước thềm Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam (Vietfish) lần thứ 16 sẽ được tổ chức vào đầu tháng Tám năm nay, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) xung quanh các vấn đề về công tác xúc tiến thương mại đối với các mặt hàng thủy, hải sản Việt Nam.
- Thưa ông, những nhân tố nào đã giúp Việt Nam tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng cao trong nhiều năm qua?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Thủy sản Việt Nam đã có một tiến trình phát triển dài và bền vững, ghi dấu ấn là quốc gia có nguồn cung thủy sản hàng đầu thế giới. Cho tới nay, các mặt hàng thủy, hải sản của Việt Nam luôn đáp ứng đầy đủ các tiêu chí ổn định về cả chất lượng và số lượng.
Vừa qua, kinh tế thế giới có nhiều biến động, nhưng nhìn chung nhu cầu về thủy sản vẫn luôn tăng, chỉ thay đổi trong từng thị trường khác nhau và từng nhóm mặt hàng khác nhau.
Thời gian qua, một số quốc gia có ngành nuôi trồng phát triển như Thái Lan, Indonesia... đã gặp một số khó khăn do tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi. Điều này cũng đã tạo ra thêm các cơ hội cho Việt Nam phát triển xuất khẩu các mặt hàng tôm và thủy hải sản khác.
Về sản xuất tôm, Việt Nam đã chuyển dịch từ tập trung nuôi tôm sú sang nuôi cả tôm thẻ chân trắng, dù việc chuyển dịch này hơi muộn so với các nước, nhưng đã kịp thời để tạo thêm nguồn cung có giá trị cao.
Với mặt hàng cá tra, trong 6 tháng qua, tuy có sự sụt giảm nhẹ do có sự điều chỉnh từ phía thị trường, sự cạnh tranh mạnh từ các loài cá thịt trắng khác (đặc biệt là minh thái Alaska pollak), nhưng đây vẫn là mặt hàng đang được nhiều thị trường tiềm năng lựa chọn.
Trong khi các thị trường lớn, có sức tiêu thụ mạnh như châu Âu đã bắt đầu ổn định sau một giai đoạn suy giảm vừa qua.
Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước cũng đã được nâng cao rất nhiều trong mọi khía cạnh, cả về chất lượng, cũng như sản xuất, xuất khẩu.
Đa số các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã có năng lực cạnh tranh để có thể nhập thêm nguồn nguyên liệu tốt từ một số nước xung quanh như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Ecuador... phục vụ nhu cầu sản xuất xuất khẩu và gia công xuất khẩu, đáp ứng được đa dạng các đơn hàng và khách hàng khác nhau.
- Các nhà nhập khẩu trên thế giới thường đưa ra các yêu cầu về tiêu chuẩn khác nhau dựa trên hệ thống các tiêu chuẩn sản xuất thủy sản sinh thái, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như ASC, BAP, GlobalGAP... Ông nhận xét như thế nào về các tiêu chuẩn này và phải chăng sự khác biệt trong các tiêu chuẩn là rào cản lớn nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam khi ra nhập thị trường quốc tế?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Đây là một xu hướng và chủ yếu tập trung ở thị trường châu Âu và Mỹ. Các tiêu chuẩn này là các tiêu chuẩn tự nguyện, được yêu cầu bởi các nhóm khách hàng cụ thể. Một mặt, các tiêu chuẩn góp phần thúc đẩy sản xuất bền vững nhằm đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm, trách nhiệm môi trường và xã hội.
Có thể nói, đây là hướng tiếp cận hội nhập. Hơn 10 năm trước, qua công tác nghiên cứu thị trường, VASEP đã nhận thức được điều này và cũng đã tìm hiểu và cập nhật xu hướng, tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp hội viên.
Tuy nhiên, có những đánh giá khác về một số chứng nhận trong các sản phẩm về nuôi trồng, đặc biệt là cho sản phẩm cá tra, khi mà cùng một lúc cá tra chịu tác động của nhiều tiêu chuẩn khác nhau như ASC, GlobalGAP... từ phía châu Âu hay BAP từ các khách hàng Mỹ.
Việc này đã tạo ra cú hích cho sản xuất thủy sản trong nước. Cú hích này được thể hiện trước hết là tăng giá thành sản xuất. Vì các chi phí về đầu tư để cải thiện trang trại nuôi, nhà máy và cả nguồn lực để vận hành các tiêu chuẩn này cũng như chi phí kiểm nghiệm đi theo đều gia tăng.
Bên cạnh đó, phát sinh thêm các chi phí tư vấn, đánh giá phải được tính vào giá thành. Việc giá thành cao sẽ làm giảm bớt năng lực cạnh tranh của hàng thủy sản Việt Nam.
Có một số ý kiến cho rằng, đây là rào cản khiến cho việc hội nhập quốc tế khó khăn hơn, hay là cách bảo vệ sản xuất trong nước của một số quốc gia nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng ta cần phải nhìn nhận các tiêu chuẩn chứng nhận này trên khía cạnh sản xuất và thương mại đầy đủ.
Qua các chứng nhận này, hàng thủy sản Việt Nam thể hiện cam kết rõ ràng về hàng hóa có chất lượng, có trách nhiệm môi trường, xã hội. Nhưng đồng thời cũng cần phải có sự đấu tranh để giảm giá thành sản xuất trong nước của doanh nghiệp, của người nuôi.
Chúng ta cần tham gia vào hoạt động điều phối của các chứng nhận này hoặc hợp tác sâu rộng hơn, để tiến tới hài hòa hóa các chứng nhận từ đó giảm bớt số lượng chứng nhận cần thực hiện khi nó có các yêu cầu và tiêu chí tương đương nhau.
- Vậy VASEP đã có những chiến lược cụ thể gì trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng và quảng bá thương hiệu thủy sản Việt Nam?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Trong thời gian qua, VASEP đã cố gắng thực hiện tốt ít nhất 3 nhóm hoạt động.
Thứ nhất là duy trì hoạt động xúc tiến thương mại gắn liền với tiêu chí hàng hóa an toàn-chất lượng một các thường xuyên, liên tục, đổi mới để tạo sự ấn tượng, một hình ảnh tốt về thủy sản Việt Nam.
Chúng tôi đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn, tích cực tham gia các hội chợ, các chương trình hội nghị, khảo sát, đánh giá hoặc các chương trình đối thoại.
Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại cũng được VASEP thể hiện trên các kênh thông tin thường xuyên của Hiệp hội, góp phần tạo kênh thông tin khách quan tới người tiêu dùng và các bạn hàng.
Các thông tin đó cũng thể hiện sự minh bạch, công bằng để hình ảnh, thương hiệu thủy sản Việt Nam mang tính tích cực trong con mắt người tiêu dùng các nước khác nhau trên thế giới mà ở đó yếu tố chất lượng là tiêu chí hàng đầu.
Thứ hai là việc đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế. Hợp tác này có thể là hợp tác với các tổ chức nhập khẩu hay hiệp hội các nhà nhập khẩu tại châu Âu, Australia, Mỹ... qua đó tạo kênh kết nối thương mại, qua đó tạo thúc đẩy quy trình sản xuất trong nước.
VASEP cũng đã có các hợp tác cụ thể với các tổ chức quốc tế, hỗ trợ cho ngành thủy sản Việt Nam như các tổ chức về môi trường, các tổ chức hỗ trợ cho hoạt động marketing, xúc tiến thương mại...
Cùng đó, chúng tôi duy trì đối thoại thường xuyên với các nhà nhập khẩu, đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài để đảm bảo rằng hàng thủy sản Việt Nam luôn ở mức cam kết cao và minh bạch.
Thứ ba là hoạt động thông tin truyền thông. VASEP đã và đang duy trì tốt các kênh thông tin trong và ngoài nước. Trang điện tử www.vasep.com.vn hiện là một trong ba kênh thông tin hàng đầu về thương mại thủy sản trên thế giới theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế và công cụ điện tử www.alexa.com tính theo lượng truy cập hàng ngày.
Sang tháng Tám tới, VASEP sẽ thay đổi và đẩy mạnh kênh thông tin ngành hàng bằng tiếng Anh để quảng bá sản phẩm, hình ảnh thủy sản của Việt Nam và doanh nghiệp hội viên ra nước ngoài. Từ đó, VASEP sẽ là đầu mối hỗ trợ hội viên và các đối tác quốc tế, cung cấp thông tin và dữ liệu một cách cập nhật, đầy đủ về thủy sản Việt Nam.
- Là một trong những sự kiện trọng đại hàng năm nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại của ngành thủy sản, Vietfish 2014 có những điểm nổi bật gì?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Hội chợ thương mại Vietfish đã được duy trì và phát triển trong 15 năm qua, tạo cầu nối cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước có các cơ hội hợp tác, thương mại.
Năm nay, Vietfish 2014 có sự thay đổi quan trọng, đó là thời gian tổ chức hội chợ năm nay được chuyển từ tháng Sáu sang tháng Tám tới. Sau khi khảo sát các doanh nghiệp hội viên, các nhà nhập khẩu, các đối tác tham gia Vietfish, chúng tôi thấy thời điểm tổ chức vào tháng Tám là phù hợp hơn cả. Sự điều chỉnh về thời gian này đảm bảo cho các đơn vị trong và ngoài nước tham gia với Vietfish nhiều hơn.
Năm nay, số lượng các công ty, doanh nghiệp nước ngoài đến thăm và đặt vấn đề làm việc với các doanh nghiệp, Hiệp hội và đăng ký các gian hàng trong khuôn khổ hội chợ đã tăng mạnh.
Đó không chỉ là những công ty thương mại mà còn có các hiệp hội nhập khẩu, cơ quan đại diện thương mại đang có quan hệ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thủy sản. Đây là điểm nhấn của Vietfish 2014.
Một điểm nổi bật khác nữa của hội chợ năm nay đó là các hoạt động tổ chức hội nghị, hội thảo bên lề hội chợ. Năm nay, dự kiến các chương trình hội thảo về thị trường, chứng nhận, tiêu chuẩn kỹ thuật, dịch vụ... sẽ được thực hiện xuyên suốt ba ngày diễn ra hội chợ.
Đặc biệt, vào chiều 6/8 tới, VASEP, dự án SUPA và Diễn đàn cá Tra Việt Nam sẽ tổ chức diễn đàn lớn về cá tra với chủ đề "Phát triển bền vững cá Tra tại thị trường EU,” với sự tham gia của đông đảo các chủ thể liên quan chuỗi giá trị cá tra, từ đại diện Tổng cục Thủy sản, Cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) đến các nhà nhập khẩu lớn tại EU, các doanh nghiệp cá tra, các tổ chức phi chính phủ..., với gần 200 đại biểu đã đăng ký tham dự.
Điều này sẽ tạo ra sự quan tâm của đông đảo các doanh nghiệp trong nước, các nhà nhập khẩu và bạn bè quốc tế.
- Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, Vietfish 2014 dự kiến hướng tới việc mở rộng thị trường nội địa như thế nào?
Ông Nguyễn Hoài Nam: Trong thời gian 2 năm qua, Ủy ban Hải sản VASEP đã thành lập được các nhóm câu lạc bộ gồm các doanh nghiệp có chung mặt hàng sản xuất như Câu lạc bộ ghẹ VASEP, câu lạc bộ cá ngừ VASEP, câu lạc bộ cung cấp hàng nội địa...
Năm nay, VASEP đã chuẩn bị và cung cấp một khu gian hàng chung với diện tích rộng dành cho các doanh nghiệp trong câu lạc bộ cung cấp các mặt hàng cho thị trường trong nước.
Các doanh nghiệp tham gia dự kiến sẽ mang tới trưng bày đa dạng các mặt hàng có chất lượng, tiện dụng và đang được cung cấp rộng rãi cho các kênh siêu thị, bán lẻ trong nước như: các sản phẩm “The gift farm,” tôm, lẩu, cá tra, cá thu, xíu mại, cháo bổ dưỡng, nước mắm, nước chấm...
Cho đến nay, Câu lạc bộ các doanh nghiệp cung cấp hàng nội địa của Hiệp hội có 26 doanh nghiệp, sản xuất & cung cấp đa dạng các sản phẩm thủy sản chính cho các hệ thống bán lẻ, siêu thị trên toàn quốc.
Trân trọng cám ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến.Thực tế cho thấy, lĩnh vực nông nghiệp nước ta có quy mô nhỏ, chủ yếu là hộ gia đình nên rất khó khăn khi cạnh tranh với các nước trên thế giới.
Trả lời thêm về vấn đề hội nhập kinh tế quốc tế trong phiên chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tham gia 10 Hiệp định thương mại tự do, chuẩn bị tham gia vào cộng đồng kinh tế ASEAN…
Gần 2 năm nay, một số hộ dân Bình Đông, Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) tận dụng thế mạnh khu vực biển phía sau bờ chắn sóng Nhà máy đóng tàu Dung Quất (giáp cửa biển Sa Cần), phát triển nghề nuôi cá bớp trong lồng bè.
Đã chục năm nay, cam Cao Phong (Hòa Bình) nức tiếng cả nước giúp hàng trăm nông dân nơi đây kiếm tiền tỷ. Nhà bà Đặng Thị Thu ở khu 2, do có hơn 300 gốc cam, quýt nên đều đặn từ năm 2010 đến nay thu lãi 2-5 tỷ đồng/năm.
“Nói rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất từ TPP là cái nhìn… méo mó”. Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan về cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).