Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bền Chí Làm Giàu

Bền Chí Làm Giàu
Ngày đăng: 13/02/2015

Nhận thấy làm nông quá vất vả mà hiệu quả kinh tế mang lại rất thấp nên gần 10 năm nay, lão nông Nguyễn Giáo (75 tuổi), ở thôn Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đã mở trang trại chăn nuôi gia cầm quy mô, cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.

Với ông, lao động là niềm vui và là cách để dạy cháu con biết quý trọng sức lao động, giá trị cuộc sống. Bằng quyết tâm ấy, ông đã vượt khó vươn lên làm giàu bền vững trên vùng đất khó và trở thành gương sáng cho người dân trong vùng noi theo...

Khi nghe chúng tôi hỏi về tấm gương làm kinh tế giỏi Nguyễn Giáo, ông Lê Kim Cận, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Thượng không ngớt lời khen: “Ông Nguyễn Giáo tuy tuổi đã cao nhưng rất có ý chí, nghị lực làm giàu, biết cách tính toán làm kinh tế một cách khoa học. Không những vậy, ông còn nhiệt tình giúp đỡ bà con trong thôn cùng vươn lên làm giàu, xây dựng quê hương”.

Gia đình ông Nguyễn Giáo trước đây làm lúa nước quanh năm chỉ đủ ăn chứ không dư giả gì. Vùng đất Thượng Phước hay gặp hạn hán, ngập lụt nên làm lúa nước rất khó khăn. Để tăng thêm thu nhập, ông Giáo quyết định trồng 100 gốc tiêu trong diện tích vườn nhà mình. Nhờ áp dụng cách trồng và chăm sóc khoa học, bỏ nhiều công sức, vườn tiêu của ông ngày càng xanh tốt, hứa hẹn mang lại năng suất cao.

Thế nhưng, năm 1999, ngập lụt xảy ra, vườn tiêu của ông Giáo bị úng nước lâu ngày thối gốc, lá ngả vàng và dần dần chết sạch. Tưởng thất bại đó sẽ làm ông chán nản, thế nhưng với nghị lực vượt khó, sau tính toán kỹ lưỡng, nhận thấy việc trồng trọt dễ gặp rủi ro, ông chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi.

Vài năm sau đó, trên mảnh đất vườn để trống, một mô hình chăn nuôi được ông Giáo gây dựng nên. “Sau khi đi nhiều nơi trong huyện học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi khoa học, cách phòng bệnh, đặt vấn đề với các đầu mối cung cấp thức ăn chăn nuôi tôi quyết tâm mở trang trại để đỡ vất vả mà thu nhập lại cao hơn”, ông Giáo chia sẻ.

Giống chăn nuôi chủ yếu của ông là các loại gia cầm như gà, vịt, ngỗng, ngan bởi chúng dễ nuôi và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hàng ngày, ông dành nhiều thời gian chăm sóc tốt đàn gia cầm, cho ăn tỷ lệ hợp lý tránh lãng phí và thường xuyên kiểm tra sức khỏe, tình hình dịch bệnh để phòng tránh kịp thời.

Hiện tại trang trại của ông có hơn 300 con gà ta nuôi lấy thịt, 10 con ngỗng mẹ, 1 ngỗng đực cho sinh sản lấy giống chăn nuôi, hơn 100 con ngỗng con, gần 70 con ngan lai. Nguồn thức ăn chủ yếu ngoài bột chăn nuôi gia cầm ông còn cho ăn kết hợp với cám gạo, cây chuối băm nhỏ, lúa, ngô... như vậy sẽ đỡ tốn kém hơn và chất lượng sản phẩm cao hơn, thịt gia cầm ngon, săn chắc hơn.

Nhờ được chăm sóc tốt, đàn gia cầm của ông Giáo lớn nhanh, ước tính sau mỗi lứa bán (trong vòng 3,5 đến 4 tháng là xuất bán) ông thu về gần 30 triệu đồng tiền lãi. Bên cạnh đó, số ngỗng mẹ được ông cho nhân giống lấy ngỗng con nuôi thịt và cung cấp con giống ra thị trường trung bình 1 năm ngỗng mẹ sinh sản 4 - 5 lứa, 1 con mẹ mỗi lứa sinh từ 8 - 9 con.

Riêng ngan thì ông chỉ nuôi bán thịt từ 4 - 5 tháng xuất đi 1 lần, sau đó lại đi mua con giống về tiếp tục nuôi. Tính theo giá thị trường hiện nay 1kg thịt gà ta giá khoảng 100 nghìn, 1 kg thịt ngan giá khoảng 60 nghìn đồng, giá mỗi cặp ngỗng con từ 180 đến 200 nghìn đồng và giá ngỗng thịt từ 140 đến 150 nghìn đồng/kg nên trung bình mỗi năm trừ hết mọi chi phí, lợi nhuận ông thu về từ mô hình chăn nuôi khoảng 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, ông Giáo cải tạo lại diện tích đất bỏ trống nhiều năm gieo trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn và trồng một số cây ăn quả khác. Sau những năm tháng vất vả cải tạo đất đai, ông đã có 7 sào ruộng trồng lúa nước. Với diện tích lúa đó ngoài việc làm lương thực cho gia đình, bán ra thị trường ông còn dành phục vụ cho trang trại chăn nuôi.

Ông Giáo cho biết: “Tôi mới tìm hiểu thêm mô hình nuôi bồ câu Pháp và thấy nó cũng dễ làm nên có lẽ vài tháng nữa tôi sẽ bắt tay xây dựng chuồng trại để nuôi nhằm tăng thêm thu nhập cho gia đình”. Sự bền chí vượt lên gian khó để thoát nghèo của ông Giáo xứng đáng là tấm gương sáng để mọi người noi theo...


Có thể bạn quan tâm

Bất Cập Trong Sản Xuất, Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế (Bắc Giang) Bất Cập Trong Sản Xuất, Tiêu Thụ Gà Đồi Yên Thế (Bắc Giang)

Năm 2014, chăn nuôi gà đồi ở Yên Thế phát triển ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Thời điểm này, với giá bán 65 - 75 nghìn đồng/kg, cứ 1.000 con gà người chăn nuôi lãi 15 - 20 triệu đồng. Nếu tập trung khắc phục những bất cập trong sản xuất và tiêu thụ thì chăn nuôi gà còn đạt hiệu quả cao hơn.

02/02/2015
Vì Sao Dalat Milk Ngưng Mua Sữa Có Tỷ Lệ Nước Trên 4%? Vì Sao Dalat Milk Ngưng Mua Sữa Có Tỷ Lệ Nước Trên 4%?

Công ty cổ phần sữa Đà Lạt (Dalat Milk) thông báo, nếu trong sữa bò mà nông dân giao cho nhà máy có tỷ lệ nước từ 4% trở lên thì người bán sẽ bị nhắc nhở và sau 6 lần kiểm tra mà sữa vẫn có tỷ lệ nước trên 4%, công ty sẽ ngưng nhận sữa từ nông dân nuôi bò có hợp đồng bán sữa với công ty.

02/02/2015
Người Đầu Tiên Đưa Giống Sắn Siêu Bột Về Phú Yên Người Đầu Tiên Đưa Giống Sắn Siêu Bột Về Phú Yên

Anh Bùi Văn Nhương ở xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), là người đầu tiên ở Phú Yên lặn lội vào tỉnh Tây Ninh đưa giống sắn KM419 về trồng. Giống sắn này được nhân dân các tỉnh Đồng Nai, Đắk Lắk, Phú Yên gọi là giống sắn siêu bột Nông Lâm, cho năng suất cao, mang lại hiệu quả kinh tế.

02/02/2015
Người Trồng Tiêu Ở Vị Thủy Có Lợi Nhuận Cao Người Trồng Tiêu Ở Vị Thủy Có Lợi Nhuận Cao

Thống kê của Trạm khuyến nông - khuyến ngư huyện, hiện trên địa bàn có hơn 5ha đất vườn kém hiệu quả được bà con chuyển sang trồng cây tiêu, tăng hơn 2ha so với năm 2013, tập trung ở xã Vị Đông, Vị Thanh và Vị Bình. Theo một số hộ canh tác cho biết, cây tiêu thích nghi tốt với thổ nhưỡng ở địa phương và kỹ thuật trồng tương đối dễ, ít dịch bệnh, đặc biệt là đầu ra rất thuận lợi, được thương lái đến tận nơi thu mua với số lượng nhiều.

02/02/2015
Hồng Hoa Cây Trồng Mới Có Nhiều Hứa Hẹn Hồng Hoa Cây Trồng Mới Có Nhiều Hứa Hẹn

Ở Dak Lak, ngoài diện tích cà phê, cao su, hồ tiêu... cho hiệu quả kinh tế cao, diện tích đất canh tác còn lại chủ yếu là trồng cây ngắn ngày như: lúa, ngô, đậu đỗ các loại. Các loại cây trồng ngắn ngày kể trên có nhiều hạn chế, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích thấp - chỉ bình quân 20 triệu đồng/ha.

02/02/2015