Minh bạch các khoản phí
Đó là chia sẻ của TS. Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam.
Xin ông cho biết, các loại phí, lệ phí đang gây sức ép như thế nào tới ngành chăn nuôi?
- Thực tế, phí và lệ phí đang làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Trong khi đó, để cạnh tranh, chúng ta cần chất lượng tốt, giá thành hạ. Chất lượng tốt nhưng giá thành cao cũng không ai mua, đó là xu thế tất yếu.
Ngành chăn nuôi Việt Nam đa số là nhỏ lẻ, có 11 triệu hộ chăn nuôi, trong đó có 8 triệu hộ chăn nuôi gia cầm.
Vì nhỏ lẻ nên dễ xảy ra dịch bệnh, giá thức ăn cao hơn so với khu vực 3 - 5%, sản phẩm chăn nuôi công nghiệp ít, chất lượng không đồng đều.
Một rào cản khác là chính sách, phí và lệ phí đang dồn vào con gia cầm, dồn vào cân thịt lợn. Không chỉ là các loại phí được Nhà nước vừa tháo gỡ, mà có tới hàng trăm loại phí đổ vào đầu con gia cầm, con lợn. Đây là vấn đề quan trọng cần được tháo gỡ.
Chúng tôi đang trực tiếp thống kê các khoản phí, lệ phí, sẽ có văn bản đề nghị với Bộ trưởng Cao Đức Phát, kiến nghị với Chính phủ...
Vì thực tế hiện nay, còn một loạt các phí “chạy” qua “con đường” thức ăn, thuốc thú y, vắcxin...
Ví dụ, riêng phí để sản xuất ra một lọ vắcxin cũng bị ngành thú y thu tới 8 lần. Như vậy, vô hình chung, chúng ta đang đẩy giá thành của ngành chăn nuôi tăng cao.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải làm gì, thưa ông?
- Để giảm bớt gánh nặng cho người chăn nuôi, trước hết phải rà soát lại tất cả các loại phí, lệ phí trong nhập khẩu thức ăn, chế biến, sản xuất thuốc thú y, sản xuất vắcxin, giết mổ... để giảm giá thành, giảm chi phí cho người chăn nuôi.
Thứ hai là minh bạch các loại phí. Hiệp hội chăn nuôi gia cầm sẵn sàng đối thoại với Cục Thú y, các cơ quan chức năng khác, Bộ Nông nghiệp... về các khoản phí và lệ phí trước khi trình Chính phủ.
Thứ ba là quy định rõ, việc nào doanh nghiệp làm, việc nào ngành chức năng làm. Vì ngành thú y là ngành quản lý nhà nước, không phải ngành dịch vụ. Phải tách bạch hai vấn đề này ra.
Nhiều cơ quan đang bị lẫn khái niệm dịch vụ công và quản lý nhà nước. Người chăn nuôi đã đóng thuế nuôi bộ máy quản lý nhà nước, cơ quan quản lý hãy làm tốt chức năng này.
Còn các dịch vụ công nên chuyển cho các hội, hiệp hội có điều kiện.
Ngoài ra, cần có chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng quy mô chăn nuôi. Các doanh nghiệp trong hiệp hội không sợ hàng nhập khẩu, chỉ mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ để phát triển.
Ông có nói việc cần tách bạch dịch vụ công và quản lý nhà nước, việc này sẽ giúp gì cho việc giảm chi phí cho người chăn nuôi?
- Tách bạch dịch vụ công hay xã hội hóa là một trong những giải pháp để giảm phí và lệ phí. Vì có phần việc doanh nghiệp vẫn phải làm thì ngành thú y không nên “ôm” nữa.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp chăn nuôi tự lo về tiêm phòng, phun thuốc vệ sinh chuồng trại thay vì để ngành thú y đảm nhiệm như hiện nay sẽ giúp giảm bớt thủ tục phiền hà và phát sinh chi phí đối với người chăn nuôi.
Hiện nay, theo Thông tư 14 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành thú y nếu sử dụng không hết phí thu được mới phải nộp về ngân sách Nhà nước.
Tôi cho rằng phải cải tổ từ khâu này, các loại phí phải thu bằng hóa đơn đỏ, nộp hết về ngân sách. Nguồn thu quỹ này sau đó được chi cho ngành thú y và hỗ trợ cho cả người chăn nuôi thì mới minh bạch.
Có thể bạn quan tâm
Câu mực tầng đáy hiện được xem là nghề mới đem lại hiệu quả kinh tế cho ngư dân khai thác hải sản ở các tỉnh ven biển ĐBSCL, đồng thời góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Mực ống thường sống ở độ sâu gần 100m nước, tập trung nhiều ở vùng nước sâu khoảng 30 - 50m. Một số loài mực khác lại sống ở các vùng biển khơi với độ sâu hơn 100m nước
Mấy năm gần đây, cụm từ “tổ đội đánh bắt” được bổ sung vào “từ điển” của ngành hải sản. Nó như “cú hích” cho ngành hải sản, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển trong thời khốn khó và đầy bất trắc. Những tổ đội này ban đầu được thành lập ở Đà Nẵng rồi nhân ra Quảng Nam, Quảng Ngãi… và đến nay nhiều địa phương miền Trung áp dụng như một điển hình trong hoạt động đánh bắt xa bờ.
Con giống sạch bệnh được người nuôi tôm trong tỉnh Cà Mau hướng đến, nhất là ở mô hình nuôi công nghiệp. Tuy nhiên, người nuôi tôm còn chủ quan đối với con giống có thương hiệu sạch bệnh, đã qua kiểm dịch nên dịch bệnh vẫn xảy ra
Do thời tiết âm u kéo dài, nên sâu bệnh đã “tấn công” những vườn vải thiều đang ra hoa ở Hải Dương.
Trước tình hình nuôi trồng thủy sản ngày càng khó khăn, giá cá tra đang sụt giảm, người nuôi không có lời, thành phố Cần Thơ thực hiện nhiều giải pháp nhằm vực dậy nghề nuôi cá tra.