Mì Rớt Giá, Nông Dân Lo Lắng
Mới bước vào đầu vụ thu hoạch mì nhưng bà con nông dân như ngồi trên lửa vì mì tụt giá mạnh. Nguy cơ thua lỗ đang hiện ra trước mắt.
Rớt giá mạnh
Gần 1 tháng qua, trên các đồng ruộng, bà con nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch mì vì sợ mưa bão đến bất thường, nhưng ai cũng than trời vì giá quá thấp so với năm ngoái.
Ông Lê Văn Mẹo, ở thôn Thọ Nam, xã Tịnh Thọ (Sơn Tịnh) cho biết, 7 năm trở lại đây năm nào gia đình ông cũng trồng 8 sào mì. Năm 2013, khi mì có giá hơn 2 triệu đồng/tấn mì tươi, ông kiếm được gần 20 chục triệu đồng, nhưng năm nay họ chỉ trả 1,3 triệu đồng/tấn nên ông không bán mà thuê xe chở xuống tận nhà máy, nhưng tính lại cũng chẳng lợi được bao nhiêu.
“Vùng này mọi năm độ bột khỏi lo mà năm nay họ bảo có 20-21 độ nên mua có 1,3 triệu đồng/tấn. Chênh lệch 600-700 nghìn đồng/tấn, thì trừ công cán, phân bón chẳng còn lãi, kiểu này người dân xóa đói giảm nghèo rất khó”- ông Mẹo than thở.
Bà Trần Thị Cường, ở thôn Xuân Yên, xã Bình Hiệp (Bình Sơn) cũng đang lo lắng vì gần 2 sào mì ở vùng trũng đến kì thu hoạch mà chẳng thấy bóng dáng thương lái đâu.
“Mọi năm thời điểm này, không nói thương lái cũng đến tận nhà hỏi mua, năm nay tui không thấy ai cả. Sợ mưa xuống hư hết coi như mất cả chì lẫn chài”.- bà Cường lo lắng:
Nếu như năm 2013, người dân và thương lái vui mừng vì mì được giá, thì năm nay nông dân lại lo lắng vì sợ tiền bán mì không đủ chi phí. Nhiều nơi mì ế vì thương lái chẳng mặn mà.
Ngồi nghỉ mệt sau một ngày một đêm thức lăn lộn thu mua, chất mì lên xe chở xuống Nhà máy Sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi để bán, anh Văn Hồng Sơn, ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh) nói: “Không biết sao mà độ bột thấp dữ vậy nữa. Hồi sáng tui xuống xe mì đẹp nhất được 27 độ, phải mấy năm cũng 30 độ. Năm nay xe nào cũng 21-22 độ bảo giá không thấp sao được”.
Cũng theo anh Sơn, chừng này năm ngoái, anh mua tại ruộng 2 triệu đồng/tấn, còn năm nay mì xinh nhất chỉ có giá 1,2 triệu đồng/tấn. Mọi năm mỗi ngày mua 5-10 tấn, giờ ít hơn nhiều, dân không muốn bán. Giá kiểu này dân cũng lỗ mà buôn cũng chẳng lời.
Chất lượng kém
Trao đổi với chúng tôi, ông Đồng Văn Lập- Giám đốc Nhà máy Sản xuất tinh bột mì Quảng Ngãi cho biết, để hạn chế tình trạng mì ứ đọng khi vào vụ chính, nhất là vào mùa mưa bão, gây thiệt hại cho bà con nông dân nên năm nay, Nhà máy vận hành sớm từ 22.7.
Trong tháng 7 mỗi ngày trung bình Nhà máy thu mua 350 tấn củ, nhưng bước vào tháng 8 giảm chỉ còn 200 tấn củ. Một phần là vào vụ gặt lúa, nhưng nguyên nhân chính là độ bột thấp nên nhiều nông dân chưa muốn bán.
Cũng theo ông Lập, năm nay mì tươi độ bột rất thấp, nguyên nhân là do khi nông dân xuống giống vào thời điểm tháng 11, 12 âm lịch gặp thời tiết lạnh. Đến tháng 2, 3 năm sau nắng nóng kéo dài nên ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây mì dẫn đến hàm lượng tinh bột thấp chứ không phải do Nhà máy o ép.
Bởi hiện tại có rất nhiều đầu mối thu mua, cạnh tranh khốc liệt chứ không phải độc quyền nên ước sản lượng thu mua của Nhà máy năm 2014 chỉ 65.000 tấn, thấp hơn 15.000 tấn so với năm 2013.
Về thị trường tiêu thụ, ngoài thị trường Trung Quốc, Nhà máy cũng đã tìm được thị trường tốt ở các nước khác nên về đầu ra không có gì trở ngại. Hiện nay giá mì tươi vẫn tương đương với năm 2013, 1,8 triệu đồng/tấn 30 độ bột. Nhà máy đảm bảo giá tốt nhất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nông dân như ưu tiên vùng trũng thu hoạch trước.
Nhà máy sẽ cử cán bộ xuống tận dân phát phiếu thu mua. Những ngày qua, mì chở tới đâu Nhà máy giải quyết rất nhanh chóng tới đó, không để người dân, thương lái chờ đợi.
“Trong tình cảnh này thì cả thương lái và Nhà máy chỉ chia sẻ với dân chứ không có lãi. Để nâng cao chất lượng bột, chúng tôi khuyến cáo bà con trồng mì phải theo hướng thâm canh", ông Lập nói.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 28-10, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức hội nghị tổng kết mô hình trình diễn: “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả bưởi đặc sản Đoan Hùng”.
Vụ xoài năm 2014, bà con trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chịu thiệt hại khá nặng do dịch bệnh, giá cả xuống thấp. Do đó, bước sang vụ xoài mới, nhiều nông hộ ở Cam Lâm đã quyết định chuyển giống xoài địa phương sang giống xoài Úc, nhằm nâng cao thu nhập.
Sản lượng đánh bắt thủy sản toàn tỉnh tháng 10/2014 ước đạt 22.529 tấn, lũy kế 10 tháng đạt 172.579 tấn hải sản các loại, đạt 92% kế hoạch năm, tăng 6,1% so cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá tăng 3,2%, tôm tăng 6,6%, hải sản khác tăng 20,5%. Địa phương có sản lượng khai thác tăng nhiều nhất là Tuy Phong (tăng 4.470 tấn), Phan Thiết (tăng 4.381 tấn), La Gi (tăng 1.151 tấn).
Xây dựng những cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vạch ra kế hoạch mới đây với nội dung rất hấp dẫn, bởi giải quyết đúng vấn đề nông dân đang quan tâm. Đó là tiêu thụ nông sản ổn định thông qua hợp đồng... tuy nhiên, điều khó nhất là tìm được nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 9 năm 2014, diện tích thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu là 11.124 ha giảm 1.624 ha so tháng trước. Tuy nhiên, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu vẫn còn chiếm tỉ lệ cao (48,20%) so tổng diện tích thanh long của tỉnh.