Màu xanh trên vùng đất mặn
Từ đầu đến cuối ấp, đến đâu cũng thấy rẫy màu, vườn cây ăn trái xanh mướt, trĩu quả.
Mặc cho những đợt gió Tây Nam kéo theo những cơn sóng biển rì rầm ngày đêm đánh vào đai rừng phòng hộ biển Tây, những người nông dân ấp Ðất Mới vẫn cặm cụi chăm sóc những rẫy rau màu xanh mướt, những vườn cây ăn trái trĩu quả.
Luồn qua đai rừng phòng hộ trên con kinh nhỏ chỉ còn đủ một chiếc vỏ qua, khi thuỷ triều xuống thấp, Bí thư Chi bộ ấp Ðất Mới Mai Văn Tâm đưa chúng tôi đến thăm “vua rẫy” xứ biển Tư Bưng (Lâm Văn Bưng).
Biệt danh “vua rẫy” không quá đối với chú Tư, bởi chú là một trong những người đầu tiên đưa rau màu phát triển trên vùng đất này và cũng là người từ hai bàn tay trắng làm nên khối tài sản lớn từ rau màu.
Rẫy khổ qua của gia đình anh Lâm Văn Của bắt đầu cho thu hoạch, hứa hẹn mùa bội thu khi giá rau màu hiện nay đang ở mức cao.
Cũng như những hộ dân di cư tự do khác, ông Tư Bưng về xứ biển này với hai bàn tay trắng, không một mảnh đất cắm dùi. Theo lời kể của Bí thư Chi bộ Mai Văn Tâm, gia đình ông Tư Bưng thời 1997 thuộc diện khó khăn nhất, không tư liệu sản xuất, lại đông con.
Chính quyền địa phương phải tạo điều kiện bằng cách cho mượn đất trồng rau màu để kiếm sống. Ðất đã không phụ lòng người, nhờ cần cù chịu khó, giờ đây gia đình ông đã có trong tay gần 10 ha vuông tôm, vươn lên trở thành hộ giàu của ấp.
Tuy cuộc sống đã khá giả nhưng các loại rau màu vẫn được ông và những người con duy trì cho đến nay, góp phần cho vùng đất mặn ven biển này luôn giữ được màu xanh đầy sức sống. Là người con thứ tư trong gia đình, anh Lâm Văn Của tiếp tục theo nghề cha, gắn bó với các loại rau màu trên vùng đất này.
Anh Của chia sẻ, làm sao bỏ được, chỉ cần một rẫy màu (ngang 20m, dài 100m), mỗi vụ cho thu hoạch cả trăm triệu đồng, có vụ còn cao hơn. Chỉ tay về đám cà phổi khoảng 300m2, anh nói:
“Có nhiêu đó chớ thu hoạch từ tháng 3 đến nay đã trên 100 triệu đồng rồi”.
Thấy hiệu quả, nhiều hộ gia đình trong ấp cứ thế làm theo, đưa diện tích trồng màu của ấp phát triển nhanh đáng kể. Ðến nay, toàn ấp có trên 12 ha rau màu, chủ yếu là trên bờ bao vuông tôm, khuôn viên vườn.
Theo ông Tâm, hiện nay hầu như không nhà nào không trồng màu, chỉ là nhiều hay ít, rau màu góp phần đáng kể cải thiện thu nhập người dân cũng như giảm nghèo của ấp.
Ðến nay, toàn ấp còn 19 hộ thuộc diện nghèo và đều là những hộ dân di cư tự do, không tư liệu sản xuất, sống chủ yếu dựa vào nguồn lợi ven biển, còn những hộ gốc đã vươn lên từ đủ ăn đến khá, giàu.
Ðến vùng đất này cũng khá muộn, vào năm 2001, vậy mà ông Trần Văn Bính đã có hơn trăm cây mãng cầu xiêm trĩu quả tại vùng đất này. Ðất bờ bao quanh vuông tôm của ông không nơi nào còn trống, ngoài những bờ bắp xanh um… kinh tế gia đình ông Bính đang phát triển từng ngày.
Hoa màu trên bờ bao vuông tôm ngày một phát triển xanh tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2008, ấp Ðất Mới đã hình thành được Tổ hợp tác sản xuất tôm - màu 1/5 để người dân có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất.
Theo ông Tâm, khi mới thành lập chỉ có 18 tổ viên tham gia, với hiệu quả mang lại, tổ hợp tác ngày càng lớn mạnh. Ðến nay có 92 tổ viên và đã tách ra thêm Tổ hợp tác tôm - màu Ðoàn Kết. “Bà con vào đây để có điều kiện giúp đỡ nhau hơn”, ông Tâm nói.
Kể từ khi bám rễ trên vùng mặn ven biển này, các loại bầu, bí, khổ qua… đã giúp đời sống người dân ngày một đổi mới, đúng như tên gọi ấp Ðất Mới.
Tin rằng với những người nông dân luôn cần cù chịu khó ấy, màu xanh của rau màu nơi đây tiếp tục được nhân rộng, để mỗi khi về với Ðất Mới sẽ thấy được nhiều cái mới.
Có thể bạn quan tâm
Dù năng suất đạt khả quan hơn so với vụ hè thu năm 2014 nhưng giá thành sản phẩm mùa vụ này lại tăng cao hơn. Nguyên nhân chủ yếu do nắng nóng kéo dài khiến cây lúa phải đối mặt với dịch bệnh, chậm phát triển, người dân phải tốn nhiều chi phí hơn cho đồng ruộng.
Cứ đến mùa sen, những người trồng sen lưu động lại lang bạt khắp nơi để mưu sinh. Với họ, nghề này không đơn giản để kiếm cái ăn mà còn tiếp nối truyền thống của gia đình tự bao đời nay.
Ông Nguyễn Văn Phúc - nông dân huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), tham gia dự án trồng rau theo quy trình VietGAP của METRO Cash & Carry Vietnam - cho biết: “Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP giúp sản phẩm được thị trường chấp nhận rộng rãi hơn, từ đó có thể tăng cơ hội bán hàng”.
Ở ĐBSCL, hình ảnh những người thương lái vào tận ruộng lúa, vườn cây ăn trái... để thu mua nông sản của nông dân không còn xa lạ. Nhanh gọn, đơn giản và trả tiền ngay là nét đặc trưng trong phương thức mua bán này. Với những hộ thiếu vốn sản xuất, họ sẵn sàng cho vay.
Ông Trần Bá Đạt, Phó chủ tịch UBND huyện Tân Phú (Đồng Nai), cho biết trong gần 4 năm lại đây, diện tích tiêu trên địa bàn huyện tăng khoảng 800 hécta. Hiện nay, toàn huyện Tân Phú có gần 2 ngàn hécta tiêu.