Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mất Tết Vì Trồng Dưa Hấu Theo Phán Đoán Thị Trường

Mất Tết Vì Trồng Dưa Hấu Theo Phán Đoán Thị Trường
Ngày đăng: 05/03/2015

Không nắm bắt nhu cầu thật sự, nên phần lớn nông dân trồng dưa hấu Tết hàng năm đều chủ yếu dựa theo sự phán đoán thị trường. Và mỗi Tết lại phập phồng lo sợ: dưa hấu thừa hàng dội chợ, giá cả rẻ bèo. Để rồi tết năm nay, không ít nông dân lẫn thương lái mất Tết vì thua lỗ nặng.

Theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, sẽ giảm diện tích lúa, tăng diện tích trồng màu, trong đó có diện tích trồng dưa hấu. Vấn đề nóng rẫy đặt ra: việc quy hoạch vùng trồng, thông tin thị trường đang thực sự là nhu cầu của nông dân hiện nay.

Diện tích, sản lượng tăng

Không thể phủ nhận, trong khoảng 3 năm trở lại đây những vụ dưa hấu tết đều mang lại sự thắng lợi cho người trồng dưa hấu lẫn thương lái. Điều này, đã khiến vụ dưa hấu tết vừa qua không ít nông dân mở rộng diện tích trồng, sản lượng tăng nên giá cả giảm mạnh.

Thạc sĩ Võ Văn Theo - Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT Bình Tân (Vĩnh Long) cho biết, diện tích dưa hấu năm nay tại địa phương tăng đột biến, nếu vụ dưa tết năm ngoái chỉ khoảng 30ha thì vụ này gấp đôi: 60ha.

Một số hộ thu hoạch sớm thì có lời, còn lại phần nhiều phải chịu cảnh thua lỗ do giá cả sụt giảm, thương lái bẻ kèo vào phút cuối. “Nhiều hộ kêu giá rẻ bèo nhưng cũng không ai mua đành che bạt, mang ra ven lộ bán từng trái một. Bán không hết mang về sau tết bán tiếp”.

Chú Út Sĩ (xã Thuận Thới - Trà Ôn) cho biết, năm nay gia đình chú trồng hơn 2 công dưa hấu tròn (dưa chưng) với năng suất đạt khá cao, khoảng 3 tấn/công. Hơn 2 tuần trước tết, giá dưa còn đứng mức 8.000 đ/kg nhưng tới khi chú vừa thu hoạch được 1 công thì giá dưa không ngừng giảm, chỉ còn khoảng 4.000 đ/kg.

“Hồi trước, tụi tôi làm 1 công dưa hấu đạt lợi nhuận gấp 10 lần trồng lúa. Vậy mà nay quá bi đát. Nếu tình hình không được cải thiện, trong tương lai sẽ không còn ai dám trồng dưa nữa”.

Tại huyện Tam Bình, theo Phó Phòng Nông nghiệp và PTNT Lê Văn Chiến, thì diện tích dưa hấu tết năm nay tại địa phương tăng khoảng 10% so năm ngoái. Sản lượng dưa cũng tăng từ 2 lên 2,5 tấn/công, trong khi thị trường tiêu thụ chủ yếu chỉ tại địa phương đã làm cho nhiều hộ trồng dưa thua lỗ, vì dội chợ.

Theo chân anh Nguyễn Văn Nguyện - một thương lái dưa hấu bán tại khu đô thị mới Song Phú (Tam Bình) dịp tết vừa qua, mới chứng kiến hết sự ế ẩm khi dưa hấu dội chợ.

Nếu sáng 30 tết, giá dưa hấu chưng còn 3.000 đ/kg, thì về khuya được rao bán chỉ 2.000 đ/kg, rồi 1.000 đ/kg, nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. Đám dưa anh Nguyện còn hơn 200 trái đành chở về nhà “vừa bán vừa biếu hàng xóm”. “Tiền thuê xe chở lên xuống gần cả triệu đồng, trừ chi phí hết tính ra năm nay lỗ khoảng 5 triệu đồng”.

Nhiều chủ kinh doanh dưa chưng mỗi trái nặng từ 16 - 18kg, phút chót rao đêm 30 tết “bán nhắm” chỉ 10.000 - 15.000 đ/trái, nhưng vẫn không tiêu thụ được.

Bài toán thị trường

Có một thực tế, hiện không ít người trồng dưa hấu kiểu… hên xui, do thiếu thông tin thị trường, hoặc sản xuất theo thói quen, ít đa dạng khiến cung vượt cầu nên thường xuyên gặp rủi ro.

Thạc sĩ Võ Văn Theo cho rằng, chính việc mù mịt thông tin thị trường, trồng kiểu phán đoán nên nông dân thường thua thiệt. Minh chứng, năm ngoái dưa hấu tròn (dưa chưng) cận tết vẫn giữ mức giá từ 6.000 - 7.000 đ/kg nên năm nay nhiều nông dân đổ xô trồng.

Trong khoảng 60ha dưa hấu trồng tại địa phương vừa qua thì gần 50% diện tích là dưa hấu tròn. Khảo sát tại các chợ quê những ngày cận tết, dễ dàng bắt gặp cảnh “bội thực” dưa hấu tròn năm nay. Và phần lớn dưa này chịu cảnh dội chợ.

“Nhiều gia đình thắt lưng buộc bụng nên chỉ mua dưa dài, giá thấp hơn vừa để chưng sau đó ăn luôn, cho tiện. Trong khi dưa tròn giá cao và bón nhiều phân đạm sẽ không bảo quản được lâu nên người tiêu dùng e ngại” - Thạc sĩ Võ Văn Theo nói.

Hơn nữa, hiện dưa hấu trồng quanh năm nên tới tết “thấy là phát ngán” cũng là nguyên nhân khiến dưa hấu năm nay tồn đọng. Để “kéo” người dùng, theo nhiều chuyên gia nông dân phải “nhạy” thị trường, tạo ra dưa hấu lạ, đẹp mắt và an toàn.

Anh Trần Văn Nghĩa (xã Tân Hưng - Bình Tân) là một trong những nông dân nhạy bén nắm bắt thị trường khi vụ dưa tết vừa qua, anh tạo dáng cho 600 cặp dưa hấu hình hồ lô mang sang Cần Thơ bán không đủ. Tuy nhiên, theo anh Nghĩa “thị trường hiện rất khó đoán, bởi năm ngoái tôi cũng làm dưa hình hồ lô. Trong 300 cặp nhưng bán chỉ được phân nửa, còn lại phải chở về”.

Giải bài toán thị trường, giảm bớt chuyện “hên xui”, ông Lê Văn Chiến cho rằng, khâu cốt lõi là cần quy hoạch vùng trồng với diện tích hợp lý.

“Bởi khi quy hoạch vùng trồng sẽ nắm được diện tích sản lượng cung ứng từng mùa vụ để ngành chuyên môn có giải pháp khuyến cáo trồng phù hợp” - ông Chiến cho biết, Tam Bình cũng đang ráo riết thực hiện trên cơ sở ổn định diện tích, hướng người trồng dưa hấu an toàn.

Còn theo Thạc sĩ Võ Văn Theo, trước đây, dưa hấu chỉ trồng được một vài nơi, nhưng hiện tỉnh nào cũng trồng được, tuy nhiên thông tin diện tích bao nhiêu, thị trường nào cần thì nông dân mù mờ. Vì vậy, cần làm tốt 2 việc: quy hoạch vùng và thông tin tốt giá cả, nhu cầu thị trường; sẽ giảm bớt được cảnh dội chợ.

Ngành nông nghiệp Vĩnh Long cũng đã định hướng vấn đề này và sẽ thực hiện theo quy hoạch đề án tái cơ cấu nông nghiệp. Vụ dưa hấu tết vừa qua, Chi cục Bảo vệ thực vật đã hướng dẫn 30 nông dân ở xã Hiếu Phụng (Vũng Liêm) trồng 7ha theo hướng an toàn.

Kết quả, sau thu hoạch được các thương lái ở TP Hồ Chí Minh bao tiêu, thu mua toàn bộ với giá cao, lợi nhuận tăng thêm so ruộng ngoài mô hình là hơn 7 triệu đồng/ha. Đây được xem là định hướng đúng, triển vọng nhân rộng diện tích trồng dưa hấu theo quy trình an toàn trong thời gian tới.

Thạc sĩ Võ Văn Theo, nguyên nhân dưa hấu dội chợ, rớt giá tết vừa qua là do nông dân không nắm bắt được nhu cầu thị trường cần gì, sản lượng bao nhiêu mà chủ yếu sản xuất theo phong trào, phán đoán. Cụ thể, trong khoảng 50% diện tích dưa hấu tăng thêm vụ vừa qua tại địa phương, thì phần lớn là giống dưa hấu tròn, điều này chưa từng xảy ra những năm trước.


Có thể bạn quan tâm

Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Sản Xuất Nhìn Từ Thành Công Của Một Doanh Nghiệp Tư Nhân Ứng Dụng Khoa Học Công Nghệ Vào Sản Xuất Nhìn Từ Thành Công Của Một Doanh Nghiệp Tư Nhân

“Gần 20 năm trong nghề nuôi trồng thuỷ sản, cái nghề như “đánh bạc” với trời này tôi đã từng có giai đoạn mất trắng, phải bán cả nhà cả cửa” - đó là tâm sự của ông Lương Thanh Phương, chủ trại giống Hải Hoà, phường Hải Hoà (TP Móng Cái, Quảng Ninh), Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Phương Thanh.

04/08/2014
Mitraco Nuôi Thử Nghiệm Hơn 60 Con Bê Giống Charolai Của Pháp Mitraco Nuôi Thử Nghiệm Hơn 60 Con Bê Giống Charolai Của Pháp

Nhằm thực hiện Dự án nuôi thử nghiệm bò lai chất lượng cao, sáng 19/7, Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (Mitraco) tổ chức thu mua hơn 60 con bê giống của bà con nhân dân trên địa bàn 3 huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Nghi Xuân.

19/07/2014
Phục Hồi Thành Công Giống Bào Ngư Quý Hiếm Phục Hồi Thành Công Giống Bào Ngư Quý Hiếm

Dự án sản xuất, cung cấp giống bào ngư tại huyện đảo Bạch Long Vĩ, đang triển khai có hiệu quả góp phần bảo tồn, tái tạo và phục hồi nguồn lợi bào ngư, duy trì ổn định hệ sinh thái tại Bạch Long Vĩ nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

21/07/2014
Đầm Hà (Quảng Ninh) Được Mùa Tôm Đầm Hà (Quảng Ninh) Được Mùa Tôm

Trong những năm gần đây bà con nông dân huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) đã mạnh dạn đầu tư, cải tạo ao đầm phát triển nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp, nhiều hộ nông dân đã có thu nhập cao từ việc nuôi trồng này.

04/08/2014
Yên Bái Hiệu Quả Từ Nuôi Ba Ba Sinh Sản Yên Bái Hiệu Quả Từ Nuôi Ba Ba Sinh Sản

Nếu như Lục Yên (Yên Bái) có cá bỗng, thành phố Yên Bái và Văn Yên có cá chiên, Mù Cang Chải có cá hồi, Yên Bình có cá tầm… thì ba ba đã thành thương hiệu riêng có của Văn Chấn.

21/07/2014