Mạnh về biển giàu lên từ biển
Những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước được triển khai, tạo điều kiện cho ngư dân trong tỉnh đóng mới, nâng cấp tàu thuyền vươn ra khơi xa đánh bắt hải sản, phát triển kinh tế gia đình và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Những ngày tháng Mười, chúng tôi về làng chài Thạnh Đức nằm sát cửa biển Sa Huỳnh (Đức Phổ).
Làng chài được nhiều người ví là "làng tỷ phú" hiện ra với những ngôi nhà cao tầng khang trang, những con tàu công suất lớn neo đậu san sát dưới bến cảng.
Ông Huỳnh Hiển, một ngư dân kỳ cựu ở làng biển này đưa tay chỉ đoàn tàu lớn đang vượt cửa biển vào bờ, bộc bạch:
“Cũng nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước đến với ngư dân, nên bây giờ ở Sa Huỳnh bà con đã đóng tàu lớn khá nhiều...”
Từ chính sách hỗ trợ xăng dầu...
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ có quyết định hỗ trợ tiền xăng dầu, mua mới, đóng mới, thay máy tàu cho ngư dân vươn khơi.
Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành quyết định hỗ trợ ngư dân khi gặp rủi ro do thiên tai, quy định tàu có công suất từ 30 - 300CV được hỗ trợ từ 20 - 110 triệu đồng.
Ngoài ra, nhiều chính sách phát triển kinh tế biển khác cũng được triển khai.
Chủ trương này đã khơi dậy niềm khát khao đóng tàu lớn vươn khơi xa của ngư dân Sa Huỳnh.
Bàn giao tàu vỏ thép cho chủ tàu Nguyễn Hữu Ngọt, xã Bình Châu (Bình Sơn).
Nghĩa tình ngư dân
Ngoài việc đoàn kết đánh bắt trên biển, các nghiệp đoàn nghề cá còn tham gia đóng góp vào quỹ “Mái ấm công đoàn”, tham gia Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” và được nhiều tổ chức, cá nhân, đơn vị ủng hộ quà và tiền trị giá gần 1,7 tỷ đồng.
Những khoản tiền giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng đã thật sự có ý nghĩa, tạo điều kiện cho các đoàn viên nghiệp đoàn vượt qua khó khăn, có điều kiện mua sắm, cải hoán và đóng mới tàu thuyền, ngư lưới cụ, trang thiết bị hiện đại để vươn khơi bám biển.
Ông Nguyễn Duy Trinh – Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) cho biết: Đến cuối tháng 9.2015, toàn xã có gần 1.000 tàu, trong đó có khoảng 650 tàu công suất từ 90- 765CV.
Nhờ đánh bắt có hiệu quả, nên cuộc sống của ngư dân thay đổi đáng kể.
Nhiều người có điều kiện làm nhà cao tầng, mua sắm tiện nghi sinh hoạt hiện đại, góp phần làm cho diện mạo của các làng chài Thạnh Đức I, Thạnh Đức II khang trang hơn.
Nếu như một số làng chài ở phía nam của tỉnh được ví “làng tỷ phú", thì làng chài Gành Cả, xã Bình Châu (Bình Sơn) hay xã Nghĩa An, Nghĩa Phú (TP.
Quảng Ngãi) chẳng khác nào “thành phố” thu nhỏ nằm bên mép sóng.
Anh Nguyễn Văn Cư, thôn Phổ An, xã Nghĩa An (TP.
Quảng Ngãi), cho biết: “Cả đời cha đi biển để lại gia tài là con tàu 45CV.
Ngày đó, tôi xem con tàu chỉ là “cần câu cơm”, chưa dám nghĩ thực hiện ước mơ đóng tàu lớn vươn khơi hay xây được ngôi nhà vững chắc trước sóng gió, triều cường.
Thế rồi, nhờ chính sách của Nhà nước, tôi và nhiều ngư dân ở đây mạnh dạn đóng tàu công suất lớn, vươn ra khơi xa làm ăn.
Biển không phụ lòng người nên tôi tiếp tục đóng chiếc thứ hai, cũng công suất 400CV, trang bị máy định vị, bộ đàm, ngư lưới cụ đầy đủ.
Những năm qua, đôi tàu của tôi vững chãi vươn khơi đánh bắt hải sản, vượt qua nhiều hiểm họa trên biển.
Nhờ vậy, kinh tế gia đình dần đi lên”.
Cũng như anh Cư, giờ đây nhiều ngư dân đã làm chủ được con tàu có công suất lớn.
Cứ đến mỗi phiên biển, họ lại “cưỡi sóng” ra tận khơi xa để trên những chuyến tàu trở về, khoang lại đầy tôm cá...
...đến đầu tư tàu hiện đại
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị định 67 hỗ trợ phát triển thủy sản.
Theo đó, chính sách phát triển tàu công suất lớn được triển khai quyết liệt.
Ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vật liệu mới được cho vay đến 95% giá trị con tàu, lãi suất 1-2%/năm, còn lại sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV)– Chi nhánh Quảng Ngãi thông báo, hệ thống BIDV đã chuẩn bị sẵn sàng 15.000 tỷ đồng triển khai các chương trình tín dụng tổng thể giai đoạn 2014 – 2017 để hỗ trợ phát triển thủy sản.
Vietinbank cũng trưng ra gói 3.000 tỷ đồng và Vietcombank Quảng Ngãi thì khẳng định nguồn vốn dồi dào đủ đáp ứng cho ngư dân vay.
Riêng Agribank cũng dành 5.000 tỷ đồng để cho vay theo Nghị định 67.
Đến nay, tỉnh đã xét duyệt 79 tàu đủ điều kiện cho vay theo Nghị định 67, trong đó đã có 16 chủ tàu được các ngân hàng thương mại cổ phần ký cho vay tín dụng để đóng mới vươn khơi.
Đến tháng 9.2015, đã có 3 tàu hạ thủy vươn khơi xa.
Ngư dân Nguyễn Sáu, xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) là người đầu tiên hạ thủy con tàu QNg 98919 TS được đóng theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67.
Nhờ Nghị định này, ông Sáu được vay vốn đóng mới con tàu dài 22m, công suất 765CV, tổng giá trị lên đến 6,3 tỷ đồng.
Và theo lão ngư dày dạn này, kể từ sau ngày hạ thủy (tháng 3.2015), qua nhiều chuyến biển, con tàu luôn đánh bắt an toàn, hiệu quả.
Đó cũng là động lực và sự kỳ vọng đối với những ngư dân đã và đang tiếp cận nguồn vốn đóng tàu theo Nghị định 67.
Đội tàu hùng hậu với tổng công suất trên 1 triệu CV
Với 130km chiều dài bờ biển, trong nhiều năm qua nghề đánh bắt hải sản ở Quảng Ngãi đã phát triển nhanh.
Toàn tỉnh hiện có gần 5.500 tàu cá, với tổng công suất trên 1 triệu CV, trong đó có khoảng 2.977 tàu có công suất trên 90CV tham gia đánh bắt hải sản ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ và cả vùng biển Tây Nam Bộ.
Ngư dân Quảng Ngãi đang từng bước hiện đại hóa tàu cá, trong đó có đóng tàu cá vỏ thép để nâng cao năng lực và hiệu quả đánh bắt trên các vùng biển khơi xa.
Quảng Ngãi đang triển khai các chính sách để hiện đại hóa đội tàu.
Và sức mạnh tổng hợp trên biển
Do thường xuyên hoạt động ở vùng biển xa bờ nên tàu thuyền và ngư dân Quảng Ngãi bị nhiều thiệt hại do thiên tai, hiểm họa, nhân tai trên biển.
Được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng các Bộ, ngành hữu quan hỗ trợ, tháng 9.2011, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải (Lý Sơn) được thành lập thí điểm trên cả nước, với số lượng 428 đoàn viên là ngư dân trong xã.
Sau một thời gian, nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả, tạo nên sức mạnh tổng hợp trên biển.
Đến nay, số lượng Nghiệp đoàn nghề cá của tỉnh không ngừng phát triển.
Hiện toàn tỉnh đã thành lập được 10 Nghiệp đoàn nghề cá, gồm: An Hải, An Vĩnh (Lý Sơn), Bình Châu, Bình Chánh (Bình Sơn), Tịnh Kỳ, Nghĩa An (TP.
Quảng Ngãi), Phổ Thạnh, Phổ Vinh, Phổ Quang, Phổ An (Đức Phổ), với tổng số đoàn viên nghiệp đoàn lên đến 6.318 người, thuộc 796 tàu cá.
Các nghiệp đoàn nghề cá hoạt động theo từng ngành nghề và ngư trường khai thác để tiện giúp nhau trên biển. Tiêu biểu là các nghiệp đoàn nghề cá ở huyện Đức Phổ.
Liên đoàn Lao động huyện đã quan tâm chỉ đạo 4 nghiệp đoàn nghề cá trong huyện tổ chức tốt các hoạt động, qua đó, tạo thành sức mạnh đoàn kết, liên kết với nhau cùng đánh bắt hải sản trên vùng biển của Tổ quốc.
Phát huy tất cả các nguồn lực nên 5 năm qua, bức tranh các làng chài ở Quảng Ngãi đã thật sự khởi sắc.
Có được thành quả ấy, bên cạnh những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước kịp thời hỗ trợ ngư dân đóng tàu lớn vươn khơi, thì bà con đã phát huy tinh thần yêu nước, sự đoàn kết, tạo nên sức mạnh tổng hợp trên biển, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Qua đó, ngư dân Quảng Ngãi đã góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Chiến lược Biển Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Hàng ngàn hộ nuôi tôm chân trắng ở Bạc Liêu đang lao đao vì tôm chân trắng đã đến ngày thu hoạch nhưng giá bán đang giảm mạnh, chỉ còn 80.000 đồng/kg, giảm từ 60.000 đến 80.000 đồng/kg so với tháng trước đó.
Ngày 18-5, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã có 50ha tôm sú nuôi từ 40-50 ngày tuổi bị bệnh môi trường và đốm trắng làm chết khoảng 8 triệu con tôm giống khiến người dân lao đao.
“Việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hoàn toàn khả thi và tin tưởng nhất định sẽ thành công. Tuy nhiên, việc triển khai đề án cần thận trọng, đặc biệt là việc chuyển đổi đất lúa”.
Sáng ngày 17/5, Tổng cục thuỷ sản phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức lễ thả cá giống tái tạo nguồn lợi thuỷ sản tại địa phận xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Cùng dự có lãnh đạo huyện Cao Phong, thành viên ban chỉ đạo 188 của tỉnh (chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2020).
Chiếm trên 90% diện tích cà phê của cả nước, Dak Lak nói riêng và Tây Nguyên nói chung đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng suất cũng như lượng xuất khẩu cà phê vào top đầu của thế giới.