Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Mánh khóe mua bán vảy tê tê

Mánh khóe mua bán vảy tê tê
Ngày đăng: 01/09/2015

Dù là hàng cấm, chưa có cơ sở khoa học chứng minh tác dụng chữa bệnh ung thư nhưng vảy tê tê vẫn được các đầu nậu vô tư mua bán, trục lợi.

Ngày 26-8, qua một đại gia ngành đá hoa cương ở Q.12 (TP.HCM), chúng tôi liên hệ với ông Anh quê Hà Tĩnh, chuyên bán động vật hoang dã. Ông Anh quả quyết: “Tê tê hàng “đẹp” 4-5 kg/con bây giờ rất hiếm nên giá hiện tại 7 triệu đồng/kg, còn vảy của nó cũng không có giá dưới 5 triệu đồng/kg. Một con tê tê sau khi làm thịt cũng chỉ lấy được vài lạng vảy”.

Chỉ là lời đồn thổi

Nguồn vảy tê tê của ông Anh là từ trong nước hoặc ở Campuchia và một số nước châu Phi. Mặt hàng “độc” này được các bạn hàng mua dùng để chữa bệnh và chế tác đồ trang sức. Trong đó loại vảy có kích cỡ lớn (1kg tầm 50-60 cái) giá 8,5 triệu đồng/kg, còn loại vảy nhỏ hơn giá 5 triệu đồng/kg. Khi hỏi về tác dụng chữa bệnh gì thì ông Anh chắc lời: “Ung thư nó còn chữa được nữa huống chi mấy bệnh thông thường. Có vài ký vảy ai lừa anh làm gì, anh cứ yên tâm”.

Cũng buôn bán vảy tê tê, Lâm ở tỉnh Bình Dương cho biết nguồn gốc vảy tê tê của mình từ một đầu nậu tại Hà Tĩnh cung cấp. Đêm 25-8 tại nhà Lâm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (P.Phú Cường, TP Thủ Dầu Một), Lâm mau mắn lấy ra 5 vảy tê tê bằng một ngón tay và 2 móng tê tê nhọn cứng rồi chốt giá 1 triệu đồng.

Nếu khách chỉ lấy 5 vảy thì Lâm chắc giá 700.000 đồng. Lâm vẽ vời: “Nguyên một con tê tê rất nhiều vảy nhưng 5 vảy này quý hơn mấy cái kia, mài ra uống trị nhiều thứ lắm”. Khi hỏi thêm trị thứ gì thì Lâm ậm ờ: “Phụ nữ trị tắc sữa, còn nhiều bệnh khác thì phải xài mới biết rõ”.

Chiều 26-8 tại lô L cư xá Thanh Đa (P.27, Q.Bình Thạnh), ông Thư tầm 40 tuổi lấy trong balô ra một bịch chứa vảy tê tê. Ông này giới thiệu đây là hàng “xách tay” theo đường hàng không từ Ghana về Việt Nam. Hiện ông này đang có 5kg vảy tê tê giá 8 triệu đồng/kg, nếu mua hết số hàng ông sẽ để giá mềm hơn chỉ 7,5 triệu đồng/kg. Ông này quả quyết: “Hàng thiệt một tỉ phần trăm, nếu muốn thì cầm về thử đi”.

Khi hỏi: “Có ra giấy gì không?” thì ông Thư đốp lại: “Không, hàng này có giấy gì đâu. Mấy cái này nhạy cảm lắm”. Ông Thư còn nói nếu làm ăn được với số lượng nhiều thì giá cả có thể thỏa thuận lại, có giấy tờ đàng hoàng.

Một con tê tê chỉ được vài lạng vảy

Còn ông Long (nhà ở quận 5, TP.HCM) là một mối chuyên cung cấp tê tê sống cũng như hàng rừng các loại. Ông Long hề hà: “Tê tê sống tôi còn cung ứng được huống chi vảy của nó, chỉ cần anh có nhu cầu là sẽ có người giao hàng tận nhà”. Ông Long cho hay tê tê sống hiện có giá hơn 10 triệu đồng/kg, còn vảy của nó không dưới 15 triệu đồng/kg.

“Một con tê tê vài ký sau khi làm thịt chỉ còn được vài lạng vảy, muốn có một ký vảy thì phải làm thịt vài con mới có” - ông Long nói. Ông này khẳng định mối từ Campuchia lo tìm “hàng”, vận chuyển về TP.HCM bằng ôtô. Nếu khách đồng ý lấy hàng, ông Long sẽ viết giấy cam kết, giao nhận tiền cọc tại nhà mình để đảm bảo uy tín.

Chiều 26-8, Thắng - thanh niên bán hàng tại cửa hàng dược liệu trên đường Trần Hưng Đạo (Q.5) - bảo: “Xuyên sơn giáp là vảy con tê tê, mình về rửa đi, chiên cho nó phồng lên rồi cho vào với thuốc. Cái này trị về bệnh ung thư kết hợp với các vị thuốc khác”. Chúng tôi hỏi: “Mua nhiều có không?”. Thắng trả lời: “Đặt cọc chứ, cái này là hàng giá trị. Mấy con mới được một ký”.

Thắng mở một bịch nilông chứa vảy tê tê ra giới thiệu một con tê tê gồm cả vảy to và vảy nhỏ. Sau khi làm thịt tê tê bán cho nhà hàng thì mối sẽ bán vảy cho cửa hàng. Thắng lấy bịch vảy tê tê bỏ lên cân tiểu ly cân được cả thảy 259g.

Lúc này, bà chủ cửa hàng báo giá 100g vảy tê tê loại còn nguyên chưa qua sơ chế giá 1,1 triệu đồng, 1kg là 11 triệu đồng.

Theo bà này, vảy tê tê có nguồn gốc từ Việt Nam hoặc Campuchia mới là hàng đẹp. Giá cả vảy tê tê tùy vào thời điểm, khoảng 3-4 năm trước còn có giá cao hơn bây giờ, có những lúc thị trường khan hiếm không xoay nổi hàng.

Theo bà chủ cửa hàng, trên thị trường có vảy tê tê giá chỉ tầm 7-8 triệu đồng/kg, loại này được sao tẩm bằng cát và muối để tăng trọng lượng.

Một số cửa hàng dược liệu tại Q.5 còn nhận cung cấp mặt hàng vảy tê tê đã qua sơ chế và cả vảy thô chưa qua chế biến. Ngày 26-8, ông T. ở cửa hàng trên đường Triệu Quang Phục (Q.5) chắc nịch giá vảy tê tê đã chiên kích cỡ khoảng hai ngón tay 8 triệu đồng/kg, còn hàng thô giá 12 triệu đồng/kg, vảy có nguồn gốc từ Campuchia.

Ông này giải thích hàng chưa chiên có giá cao hơn do hàng chiên rồi thì 1kg tăng trọng thành 2kg. “Đồng ý mua hàng thì tôi mới lấy về” - ông T. nhấn mạnh.

Trong khi đó, một phụ nữ ở cửa hàng dược liệu trên đường Hải Thượng Lãn Ông (P.10, Q.5) chốt giá 1kg vảy tê tê đã sao 11 triệu đồng/kg. “Tôi bán dược liệu nên không hiểu mấy ông thầy thuốc xài làm sao. Mỗi ông thầy thuốc có cách xài thuốc riêng” - bà này nói. Theo bà chủ, vảy tê tê không có sẵn tại cửa hàng, muốn lấy chỉ cần đợi khoảng 10 phút bà sẽ đem hàng về.

Đồn thổi để trục lợi

Theo ông Nguyễn Xuân Lưu - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, tê tê là động vật hoang dã đặc biệt quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, nằm trong danh mục bị cấm kinh doanh, buôn bán.

Ông Lưu cho rằng thông tin về sừng tê giác, vảy tê tê chữa trị bệnh ung thư chỉ là lời đồn thổi để dân buôn bán làm ăn, trục lợi.

Còn theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, tới nay y học chính thống không hề dùng vảy tê tê, thịt tê tê làm thuốc chữa bệnh. Càng không có chứng cứ khoa học nào chứng minh vảy tê tê trị được ung thư.

Tác dụng chữa bệnh của các động vật hoang dã quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng như vảy tê tê, sừng tê giác, cao hổ cốt... vẫn dựa theo lời đồn đại, truyền miệng chứ chưa có công trình khoa học nào xác định tính hiệu quả của tác dụng này.

1 tháng, bắt 2 vụ nhập vảy tê tê số lượng lớn

Ngày 25-8, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cùng các lực lượng chức năng khám xét container số hiệu WHLU291192 đang nằm tại cảng Tiên Sa (TP Đà Nẵng), phát hiện khoảng 220 bao chứa ngà voi và vảy tê tê lẫn trong các bao hàng đậu đỏ.

Trước đó ngày 15-8, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM) cũng bắt giữ 42,2kg vảy tê tê. Lô hàng này xuất phát từ Nigeria, qua Thổ Nhĩ Kỳ, nhập về Việt Nam và được khai báo là đồ dùng cá nhân.


Có thể bạn quan tâm

Xuất Hiện Bệnh Lạ Hại Lúa Nếp Xuất Hiện Bệnh Lạ Hại Lúa Nếp

Ngày 4-10, các chuyên gia của Đại học Nông nghiệp I và Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hải Dương đã đến xã Quyết Thắng (Thanh Hà) lấy mẫu xét nghiệm giống lúa nếp lai bị một loại bệnh lạ gây thối thân lúa.

06/10/2012
Trồng (Dọc Mùng) Bạc Hà Trúng Mùa Trồng (Dọc Mùng) Bạc Hà Trúng Mùa

Nhắc đến xã Thạnh Hội (Tân Uyên) người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh “cù lao hành”. Nhưng đến Thạnh Hội vào thời điểm này cây hành dường như đã trở thành “thứ yếu” vì cây bạc hà mới là cây trồng chủ lực.

14/02/2011
Nuôi Cá Lóc Bông Nuôi Cá Lóc Bông

Tính bình quân mỗi năm, lão nông Nguyễn Văn Ký, 73 tuổi, ấp 3, xã Phú Minh, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng từ việc bán con giống cá lóc bông, hiệu quả hơn hẳn làm lúa.

07/10/2012
Triển Vọng Từ Mô Hình Trồng Dừa Xiêm Ở Ninh Ích Triển Vọng Từ Mô Hình Trồng Dừa Xiêm Ở Ninh Ích

Hiện nay, ở xã Ninh Ích (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) phát triển mạnh mô hình trồng dừa Xiêm (DX), bởi hiệu quả kinh tế của loại cây này rất cao. Trong tương lai, DX có thể trở thành loại cây chủ lực của xã nếu người dân biết đầu tư mở rộng sản xuất cũng như được sự quan tâm của các ngành, các cấp. Đó là chia sẻ của ông Phạm Thúc - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Ích.

03/07/2011
Phát Triển Mô Hình Sản Xuất Giống Và Nuôi Thương Phẩm Cá Trê Vàng Vùng Đồng Tháp Mười (Long An) Phát Triển Mô Hình Sản Xuất Giống Và Nuôi Thương Phẩm Cá Trê Vàng Vùng Đồng Tháp Mười (Long An)

Tại Việt Nam nói chung và tỉnh Long An nói riêng, cá trê vàng lai đã được nuôi nhiều nơi từ nhiều năm qua. Trong khi đó cá trê vàng có giá trị kinh tế cao hơn nhiều, lại khan hiếm chủ yếu dựa vào tự nhiên. Gần đây, quy trình sản xuất giống cá trê vàng đã thực hiện thành công ở các Viện, Trường đại học, chưa được nhân rộng cho các trại giống cũng như nông hộ. Do vậy nguồn giống cá trê vàng rất khan hiếm, diện tích nuôi cá trê vàng là rất ít không đáng kể.

16/10/2012