Mang cơ hội đến hộ nghèo
"Bỗng dưng" được nuôi dê
Chúng tôi về Tân Phú Đông (Tiền Giang), nơi có tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện sản xuất đặc biệt khó khăn. Cái cảm giác đến với huyện "đảo" hôm nay có phần phấn khởi hơn khi đời sống người dân được cải thiện phần nào. Dù vậy, con số thống kê vẫn cho thấy, số hộ nghèo còn khá cao, hộ khó khăn do thiếu vốn, chưa tìm được mô hình sản xuất phù hợp cũng không phải ít.
Con dê từ Dự án PRC cấp không hoàn lại cho nhiều hộ nghèo trong huyện là một trong những phương thức tiếp sức, hỗ trợ, đưa mô hình sản xuất, mang đến cơ hội tăng thu nhập cho hộ nghèo, hộ khó khăn.
Nhận được con dê trong niềm vui bất ngờ, chị Nguyễn Thị Huyền, một trong những hộ nghèo may mắn được Dự án cấp cho dê ở ấp Tân An, xã Tân Phú bày tỏ: "Nhiều khi thấy người ta nuôi con này, con kia, tôi cũng mơ ước có một ngày mình dành dụm được một ít tiền mua con gì đó để nuôi làm vốn, nhưng làm mãi vẫn không có dư. Giờ được Dự án cho dê nuôi làm vốn, tôi mừng ghê lắm. Hôm nhận được con dê 26 kg từ Dự án, tôi như không tin điều đó là thật. Càng mừng hơn khi giờ đây con dê đang mang thai".
Trở về đất liền đến xã nông thôn mới Bình Nghị (Gò Công Đông), nơi đang có dự án nuôi dê khác cải thiện đời sống người dân. Chúng tôi theo chân một cán bộ của Hội Nông dân xã len qua các cánh đồng ngọt hóa đến với căn nhà nhỏ lợp tôn ở ấp Hiệp Trị. Thấy chúng tôi, chị Nguyễn Thị Danh đon đả: "Mấy ngày nay, tôi chờ mấy chú đến để trả tiền của dự án quá chừng luôn".
Sau khi hề hà với những câu xã giao, chị bắt đầu câu chuyện của mình thế này: Gia đình chỉ 1,2 công đất trồng lúa, là hộ nghèo của xã. Cuối năm 2012, được Dự án Chăn nuôi dê sinh sản cải thiện vệ sinh môi trường của Hội Nông dân tỉnh cho vay 12,5 triệu đồng, tôi mua 2 con dê về nuôi. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình của tôi đỡ hơn rất nhiều.
Qua 2 năm tham gia Dư án, ngoài nguồn thu từ bán dê thịt khoảng 20 triệu đồng, chị Danh còn phát triển đàn dê lên đến 11 con lớn nhỏ. Nhờ nguồn thu từ nuôi dê cùng với trồng lúa mà đến nay chị Danh đã thoát nghèo. 40 hộ được vay vốn từ dự án nuôi dê trên vào năm 2012 như chị Danh là 40 cơ hội, hy vọng vươn lên, cải thiện cuộc sống, thoát nghèo. Nhiều hộ trong số đó đã biến cơ hội, hy vọng thoát nghèo thành hiện thực.
"Trao cần câu"
Dù đã trải qua những giai đoạn thăng trầm như các vật nuôi khác do tác động của thị trường, nhưng vài năm gần đây, con dê đã hấp dẫn trở lại với nhiều nông dân. Với ưu thế thức ăn chủ yếu là lá cây, cỏ, mắn đẻ, dễ nuôi, vốn mua dê thấp, một số mô hình, dự án, chương trình lấy con dê làm phương tiện sinh kế với những hình thức hỗ trợ khác nhau đã được triển khai đến hộ dân nghèo, khó khăn. Có thể con đường thoát nghèo đối với họ vẫn còn ở phía trước nhưng mỗi con dê đến với họ là một cơ hội, một niềm tin hy vọng được thắp sáng.
Ông Mai Văn Kiệm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Nghị cho biết, đối tượng được tham gia Dự án Chăn nuôi dê sinh sản cải thiện vệ sinh môi trường là những hộ nghèo, khó khăn. Với cách làm này, Dự án đã không chỉ tạo vốn mà còn đưa mô hình xuống cho người dân, tạo điều kiện cho họ vươn lên thoát nghèo.
"Ngoài thiếu vốn sản xuất, có những hộ nghèo khi được cấp vốn vẫn không biết làm gì. Vì thế, Dự án đưa mô hình, tạo vốn cho hộ dân nghèo, khó khăn là trao cần câu, con mồi để họ tự câu con cá" - ông Kiệm bày tỏ. Quả thực, từ hộ chưa từng nuôi dê, không có vốn để nuôi dê, qua 2 năm tham gia Dự án, nhiều hộ đã tìm được cho mình mô hình sản xuất thích hợp và không ít hộ đã có được đàn dê từ 6 - 10 con.
Còn ông Võ Quốc Thắng, Điều phối viên Dự án PRC tại Tiền Giang (Dự án "Xây dựng quan hệ đối tác nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các cộng đồng ven biển Việt Nam" tại Tiền Giang) cho biết, Hợp phần Sinh kế của Dự án cấp không hoàn lại trên 1.000 con dê cho hộ dân đang sinh sống ở 4 xã ven sông Tiền của huyện Gò Công Tây và 6 xã của Tân Phú Đông khó khăn, thường xuyên bị thiên tai đe dọa, làm phương tiện sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Dự án đã lấy hộ nghèo làm đối tượng tham gia nhằm giúp họ tăng thu nhập, cải thiện đời sống. "Nhưng vì sao lại chọn con dê mà không phải là những vật nuôi khác?" tôi hỏi.
"Trước khi triển khai Hợp phần, lúc đầu, chúng tôi chọn con bò nhưng rồi suy đi nghĩ lại con bò có giá quá cao, số hộ dân được hưởng lợi từ Dự án sẽ không nhiều. Còn con dê, ngoài yếu tố thị trường, việc bỏ vốn mua một con dê thấp hơn rất nhiều so với con bò, nên có thể cấp cho được nhiều hộ. Hơn nữa, ưu điểm của vật nuôi này là ít sử dụng nước, tạp ăn và thức ăn chủ yếu từ tự nhiên nên phù hợp với hộ nghèo, khó khăn, phù hợp với vùng khó khăn về nước ngọt, thường xuyên khô hạn, xâm nhập mặn" - ông Thắng lý giải. Còn về kinh tế, theo ông Thắng, qua chiết tính, trung bình nuôi một con dê, sau một năm, một hộ nuôi sẽ thu lợi khoảng 4 - 4,5 triệu đồng. Từ đó, họ phát triển đàn dê của mình, tăng thu nhập cho gia đình.
Lâu nay, hộ dân nghèo thường vướng vào vòng lẩn quẩn là thiếu vốn, thiếu mô hình sản xuất. Thông qua các mô hình, dự án, con dê được đưa xuống hộ dân nghèo với vai trò "kép" là vừa tạo vốn ban đầu, vừa là mô hình sản xuất đã thực sự giúp họ cải thiện thu nhập, vươn lên thoát nghèo.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 19/8, Trường Đại học Thủy Lợi phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Xây dựng mô hình canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính bằng kỹ thuật tưới tiết kiệm nước” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu.
Vụ mùa năm nay người dân ở Khánh Sơn (Khánh Hòa) bị thất thu do mít nghệ mất mùa. Trong thời kỳ ra hoa đậu quả, mít phát triển bình thường, nhưng gần đến khi thu hoạch thì thối trái và rụng hàng loạt.
Từ cuối năm 2012 đến nay, lượng đường tồn kho trong nước luôn ở mức cao kỷ lục (khoảng 500 nghìn tấn). Mặc dù các cơ quan chức năng đã dồn sức tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường nhưng vẫn chưa thật sự có hiệu quả. Ðể giải bài toán khó này, cần quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ các ngành, các cấp.
Đến nay trên địa bàn huyện Gò Dầu đã hình thành 3 vùng nhân lúa giống tập trung ở 3 xã Phước Trạch, Cẩm Giang và Bàu Đồn.
Sáng 20-8, Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Phòng phối hợp với huyện Thủy Nguyên tổ chức thả hơn 11 vạn cá giống nước ngọt ra sông Giá, huyện Thủy Nguyên, chủ yếu là cá mè, cá trắm đen, trắm cỏ, chép, rô phi.