Mặn Tấn Công Ruộng Đồng
Mặc dù chưa đến mùa hạn nhưng trên nhiều con sông phía Bắc tỉnh Quảng Nam nước mặn xâm nhập với nồng độ cao khiến nhiều trạm bơm treo máy. Để cứu gần 3.000 ha lúa, hoa màu cần sớm đắp đập ngăn sông Vĩnh Điện giữ ngọt, ngăn mặn đảm bảo năng suất lúa ĐX.
RÌNH MẶN ĐỂ BƠM NGỌT
Chúng tôi có mặt tại trạm bơm Tứ Câu (Điện Ngọc, Điện Bàn, Quảng Nam) lấy nước từ sông Vĩnh Điện (một nhánh sông Thu Bồn). Trạm bơm này phục vụ tưới cho 262 ha lúa, hoa màu của xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn và phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng. Anh Trương Hồng Nam, cán bộ trạm bơm đang túc trực ở sông để nồng độ mặn vận hành máy bơm.
Anh Nam dùng một cây sào, cột vào một chai thủy tinh miệng rất nhỏ và thả xuống lòng sông để lấy nước. Nhìn mặt sông xanh ngắt, với kinh nghiệm làm thủy nông nhiều năm, anh Nam đoán nồng độ mặn lúc này rất cao. Sau đó, anh đem máy ra đo thì cho kết quả nồng độ mặn lên đến 4,5 phần nghìn.
Cầm kết quả trên tay, anh Nam phân tích: “Nồng độ này vượt xa so với mực cho phép rất nhiều. Hiện lúa đang bước vào giai đoạn làm đòng, nồng độ mặn cho phép dưới 0,8 phần nghìn, nếu bơm lên thì cây chỉ có chết. Ở trạm bơm Tứ Câu vào thời điểm này chưa có năm nào nồng độ mặn lại cao như ri hết, năm nay mặn xâm nhập sớm quá”.
Cũng vì thế cứ 30 phút, cán bộ trạm bơm Tứ Câu lại ra sông một lần lấy nước đo nồng độ mặn. Nếu nồng độ dưới 0,8 phần nghìn thì vận hành máy, lúc đó ngồi đo liên tục, nếu nồng độ vượt quá mức cho phép liền đóng máy.
So với năm trước, thời điểm năm nay mặn xâm nhập sớm và nồng độ cao hơn gấp nhiều lần. Để có nước tưới cho lúa, hầu hết các trạm bơm đóng ở phía Bắc tỉnh Quảng Nam phải hoạt động theo giờ, theo từng thời điểm. Tại trạm bơm Tứ Câu, anh Trương Hồng Nam phải túc trực 24/24h, hôm sau lại có cán bộ khác thay để đo nước, mở máy hoạt động.
Chẳng khác gì trạm bơm Tứ Câu, trạm bơm Cẩm Sa phục vụ nước tưới cho 117 ha lúa của xã Điện Nam Bắc và trạm bơm Thanh Quýt phục vụ tưới cho 190 ha của HTX Điện Ngọc 1, Điện Thắng Trung và Điện Thắng Bắc cũng đã xuất hiện tình trạng xâm nhập mặn. Nhân viên của trạm luôn túc trực bên sông liên tục đo nồng độ mặn cho máy bơm hoạt động.
NGUY CƠ MẤT MÙA
Cầm bảng nhật ký các trạm bơm, ông Nguyễn Viết Long, Phó Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn cho biết: Từ sau Tết mặn xâm nhập với nồng độ cao, do đó các trạm bơm đều hoạt động từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau, thời điểm này mặn xuống thấp. Ngoài ra, có khoảng thời gian nào mặn ít thì tận dụng hết công suất, cũng vì vậy nước hiện cung cấp đủ cho lúa và hoa màu trên địa bàn.
“Khi máy hoạt động thì nhân viên phải có mặt thường xuyên để theo dõi nồng độ mặn, nếu sơ sẩy một tí, bơm nước mặn lên thì hàng chục ha lúa có nguy cơ mất trắng, lúc đó lấy đâu tiền đền bù cho dân”, ông Long tâm sự.
Để đối phó với tình trạng mặn xâm nhập, ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Nam và huyện Điện Bàn có phương án đắp đập ngăn sông Vĩnh Điện với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ đồng (năm trước cũng đã đắp bằng đất và bị lũ cuốn trôi). Công trình này có chiều dài 104 m, chiều cao 8 m, cao trình đỉnh 1,30 m, bề rộng mặt đập 3 m.
Theo dự kiến, ngày 10/3 sẽ khởi công, thời gian thi công khoảng trong vòng 1 tháng. Sau khi hoàn thành đập sẽ ngăn mặn, giữ ngọt để tạo nguồn ổn định cho hàng chục trạm bơm hoạt động nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho 3.000 ha lúa, hoa màu phía Bắc tỉnh Quảng Nam và một phần TP Đà Nẵng.
Trong mấy ngày qua, trạm bơm Tứ Câu chỉ vận hành được 5 giờ/ngày, do nồng độ mặn quá lớn khiến cánh đồng lúa thiếu nước xảy ra. Do vậy, ông Huỳnh Hiền, Phó Chủ nhiệm HTXNN Điện Ngọc 1 có mặt thường xuyên tại trạm theo dõi xem mức độ mặn để bảo trạm bơm tận dùng hết thời gian có nước ngọt mở máy.
Ông Hiền cho hay: “HTX có 135 ha lúa bước vào giai đoạn làm đòng nên rất cần nước. Tôi túc trực thường xuyên theo dõi trạm bơm hoạt động để điều chỉnh nước đến từng khu vực ruộng. Cứ tình trạng này kéo dài thì nguy cơ mất mùa rất dễ xảy ra lắm. Còn vụ HT sắp tới nếu không ngăn sông thì chắc chắn cả khu vực Bắc Quảng Nam này sẽ không có nước để SX!”.
Theo kế hoạch đến 10/3 khởi công đắp đập ngăn sông Vĩnh Điện, ông Hiền cho rằng, nếu vậy thì quá muộn. Bởi khoảng 15/3 lúa bắt đầu trổ, trong khi nước mặn xâm nhập thì các trạm bơm treo máy, nước sẽ không có cho lúa. “Cả năm trông vào vụ ĐX là chính, nếu không có nước ngọt thì lúa sẽ không trổ được”, ông Hiền nói.
Mặc dù 12 giờ trưa, trời nắng chang chang nhưng bà Phạm Thị Thi, thôn Ngân Giang, xã Điện Ngọc tưới nước cho rau. Thường ruộng rau này, bà Thi chiều tối tháo nước vào, sáng tháo ra nhưng nay nguồn nước khan hiếm, bà dùng thùng để tưới. Với diện tích hơn 3 sào, tưới từ sáng đến trưa vẫn chưa xong. “Nước mặn xâm nhập như ri chắc tui thu hoạch đợt này rồi chờ đến vụ đông làm chú ạ! Rau giá rẻ đã đành nhưng công chăm sóc lại cao nên lời lãi chẳng được bao nhiêu”, bà Thi chia sẻ.
“Dự kiến ngày 10/3, khởi công đắp đập nếu lũ tiểu mãn xuất hiện thì đập sẽ vỡ, bởi con đập này chỉ làm tạm thời, sau một năm lại làm đập khác. Nếu đập vỡ thì vụ hè thu rất căng thẳng về nguồn nước”, ông Nguyễn Viết Long, PGĐ Chi nhánh Thủy lợi Điện Bàn.
Có thể bạn quan tâm
Trước đây, phần lớn những hộ nuôi tôm công nghiệp đều phải đưa điện sinh hoạt vào sản xuất. Do đó, điện áp không ổn định, thường xuyên xảy xa tình trạng cúp điện cục bộ, nhất là vào thời điểm vụ nuôi chính. Bên cạnh đó, tiền điện phải đóng rất cao, có hộ phải đóng đến 40 triệu đồng/tháng.
Năm năm qua, ngoài việc sử dụng khí biogas để làm nguồn thắp sáng, nấu ăn, ông Đoàn Văn Lập ở thôn 3, xã Xuân Phú (Huyện Ea kar, Đắk Lắk) đã tận dụng nước thải biogas để tưới tiêu cho vườn tiêu, không cần sử dụng phân bón nhưng tiêu vẫn phát triển tốt và cho năng suất cao.
Trao đổi với báo giới vào chiều 27-11 tại Hà Nội trước thềm hội nghị về đột phá giống góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, khẳng định, sau khi vượt qua khó khăn, ngành thủy sản đang tiến tới xác lập những kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu trong năm 2014.
Năm 2004, Công ty DONA (ở Đồng Nai) hợp tác với Công ty Cà phê Phước An trồng xen canh 121 cây sầu riêng giống DONA-SR1 của Thái Lan vào vườn cà phê theo mật độ: cây cách cây 9 mét và hàng cách hàng 9 mét. Sau 1 năm, công ty bán lại với giá 100.000 đồng/cây.
Với địa hình thấp trũng, vào mùa mưa việc nuôi trồng thủy sản ở TT-Huế, nhất là các địa phương vùng đầm phá gặp nhiều khó khăn, bởi địa hình thấp, khi nước dâng cao, các loại thủy hải sản tràn ra ngoài, gây thất thoát lớn.Từ kinh nghiệm thực tiễn, bà con nuôi trồng ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền đã đầu tư cải tạo ao hồ, đắp đê cao và mạnh dạn nuôi trồng trong mùa mưa, mang lại nguồn thu nhập đáng kể.