Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ma trận thị trường yến sào

Ma trận thị trường yến sào
Ngày đăng: 22/07/2015

Treo đầu dê bán thịt chó

Thị trường yến sào ở Bình Định hiện nay ngoài sản phẩm khai thác tại địa phương, còn xuất hiện nhiều loại được du nhập từ tỉnh ngoài, thậm chí có cả hàng NK. Yến chất lượng, yến kém chất lượng trà trộn khiến người tiêu dùng chẳng biết đâu mà lần.

Khảo sát giá yến sào tại thị trường Bình Định, chúng tôi được giới kinh doanh cho biết: Tổ yến thô mới khai thác có giá dao động từ 3,5-5 triệu đồng/lạng; yến tinh chế (đã được làm sạch) có giá từ 4,5-5,5 triệu đồng/lạng; yến đảo thiên nhiên thì cao hơn nhiều, từ 8,5-9 triệu đồng/lạng.

Đối với sản phẩm yến du nhập từ các địa phương khác, đắt nhất là yến Khánh Hòa với giá 5-6 triệu đồng/lạng; yến khai thác ở Sài Gòn, Tiền Giang, Phú Quốc có giá thấp hơn.

Đó là đang nói đến dòng yến “chính thống”, còn hiện nay, trên thị trường yến sào Bình Định đang “loạn” lên bởi nhiều sản phẩm rất “mờ ám”.

Bà Kim Thủy, chủ nhân Cty TNHH SX-TM Yến sào Tôn Thủy (Quy Nhơn-Bình Định), cho biết vừa rồi có người đến chào mặt hàng yến tổ chỉ có 550.000đ/lạng và 800.000đ/lạng yến Malaysia.

"Tôi hỏi đó là loại yến gì mà giá rẻ thế, họ trả lời do là yến bể. Tôi kinh doanh mặt hàng này nhiều năm, tiếp cận với nhiều nhà yến và biết chắc là lượng yến bể trong khai thác không nhiều đến vậy”, bà Thủy khẳng định.

Cũng theo bà Thủy, có nhiều người đến chào hàng “yến nhà nuôi”, nhưng thực chất nhà người ấy chưa có đến 4 tổ yến thì sản phẩm ở đâu ra mà có bán nhiều đến thế.

Thị trường yến loạn lên là do có nhiều người đang kinh doanh mặt hàng này theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Tìm hiểu tại một cửa hàng chuyên kinh doanh yến sào ở TP Quy Nhơn, 1 lạng yến tinh chế được xướng giá là 5,5 triệu đồng. Nếu mua, khách hàng sẽ được giảm giá 30%, khuyến mãi 1 nồi chưng yến và tặng kèm 10gram yến.

Đó là chưa kể khoản trích cho nhân viên bán hàng khi bán được mẻ hàng. Tính ra, trừ hết các khoản khuyến mãi, tặng kèm, mỗi lạng yến chỉ còn giá trị thực là 2,5 triệu đồng/lạng. Người rành, sẽ đặt ngay câu hỏi: “Nếu là yến chính hiệu sao có giá rẻ thế?”.

Có nhiều cơ sở giá bán sản phẩm đã rẻ mạt, chỉ 2,5 triệu đồng/lạng, nhưng khi khách trả chỉ còn nửa giá vẫn bán. Nếu khách hàng thắc mắc thì nhân viên bán hàng sẽ bảo rằng, do yến khai thác tại Bình Định, không tốn phí vận chuyển nên có thể giảm giá.

“Mặc dù tôi kinh doanh mặt hàng yến sào đã lâu, nhưng nhận định chất lượng hàng bằng mắt vẫn chưa chuẩn, phải ngâm nước mới biết. Yến Bình Định dù ngâm đến 2- 3 tiếng đồng hồ sợi nào vẫn nguyên vẹn sợi nấy, còn yến Sài Gòn khi ngâm sẽ bị mềm nhão. Đặc biệt, loại yến nhập từ Malaysia thì dù ngâm nước đến mấy vẫn cứng đơ...”, bà Kim Thủy chia sẻ.

Tuy nhiên, theo nhiều người có thâm niên nuôi và kinh doanh yến sào, loại yến có giá rẻ kiểu này chắc chắn là yến không rõ nguồn gốc, nhập sang Malaysia rồi du nhập vào Việt Nam. Loại yến này đang được chào bán với giá 800.000đ/lạng. Mua về, đóng nhãn mác của cơ sở, thế là thành yến Bình Định.

Thật giả khó lường

Hiện nay trên thị trường yến sào Bình Định, nếu ai muốn mua yến huyết, yến hồng, sản phẩm chỉ có ở các đảo và rất hiếm, nhưng cũng có ngay, mua bao nhiêu cũng có.

Tuy nhiên, theo nhận định của những người lành nghề, sở dĩ loại yến này có nhiều vì đã xuất hiện “công nghệ” biến yến thường (có màu trắng) thành yến huyết (màu hồng) để bán được giá cao hơn.

Thậm chí còn có tình trạng làm giả tổ yến bằng mủ trôm, bột mì, đường… rồi bán ngay tại nơi khai thác để chứng tỏ đây là sản phẩm chính thống. Có không ít người mua bị đánh lừa “ngọt ngào” bằng chiêu trò này.

Nói về chuyện yến kém chất lượng đang tràn lan trên thị trường, bà Kim Thủy kể, có một khách hàng của bà Thủy đến hỏi: “Yến mua của chị về dùng thì không vấn đề gì, nhưng vừa rồi vợ em ham rẻ mua của một cơ sở ở TX An Nhơn về nấu thì ra nước hết. Muốn mang yến này đi kiểm định để biết chất lượng thì đến nơi nào?”.

Bà Thủy trả lời: “Mỗi lần tôi muốn kiểm định chất lượng sản phẩm phải vào đến Viện Pasteur Nha Trang. Mỗi lần đi kiểm định chất lượng yến đảo tôi phải chịu mất 1,5 lạng, vị chi là 15 triệu đồng”.

Nghe nói vậy, vị khách hàng kia dù đang “nóng” bỗng “nguội” ngay, vì không đủ khả năng để tìm ra sự thật.

Theo bà Thủy, yến nuôi ở Sài Gòn có giá thấp hơn yến Bình Định vì kết quả kiểm định cho thấy, loại yến này có hàm lượng acid amin chỉ từ 25-32%, trong khi đó yến Bình Định có hàm lượng acid amin cao đến 45,7%.

Bà Thủy giải thích: “Do yến nuôi ở Bình Định chuyên ăn con cánh kiến, loại côn trùng này có hàm lượng dinh dưỡng cao nên tổ yến ở đây có chất lượng cao; trong khi đó yến nuôi ở Sài Gòn chỉ ăn con man mác nên chất lượng sản phẩm kém hơn.

Theo đánh giá của Viện Pasteur Nha Trang, yến nhà ở Bình Định có chất lượng chẳng kém gì yến đảo ở Nha Trang”.


Có thể bạn quan tâm

Hoa tam giác mạch mở ra con đường thoát nghèo Hoa tam giác mạch mở ra con đường thoát nghèo

Cây hoa tam giác mạch được đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) gieo trồng từ lâu đời để dùng làm lương thực. Ngoài ra, hoa có vẻ đẹp tinh khôi nên rất hấp dẫn du khách.

20/09/2016
Nuôi lươn không bùn và ếch trong bể thu trên 100 triệu đồng mỗi năm Nuôi lươn không bùn và ếch trong bể thu trên 100 triệu đồng mỗi năm

Mô hình nuôi lươn không bùn đầu tiên ở Nghệ An trên quê lúa Yên Thành cho thu nhập cao.

20/09/2016
Hai lúa trồng chuối chất lượng cao theo chuẩn quốc tế Hai lúa trồng chuối chất lượng cao theo chuẩn quốc tế

Không mải mê trồng lúa, muốn thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá”, một nhóm nông dân ở xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP.Cần Thơ đã “làm liều” cải tạo đất để trồng chuối chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.

20/09/2016
Nữ tướng trồng rừng vượt nghịch cảnh thành tỷ phú Nữ tướng trồng rừng vượt nghịch cảnh thành tỷ phú

Bằng nghị lực vượt khó và sự sáng tạo trong làm ăn, từ người trồng rừng thuê, chị Nguyễn Thị Ba (sinh năm 1971, ngụ thôn Dương Lộc, xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã vươn lên thành tỷ phú.

21/09/2016
Nông dân làm giàu từ nuôi con đặc sản Nông dân làm giàu từ nuôi con đặc sản

Đến thôn 323, xã Đỉnh Sơn, huyện Anh Sơn hỏi ông Nguyễn Duy Trình nuôi “con đặc sản” ai cũng biết, bởi lẽ ông là người mạnh dạn tiên phong nuôi hươu sao, lợn rừng, nhím... Từ mô hình này mang lại cho ông khoản lãi từ 120 - 150 triệu đồng mỗi năm.

21/09/2016